Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Khu phố cũ Hà Nội sẽ ra sao?

Khu phố cũ Hà Nội sẽ ra sao?

Viết email In

Lâu nay, Hà Nội của chúng ta đã có Ban quản lý khu phố cổ. Hoạt động của Ban này đã có một số kết quả nhất định để bảo vệ Thủ đô nghìn tuổi vượt qua được thời gian và thời tiết khắc nghiệt, giữ gìn được nhiều di tích, nhiều vốn kiến trúc cổ, nhiều nét văn hóa đầy giá trị mà tiền nhân để lại và chúng ta phải có nhiệm vụ giữ gìn cho đời sau và nhiều đời sau nữa vì đó là trách nhiệm của thế hệ chúng ta trước toàn dân tộc và lịch sử (mà phục vụ du lịch và kỷ niệm một nghìn năm chỉ là mục đích ngắn, trước mắt).

Ban quản lý này công bằng mà nói đã có rất nhiều cố gắng như bảo tồn được nhiều đường phố cổ, dựng lại vài (cụ thể là hai) ngôi nhà Hà Nội cổ, một ở Hàng Đào và một ở Mã Mây, tổ chức một số hội thảo được nhiều nước quan tâm, như đại diện thành phố Toulous (Pháp), Nhật, Đức, Thụy Điển... tổ chức một số cuộc trưng bày nhân ngày lễ hội nào đó, viết một số đề án duy tu sửa chữa, củng cố một số công trình kiến trúc cổ... Tuy đã nhiều cố gắng như thế nhưng lực còn bất tòng tâm, nhiều công việc đề ra chưa thực hiện được, phần vì số nhân lực có hạn, phần nữa là kinh phí eo hẹp và nhiều nguyên nhân khác.

Như tên gọi của nó,  Ban này chỉ có nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ, gần như nằm gọn trong quận Hoàn Kiếm mà đại khái biên giới của nó là phố Hàng Bông - phố Cầu Gỗ, đường Bờ sông và phố Quán Thánh giáp với Hàng Đậu, Hàng Than.

Nhưng theo dự ghi nhận của nhiều nhà hoạt động văn hóa thì Hà Nội đang có thể chia thành ba khu vực (chỉ là tương đối). Ngoài khu phố cổ, còn có khu phố cũ mà nhiều người quen gọi là khu phố Tây, được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, và khu phố mới, vừa hình thành từ sau năm 1954, nhất là cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, nó cứ lan dần ra bốn phía ngoại thành và đang có đà phát triển dữ dội hàng ngày. 

Bài này, người viết chỉ muốn đề cập riêng đến khu phố cũ, còn gọi là khu phố Tây.

Chưa bao giờ Hà Nội lại bùng phát việc xây dựng và thương mại như thời gian từ ngày Đổi Mới đến nay. Có người nói chỉ cần ai đó một tháng không ra phố thì sẽ vô cùng ngạc nhiên khi gặp lại cảnh cũ đã thay đổi ra sao. Nhiều con phố vẫn là con phố cũ nhưng hai bên đường, nhà cửa đã xây dựng lại khác trước nhiều quá, đến nỗi có cảm giác như có ai đó đặt một đường phố mới lên con phố cũ.

Nếu ngày nay chúng ta có một cụ Phạm Đình Hổ, cụ viết lại cuốn sách "Vũ trung tùy bút" thì hẳn cụ phải viết thêm hàng ngàn trang, không phải là câu "Nhà ta ở phường Hà Khẩu" mà phải viết về Khu phố cũ và khu phố mới thay đổi ra sao, với niềm vui và nỗi đau, cảm tình và buồn rầu thế nào...

Quản lý đô thị là cả một nghệ thuật bên cạnh một nền pháp lý minh nghiêm. Khu phố cũ đang là một di sản không gì có thể mua bán được, và bây giờ chúng ta cũng không thể có điều kiện để dựng lại một khu vực có những công trình như thế. Chỉ lịch sử mới tạo ra được nó. Chúng ta còn nghèo, nếu làm việc này hẳn cũng là bài toán khó, nhưng vừa mới cách đây ít ngày, dự án làm đường sắt trần cao còn tốn đến nửa tỷ Euro mà cũng đã được thông qua, dù chưa biết kết quả tới đây, còn đằng này, còn việc này, nó hiện hữu và thiết thân ngay trước mắt, chắc rằng người có trách nhiệm không thể không quan tâm cân nhắc. 

