Chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, ngày 2/10, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ và các Sở: văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Hội Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây - Danh thắng quốc gia.”
Đây là một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa của giới trí thức Thủ đô, với mục tiêu nhận diện giá trị di sản vật thể, phi vật thể của khu vực Hồ Tây; đánh giá thực trạng về bảo tồn, phát triển, quản lý Hồ Tây; đề xuất các giải pháp phát huy giá trị xác định các tiêu chí để khu vực Hồ Tây sớm được Nhà nước công nhận là "Danh thắng quốc gia."
Một góc hồ Tây. (Ảnh : Trọng Đức/TTXVN)
Khu vực Hồ Tây là một danh lam thắng cảnh đặc thù mang đậm dấu ấn của ngàn năm xây dựng và phát triển Thủ đô mà hiếm thấy đô thị nào trên thế giới có được. Nơi đây có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình di tích lịch sử- văn hóa- kiến trúc và làng nghề truyền thống. Khu vực này còn có các giá trị khoa học về địa chất, thủy văn, điều kiện khí hậu cùng với hệ thống sinh vật đa dạng, hệ sinh thái đặc thù.
Lịch sử phát triển Thăng Long-Hà Nội dù ở thời kỳ nào cũng luôn lấy Hồ Tây để khai thác lợi thế, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu vực Hồ Tây thời gian qua vẫn còn những tồn tại cần được xem xét để khu vực này xứng tầm với giá trị vốn có của nó.
Giáo sư, tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, với tình yêu và sự tâm huyết với Hà Nội, đặc biệt với Hồ Tây, hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đa ngành, các nhà quản lý của Trung ương và thành phố.
Các bài tham luận đã nêu được những nhận xét tổng quan về giá trị khu vực Hồ Tây qua việc tích hợp các kết quả đã nghiên cứu, đã công bố và mới phát hiện cũng như đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết tồn tại và xác định rõ hơn các định hướng được thể chế hóa về vai trò, vị trí của khu vực Hồ Tây.
Các ý kiến đều mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Tây để có vị trí xứng đáng trong xây dựng Thủ đô với mục tiêu "Xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại và bền vững".
Một số nhà khoa học cũng đã phân tích rất kỹ về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hệ sinh thái, nhận diện giá trị đặc thù về cảnh quan thiên nhiên; đánh giá đúng thực trạng hạ tầng kỹ thuật, định hướng phát triển cũng như việc tổ chức không gian, kiến trúc, làng nghề, hình thái xã hội trong quá trình biến đổi lịch sử và xu thế văn hóa, truyền thuyết, lễ hội, văn hóa tâm linh, phong thủy của khu vực Hồ Tây; về vai trò cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây…
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hoan, các ý kiến tại hội thảo đã góp phần làm rõ thêm luận cứ khoa học phục vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của quận Tây Hồ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung; đồng thời để hoàn thiện đồng bộ các cơ sở pháp lý, hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách trong quản lý và khai thác sử dụng khu vực Hồ Tây.
Qua hội thảo, các nhà khoa học kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét lập hồ sơ trình lên các cấp để khu vực Hồ Tây được công nhận là “Danh thắng quốc gia”./.
(TTXVN)
- UN-Habitat ra mắt ấn phẩm "Hồ sơ các thành phố Việt Nam"
- Đại hội Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 2014-2019)
- Hội thảo quốc tế ISCP (Vietnam 2014): "Triển vọng quy hoạch vùng đô thị lớn"
- FuturArc Prize 2015 - Những cảnh quan đô thị Tái thiết Cuộc sống
- Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc - văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm: Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội"
- Hội thảo Sáng tạo và phát triển đô thị
- Công trình Xanh: Triển lãm nghệ thuật và các phương tiện nghe nhìn
- Ashui.com + Hanoi Lovers nhận giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" với dự án Hanoi Fly
- Toạ đàm về Quy hoạch và quản lý đô thị Sa Pa
- Triển lãm “Di sản thế giới tại Nhật Bản” ở Hà Nội