Thương hiệu không quá phụ thuộc vào diện tích của một thành phố. Trên thế giới có nhiều thành phố nhỏ nhưng thương hiệu của nó lớn, và chỉ cần nhắc tới tên thì hầu như ai cũng biết. Biết những đặc điểm khiến thành phố ấy nổi tiếng, biết khi tới thành phố ấy thì đầu tiên phải viếng thăm nơi nào, kế đến nên mua sắm những món hàng gì, ở đâu, vui chơi giải trí thế nào… Và quan trọng hơn, sau khi rời xa thì những ấn tượng về thành phố đó lập tức thành những kỷ niệm đẹp khiến ta nhớ mãi…
Cầu sông Hàn - Đà Nẵng
Đã sắp tới lễ kỷ niệm 34 năm thành phố Đà Nẵng được giải phóng và bước vào cuộc sống hòa bình. Là người đã có thời gian sống ở Đà Nẵng trong thời bao cấp, tôi nhận thấy tốc độ phát triển của thành phố trong những năm 70 và 80 thế kỷ trước là khá chậm chạp. Đà Nẵng chỉ bắt đầu vươn mình lớn vụt lên kể từ những năm 90, và phát triển với tốc độ rất cao trong thập niên đầu thế kỷ 21. Một thành phố khi "tăng trưởng nóng" như thế sẽ kéo theo nó nhiều vấn đề, thuận lợi nhiều mà khó khăn cũng không ít. Nhưng cái được nhất của Đà Nẵng từ khi được quy hoạch lên thành phố lớn là đã biết tư duy và xây dựng "thương hiệu thành phố" cho mình. Ngay khi còn ngổn ngang những công trường trong phố, Đà Nẵng đã có ý thức xây dựng một thành phố "xanh sạch đẹp", một thành phố biết bảo vệ môi trường và biết nói "không" với những hành động hủy hoại môi trường. Những đường phố mới ở Đà Nẵng đều là những "đường phố-cây xanh", và phương thức giải phóng mặt bằng ở đây là cách tạo quỹ đất nhằm tới sự công bằng (dù tương đối) cho người dân trong giải tỏa đền bù, cũng như tạo sự bề thế cho những đường phố tương lai - những đường phố có dải phân cách rộng trồng hoa và cây xanh, có vỉa hè đủ rộng cho người đi bộ.
Những cây cầu liên tiếp được xây dựng bắc qua sông Hàn không chỉ kết nối hai khu Đông-Tây của thành phố mà còn là những công trình kiến trúc-trang trí làm đẹp cho thành phố. Có một dòng sông đẹp chảy giữa lòng thành phố là một đặc ân của thiên nhiên, nhưng nếu không biết tận dụng và phát huy hết "khả năng đẹp" của dòng sông thì thành phố rất khó trở thành một "thành phố đẹp". Lễ hội thi bắn pháo hoa quốc tế "Âm vang sông Hàn" được tổ chức lần thứ 2 vào đêm 27 và 28/3 này là một bước đột phá của Đà Nẵng trong hoạt động "làm thương hiệu thành phố". Với dự kiến 5 vạn khách du lịch sẽ tụ về Đà Nẵng trong dịp này, thành phố không chỉ chuẩn bị chu đáo đón khách mà còn có những biện pháp kiên quyết không tăng giá khách sạn hay các dịch vụ phục vụ khách, làm sao để du khách có thể hưởng những ngày thoải mái nhất khi viếng thăm thành phố bên sông Hàn.
Đà Nẵng từ mấy năm nay đã không còn tình trạng người ăn xin hay những người bán hàng lưu niệm đeo bám du khách, nhất là du khách nước ngoài. Cũng không còn cảnh "làm giá" hay "chặt chém" vô tội vạ du khách về dự lễ hội. Đó chính là những công việc thầm lặng nhằm xây dựng thương hiệu cho thành phố, chứ không chỉ ở những màn bắn pháo hoa rực rỡ. Đi trên đường Bạch Đằng - con đường bờ sông đẹp nhất thành phố - trong những ngày này có cảm giác như đang đi bộ ở một đường phố châu Âu "đẹp chuẩn" nào. Những con đường đẹp như thế sẽ đóng góp rất nhiều vào thương hiệu thành phố. Nhưng không chỉ như thế, mà chính lối sống, cách đối nhân xử thế của người Đà Nẵng, những tình cảm thân thiện của người dân nơi đây mới là cốt lõi tạo nên một "thành phố thân thiện". Sự thân thiện - đó cũng là thương hiệu thành phố.
Thanh Thảo (ảnh: baodanang.vn)
- Để nhà xã hội không thành nhà ổ chuột
- Di sản Quốc gia: Làng, xã quản lý!
- Khu phố cũ Hà Nội sẽ ra sao?
- Dự luật Quy hoạch đô thị: Xác định vai trò kiến trúc sư trưởng
- Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích
- "Phù hợp quy hoạch"
- Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường
- Bỗng dưng muốn… cơi nới
- Vụ tranh chấp ở khu đô thị The Manor (Hà Nội): Giàu, sang sao chẳng đi liền?
- Chống ngập: Cần một chiến lược căn cơ