Khu phố cũ, gần đây có bài báo của kiến trúc sư, so sánh rằng với hơn một ngàn ngôi nhà kiểu biệt thự Pháp và Đông Dương, tài sản này, di tích này còn quý giá hơn cả Đà Lạt và Hà Nội là thành phố duy nhất ở Việt Nam xây nên và nó đang có mặt trên đất nước Việt Nam thì di sản quý báu đó đương nhiên là của Việt Nam, và không có lý gì chúng ta rẻ rúng, thậm chí hủy hoại nó một cách không thương tiếc như hiện nay. Nếu cứ đà này mà không được hãm phanh dừng lại, không có một cơ quan đứng ra quản lý tương tự như Ban quản lý phố cổ, mà tên nó là Ban quản lý phố cũ, thì chỉ vài chục năm nữa, chúng ta sẽ mất đi một khi di sản, di tích quý báu không gì bù đắp được.

Để xây dựng được chỉ một ngôi biệt thự như đang có phải mất nhiều tiền bạc và công sức và thời gian, có khi hàng mấy năm trời, mà hàng nghìn ngôi như thế không phải là chuyện nói chơi, vậy mà phá nó đi, làm méo mó nó đi, biến dạng nó đi, thay đổi hình dáng và chức năng nó đi, chỉ mất một tuần, hoặc một tháng, và nếu cấp tập theo kiểu làm ăn chụp giật như những công trình sai phép, cứ làm ào đi về ban đêm, bất chấp luật lệ, chỉ mất vài ba đêm là ta mất đi một công trình quý giá, một tài sản quý báu.


Bắc Bộ Phủ 

Đã có bao nhiêu công trình biệt thự cổ của một Hà Nội hào hoa và duyên dáng, không kém tôn nghiêm, ở các phố Trần Hưng Đạo, giữa và cuối phố Lý Thường Kiệt, phố Nguyễn Du và nhiều phố khác đã biến mất tăm vào những móng ngôi nhà mái bằng cao lênh khênh, vô cảm, thiếu thẩm mỹ, chỉ có tác dụng về thương mại, nói trắng ra là để buôn bán một cách thực dụng thu về lợi nhuận.

Nhiều ngôi biệt thự đứng riêng biệt trong một khuôn viên xinh xắn, có cây cổ thụ, có luống cỏ xanh, có cổng ra vào tạo một không gian tĩnh lặng thâm trầm thanh thoát ngay giữa phồn hoa ồn ã thế mà người ta không thương xót, đã phá hỏng nó đi, cơi nới gian mái bằng, xây thêm phía sau ba bốn tầng xi măng đứng ngang đường thẳng như cắt vào không gian, để khuất lấp đi hoàn toàn một đôi nét mái nhà cong lượn, chiếc cửa mắt bò, bậc tam cấp dẫn lên tiểu sảnh, mái hiên che nắng, chiếc bao lơn mơ mộng, khung cửa sổ có bức rèm che bí mật như một niềm e lệ để từ đó buông ra thánh thót tiếng dương cầm những đêm trăng hay du dương một khúc vĩ cầm chiều thu rỉ rả... Cũng  thấp thoáng đâu đó, trong khoảng sân nhỏ hẹp, một người nào đó đi vào đi ra lặng lẽ, bước đi khoan thai đầy chất Hà Nội dịu dàng tha thướt. 

  • Ảnh bên : Nhà thờ lớn Hà Nội (nguồn : hanoireview.blogspot.com)

Những ngôi biệt thự cổ kính và hiện đại ấy chứa đựng những con người Hà Nội và nét sinh hoạt Hà Nội nghìn năm không phai mờ hay bị trộn lẫn, nó là hào hoa thanh lịch, không ồn ào, không ganh ghét bon chen, không bành trướng, lấn chiếm của ai, cũng không nhiễu sự, kiện tụng hay vu cáo bao giờ. Những con người đó dù nổi danh hay vô danh cũng đã làm ra một Hà Nội thanh lịch trong nếp sống, trong sáng tạo, trong ứng xử, mà ngôi nhà của họ là ngôi biệt thự cứ lặng lẽ nhuốm màu thời gian một cách bền gan cùng tuế nguyệt. Có nhiều người may mắn mà được chủ một ngôi nhà như thế, họ không giầu có, không kênh kiệu, không kiêu ngạo, họ lặng lẽ cống hiến cho đời, ngay cái ở của họ cũng là một nét đẹp Hà Nội bao năm.

