Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, người từng chia sẻ rất nhiều tâm huyết với Hà Nội khi bàn tới dự án khách sạn Novetel Hanoi on the park vừa qua, tiếp tục trao đổi với chúng ta về lựa chọn ứng xử của người dân - những chủ nhân trách nhiệm với thành phố.
Quy hoạch đô thị cho dân?
Quy hoạch đô thị (QHĐT) vừa gần gũi nhưng cũng rất xa vời đối với cư dân đô thị. Nó gần gũi vì QHĐT tác động lên bất cứ ai: việc cư trú lâu dài hay tạm bợ khi giới hạn những dự án QHĐT trùm đến. Việc đi lại, làm ăn có thuận lợi hay trắc trở khi có dự án QHĐT triển khai. Giá nhà đất lên hay xuống tuỳ theo cái bản QHĐT nó tô mầu loại đất gì vào vị trí ngôi nhà mình đang ở…
Nhưng QHĐT cũng rất xa vời vì ít ai biết nó từ đâu tới. Nghĩ mãi chưa ra ở đâu đã có bản QHĐT được thực hiện sau khi khảo sát kỹ lưỡng, cân nhắc đến nguyện vọng của cư dân tại phạm vi nghiên cứu của bản QHĐT ấy. Có thể hiểu biết hạn chế, nếu có xin quý vị cùng chia sẻ.
- Ảnh bên : Đường tàu chạy qua từng chặng lịch sử trong công viên Thống Nhất.
Mỗi khi Hà Nội có cuộc triển lãm QHĐT, người dân nô nức đến xem - nó luôn là sự kiện lớn của Thành phố, nhưng chưa bao giờ thấy có một cuộc triển lãm nào được tổ chức để trưng bày những ao ước, mong muốn của người dân đô thị về tương lai nơi cư trú của mình. Đòi hỏi này có vấn đề gì đó không ổn, vì bản QHĐT ắt phải do những nhà chuyên môn nghĩ ra.
Nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều bản QHĐT ra đời, có rất nhiều câu hỏi của công chúng - chính các nhà chuyên môn lập ra cái QHĐT ấy chưa trả lời thấu đáo. Không kể các QHĐT “nội” mà ngay đại dự án Sông Hồng do nước ngoài lập, đã hai cuộc triển lãm rồi cùng với nhiều cuộc hội thảo, đến nay câu hỏi về phương án trị thuỷ Sông Hồng và tái định cư dân ven sông vẫn còn để ngỏ. Vậy là những nhà chuyên môn lập ra cái QHĐT (trong nước hay ngoài nước) cũng có những vấn đề…
Vậy nên chăng có sự tham gia rộng rãi của công chúng vào các dự án QHĐT ngay từ khi hình thành các ý tưởng. Bắt đầu từ một cách khác đi - mới mẻ cũng có thể hy vọng sẽ có một kết quả tốt hơn những lối mòn đã qua.
Chủ nhân thành phố
Trước hiện tượng cư dân thành phố đổ rác bừa bãi, lấn chiếm đất công, san lấp hồ ao - kênh tiêu nước thải hay vặt hoa tại lễ hội hoa… Có nhiều ý kiến cho rằng đây là do thói quen tuỳ tiện của ai đó không phải là người Hà Nội - tất nhiên ý kiến này đã bị nhiều người phản bác… Cá nhân tôi thì suy diễn theo hướng khác: rằng chúng ta đang cư trú nơi đây hay chúng ta chung tay xây nên Hà Nội để trở thành chủ nhân của thành phố. Ở hai vị trí sẽ có hai cách hành xử khác nhau.
Nếu chỉ là nơi tá túc trong thời khắc nào đấy thì tranh thủ những lúc “nhá nhem”, ta vun vén cho mình một chút cũng là lẽ thường - tuỳ tiện đôi chút thì cũng coi là được. Xung quanh ta, ai cũng vậy cả. Người quản lý có sâu sát tới đâu, có ba đầu sáu tay cũng làm sao mà trông cho hết.
Nếu ta muốn ở vị trí là người góp tay xây dựng với tư cách là chủ nhân thành phố thì ta bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ việc gì? Không lẽ lao ra đường để hô to những khẩu hiệu sáo rỗng hay ngày nào cũng mang chổi quét sạch bụi rác cái vỉa hè trước cửa nhà mình… Cũng có thể chúng ta bắt đầu từ ý nghĩ về những con phố, công viên và các không gian công cộng trong thành phố nơi họ thấy cần được cải thiện hoặc chuyển đổi. Ta bắt đầu từ những sáng kiến, những đề xuất với xã hội về một không gian mong muốn, mơ ước về thành phố tương lai của chúng ta.
“Đánh thức Không gian”
“Hãy để nghệ thuật biến đổi thành phố của bạn” - Đó là thông điệp của cuộc thi “Đánh thức Không gian” do Hội đồng Anh, báo Thể thao Văn hoá, mạng Ashui.com vừa tổ chức nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm đối với đô thị của người dân và khuyến khích họ đóng sáng kiến về việc thay đổi khung cảnh đô thị mà họ quan tâm. Trong 3 tháng (từ tháng 12/2008 đến 2/2009) đã có gần 300 bài dự thi gửi đến Ban tổ chức. Qua vòng sơ khảo đã chọn ra 1/3 trong số đó đáp ứng các tiêu chí cuộc thi đưa ra. Chúng tôi chỉ giới thiệu vài ý tưởng liên quan đến TP Hà Nội, liên quan đến những sự kiện xã hội đang quan tâm.
