Từ 17/2/2009, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội diễn ra triển lãm các tác phẩm đoạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) lần thứ 8 (năm 2006 - 2008). Hội KTS Việt Nam chủ trì cuộc tọa đàm đánh giá chặng đường 15 năm GTKTQG. Buổi tối 18/2, lễ trao GTKTQG lần thứ 8 và lễ kỷ niệm 15 năm GTKTQG được tổ chức. Đây cũng là dịp để giới hành nghề kiến trúc Việt Nam nhìn lại sự đóng góp của Giải thưởng này đối với sự nghiệp phát triển kiến trúc nước nhà.
- Ảnh bên : Nhà ga T1 - Sân bay Quốc tế Nội Bài
GTKTQG được khởi động năm 1994, khi đó Thủ tướng Chính phủ giao Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) cùng phối hợp tổ chức GTKTQG 2 năm một lần với quy mô toàn quốc nhằm tôn vinh các tác giả - tác phẩm kiến trúc. Trải qua 8 kỳ xét giải, GTKTQG đã thu hút sự tham gia của 1.239 tác phẩm. Trong số đó, Hội đồng GTKTQG đã trao tặng 6 giải Nhất, 47 giải Nhì, 115 giải Ba và 145 giải của Hội đồng cho tập thể và cá nhân các tác giả - tác phẩm đoạt giải. Kết quả này là niềm tự hào, là thành quả ghi nhận tài năng cùng những nỗ lực chung của giới kiến trúc đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
- Ảnh bên : Khu nhà ở Ngoại giao đoàn
15 năm là khoảng thời gian tuy không ngắn nhưng cũng chưa đủ dài cho một chặng đường phát triển của nghệ thuật. Có thể ví đó như một cột mốc trên hành trình dài không ngơi nghỉ của hoạt động sáng tạo. Nhìn lại 15 năm GTKTQG với sự chiêm nghiệm, để thấy những điểm nổi bật, những đổi mới trong hoạt động kiến trúc nước nhà, để thấy sự nỗ lực của từng cá nhân, quá trình tìm tòi sáng tạo của cả tập thể những người làm nghệ thuật, sự đồng lòng, chung tay, chung sức của các nhà quản lý, xây dựng... Đây cũng là dịp để giới KTS cả nước cùng nhau nhìn nhận lại những gì được và chưa được của một chu kỳ sáng tạo.
- Ảnh bên : Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang.
15 năm qua, giải thưởng đã chứng kiến và ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ của kiến trúc nước nhà. Điều này được minh chứng bằng số lượng tác giả, tác phẩm tham dự ngày một nhiều, bằng sự đa dạng về đề tài và thể loại tác phẩm góp mặt, bằng sự hiện diện và lớn mạnh không ngừng của một xu hướng kiến trúc mới - xu hướng kiến trúc hiện đại. Xu hướng này đang dần được khẳng định, đẩy lùi những kiến trúc vay mượn, lai căng, nệ cổ, nặng về hình thức rất thịnh hành một thời. Nó tiêu biểu cho cách nghĩ, cách làm hướng về giải quyết không gian tốt, xử lý chi tiết đơn giản, những ứng dụng công nghệ và vật liệu mới, là kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng, thích dụng và bền vững… Dù chưa có những đỉnh cao thực sự, nhưng các kỳ giải thưởng đã ghi nhận những chuyển động về chất, ghi nhận những nỗ lực đổi mới và sáng tạo không ngừng của giới KTS cả nước, hướng tới một nền kiến trúc Việt Nam chân thực, một nền kiến trúc tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
- Ảnh bên : Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né.
15 năm GTKTQG cũng ghi dấu sự trưởng thành của nhiều thế hệ KTS Việt Nam. Họ xuất hiện một cách bình đẳng qua các kỳ giải thưởng, cùng nhau tranh tài, học hỏi và động viên nhau trong nghề nghiệp. Lớp KTS có tuổi vẫn hăng hái sáng tác; lớp KTS thế hệ thứ hai đã chín, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Thế hệ KTS thứ ba bắt đầu định hình, hoạt động náo nhiệt và tìm tòi về nhiều phía; một lớp rất trẻ đã có mặt. Dù chưa khẳng định được phong cách riêng, nhưng mỗi người, mỗi thế hệ cũng đã để lại cho giải thưởng những dấu ấn riêng biệt. Trong số đó, chúng ta phải ghi nhận những đóng góp rất đáng trân trọng của nhiều tập thể, tác giả đã tham gia đều đặn và đoạt nhiều giải cao qua các kỳ giải thưởng như Chi hội KTS VNCC, Hội KTS TP.HCM, các KTS Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Trường Lưu, Nguyễn Khôi Nguyên, Nguyễn Tiến Thuận... Các KTS vùng sâu, vùng xa, nơi mà điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, cũng đã góp tiếng nói trong trẻo và đầy tự tin của mình để góp phần làm nên thành công của giải.
- Ảnh bên : Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
15 năm với 8 kỳ giải thưởng diễn ra liên tục, GTKTQG đã dần trở thành một sinh hoạt truyền thống của giới nghề, một sự kiện văn hoá lớn được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt đón nhận. Với thông điệp sâu sắc, rõ ràng và nhất quán, giải thưởng đã góp phần tạo nên những chuyển biến lớn trong nhận thức, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng của kiến trúc, về bản chất văn hoá và tính xã hội sâu sắc của kiến trúc trong đời sống. Nó khơi dậy trong giới trẻ ý chí và khát vọng vươn lên trong sáng tạo nghệ thuật, trong đổi mới và hội nhập với những giá trị quốc tế. Nó là bức tranh phản ánh một cách chân thực và rất đáng tự hào về những thành tựu của ngành, về lực lượng sáng tạo, về tư duy và con đường nghệ thuật mà giới kiến trúc đi tới…
Chắc hẳn, sáng tạo nghệ thuật không chỉ dừng lại ở chặng đường 15 năm hay một mốc thời gian xác định. Đất nước đang chuyển mình, xã hội đang đòi hỏi, thôi thúc giới KTS cả nước không ngừng tiếp tục tìm tòi, tiếp tục nỗ lực đổi mới và sáng tạo, phấn đấu không mệt mỏi trong cuộc hành trình kiếm tìm những giá trị chân - thiện - mỹ, nơi cội nguồn và là đích đến của sáng tạo. Hãy cùng chờ đón những thành công mới của giới KTS nước nhà qua các kỳ giải thưởng...
Khu Tropicana Resort, Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh trái) / Kho bạc Nhà nước TP.HCM (ảnh phải)
- Chú thích : Ảnh trong bài là các công trình đoạt giải thưởng kiến trúc Quốc gia - nguồn: Hội đồng GTKTQG
>> Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2008
[ FORUM ] [ e-Book: "15 năm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 1994-2009" | PDF, 7.6MB ]
- Chống ngập: Cần một chiến lược căn cơ
- "Đánh thức" chủ nhân của thành phố
- Ứng xử với di tích và những mối giằng co
- Những mảnh đất cuối cùng…
- Tản mạn về những "cái chết" không nhìn thấy
- Bất lực trong việc bảo vệ bãi đá cổ Sa Pa?
- Người ít tiền sẽ được ở nhà xịn?
- “Thành phố không dây”
- Hồn làng
- "Bức tử" đền Và