Ngôi biệt thự đầy nét cổ kính, mang dấu ấn một thời Hà Nội khang trang, nó là tinh túy của Hà Nội cả về kiến trúc lẫn văn hóa và nhân văn. Điểm lại mà xem ngôi nhà cụ Hồ Đắc Điềm ở phố Nguyên Du trông ra hồ Thuyền Quang (cụ từng là nhà yêu nước, là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Hội đồng nhân dân Thành phố,...) ngôi nhà bác sĩ chống Pháp ấy đã bị giặc Pháp sát hại không tìm thấy xác, có thuyết cho rằng xác cha con ông đã bị vùi nông tại mồ liệt sĩ vô danh nay là chợ 19-12, cạnh tòa án. Ngôi nhà họa sĩ Nam Sơn và nhà bác sĩ Nguyên Bách cũng trông ra hồ Thuyền Quang, mà nay còn có người gọi là hồ Ha Le và mở rộng quán rượu lấy tên là quán Ha Le mà không biết rằng Halais là tên một tên công sứ Thực dân Pháp, Thị trưởng Hà Nội thời Pháp thuộc. Những ngôi nhà kể trên có ngôi mất, có ngôi còn, tuy còn nhưng cũng bị "cải biên" làm xấu xí đi nhiều. Đầu phố Lý Thường Kiệt có ngôi biệt thự khá đẹp còn có hàng câu châu Phi làm hàng rào, bỗng nhiên khoảng gần  năm nay nó bị phá đi thay bằng mái tôn, cửa nhôm, khung kính và cột sắt để buôn bán và quảng cáo xe máy, đèn ống lóa mắt người đi đường...


Phố Hoàng Diệu (Hà Nội)

Khu phố cũ nào nhà được dùng làm đại sứ quán thì còn đỡ bị hủy hoại, còn nhiều nơi khác, biệt thự hầu như đều bị "làm mới" nghĩa là sửa chữa, phá phách, thay đổi kiến trúc, cả lối đi, cổng vào. Ngôi biệt thự từng là nhà của nhà thơ Xuân Diệu cũng không tránh khỏi số phận tiêu điều ấy. Nó đã bị lắp nhôm kính, vẩy thêm mái, bầy bàn ghế làm quán giải khát.
Đi qua những ngôi biệt thự cũ trong những khu phố cũ này, nhiều người đều cảm thấy xót xa vì chúng ta có di tích mà không biết giữ gìn, thậm chí dang tay phá hủy chúng đi một cách tàn bạo. 

Khi thành lập Ban quản lý khu phố cổ có người cho rằng rất kịp thời, nhưng cũng nhiều người cho rằng thế là quá muộn, nhiều ngôi nhà cổ hơn trăm năm đã không còn nguyên vẹn, người ta đã mái bằng hóa, nhôm kính hóa như ở Hàng Bè, Cầu Gỗ...

Cho đến thời điểm này, khu phố cũ đang có chiều hướng ngày càng bị xâm hại nhiều hơn, nếu thành lập một Ban quản lý khu phố cũ, có là muộn không? Nếu không thành lập ngay thì chỉ vài chục năm nữa, chúng ta đứng trước một sự đã rồi, giống như tình hình vịnh Nha Trang đang bị phá tanh bành đến nỗi người ta muốn xóa tên khỏi danh sách vịnh đẹp thế giới để dễ bề thao túng và phá hỏng hơn.

  • Ảnh bên : Khách sạn Sofitel Metropole - phố Ngô Quyền (nguồn : Hanoi 2D)

Gần đây Hà Nội đã có nhiều cố gắng bảo tồn khu khai quật Hoàng Thành cổ Thăng Long và đang ra sức bảo vệ khu Đàn xã tắc mới phát lộ. Đó là những di tích chỉ còn là phế tích mà chúng ta đã tốn không ít công sức và tiền của để bảo vệ giữ gìn, huống chi ta đang có một khi vực hàng nghìn di tích quý giá đang đứng trước lâm nguy, lẽ nào chúng ta không có biện pháp kịp thời bảo vệ để chúng sẽ không tàn phai nhòa xóa làm mất đi một phần hồn Hà Nội?

Những ai đang là người Hà Nội, những ai đang yêu Hà Nội chắc đều chung một ý nguyện là sớm có biện pháp để tu bổ giữ gìn khu phố cũ đầy giá trị, nó chiếm một phần không nhỏ diện tích Hà Nội và phần không nhỏ tâm hồn người Hà Nội.

Băng Sơn 

[ FORUM

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...