Phương án phối cảnh không gian tưởng niệm trên đoạn phố 19/12
"Không gian 19/12" (xem bài thi): Bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại và mới lạ với chất liệu ánh sáng, hình khối, tập hợp các ký tự và ký hiệu, các tác giả Đoàn Thanh Hà - Hoàng Văn Duy đã đề xuất một không gian tưởng vọng đầy sáng tạo.Một đài tưởng niệm về một đoạn phố với lịch sử bi hùng mà những công dân Hà Nội hiện đại có thể cảm nhận trong một tinh thần triết học và tính biểu tượng - ẩn dụ sâu sắc. Trong xu thế văn hoá nhân loại đang tiến hoá với tốc độ cao, đồ án gợi ý cho Hà Nội nên thay đổi cách nghĩ cổ lỗ đến lạc lõng là cứ chỗ nào tưởng niệm thì ắt phải xây đền và làm bệ thắp hương (sáng kiến này đang manh nha làm sau tượng đài Lý Thái Tổ - Hồ Gươm) - Phải chăng đây là sản phẩm của trí tưởng tượng nghèo nàn?
"Cuộc chạy trốn của Rùa hồ Gươm" (xem bài thi): Với mục đích thức tỉnh con người với lối sống hiện tại của họ đang dần dần phá huỷ môi trường sống trên trái đất và tiêu diệt muôn loài. Tác giả An Việt Hưng đã trình diễn một hoạt cảnh đường phố: Một sáng nọ, người dân ở trung tâm Hà Nội tỉnh dậy ngỡ ngàng và giật mình thấy đàn đàn lũ lũ rùa đang chạy trên phố. Những con rùa đang rời bỏ Hồ Gươm - quê hương của chúng từ trước khi con người tới miền đất này. Trên mai, trong mồm chúng toàn là rác: vỏ lon coca, dép tông, bao nilon… Những tác phẩm sắp đặt này làm bằng giấy, xốp và có thể đốt đi sau khi trưng bày. Tuy chỉ làm bằng vật liệu rẻ tiền và tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng với lời nhắn gửi đầy ấn tượng - Hình ảnh những chú Rùa chạy trốn những hành vi vô tâm của con ngưòi sẽ lắng đọng trong tâm trí lâu hơn những bức tượng đồng, tượng đá nặng nề tốn kém về trọng lượng (đi cùng với nó là tốn kém về tiền bạc và lãng phí không gian) được vội vã xây lên một cách tình thế nhân dịp những ngày kỉ niệm trọng đại.
Hình ảnh minh họa của phương án "Cuộc chạy trốn của Hồ Gươm"
"Đánh thức Công viên Thống Nhất - Hà Nội" (xem bài thi): Với ý nghĩa cao cả của từ Thống Nhất, tác giả Nguyễn Thế Khải đã đề xuất một không gian thu nhỏ tất cả những địa danh ghi dấu những chiến công oai hùng trong lịch sử đấu trang thống nhất đất nước: từ Ải Chi Lăng (Lạng Sơn) đến hòn Phụ Tử (Kiên Giang) rồi ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, từ Khuê Văn Các (Hà Nội) đến cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá)… Không những thế Công viên còn là nơi trồng cây hoa đặc trưng ba miền Tổ Quốc, rồi chọn lọc cả bài ca điệu nhạc hay cả đến những món quà theo từng vùng miền… Nơi đây không chỉ là vườn cây mà sẽ là một nơi vui chơi giải trí nhưng cũng là nơi gợi nhớ, thức tỉnh lương tri nhiều thế hệ người Việt Nam tu dưỡng tâm tính vì cái Đẹp, cái Thiện, Hạnh phúc giữa lòng đồng bào.
Chỉ lược qua 3 trong số gần 300 phương án dự thi ta đã thấy năng lực sáng tạo của người Thủ đô sung mãn lẵm. Những sáng tạo này chỉ có thể xuất hiện trong những hoàn cảnh vô tư - thoát khỏi những ràng buộc của tiền bạc. Cái mà các đồ án QHĐT thực hiện theo ý muốn chủ quan của các Chủ dự án, nên khó đạt tới sự thăng hoa. Vậy là những sáng tạo này đích thực xuất phát từ những ước vọng của cư dân Hà Nội về không gian mơ ước với thành phố của họ.
Một ngày kia Hà Nội sẽ xây nên từ cái khát vọng của chính cư dân thành phố thì ắt hẳn nó đẹp đẽ và bình yên lắm. Bạn có muốn sống trong thành phố ấy không?
KTS. Trần Huy Ánh / Nguồn ảnh : BTC Cuộc thi "Đánh thức không gian"
- "Phù hợp quy hoạch"
- Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường
- Bỗng dưng muốn… cơi nới
- Vụ tranh chấp ở khu đô thị The Manor (Hà Nội): Giàu, sang sao chẳng đi liền?
- Chống ngập: Cần một chiến lược căn cơ
- Ứng xử với di tích và những mối giằng co
- Những mảnh đất cuối cùng…
- Tản mạn về những "cái chết" không nhìn thấy
- 15 năm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 1994-2008
- Bất lực trong việc bảo vệ bãi đá cổ Sa Pa?