Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”

Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”

Viết email In

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, ngày 8/11, đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.


Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Công tác quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong sáu nhóm giải pháp quan trọng, có tính đột phá được xác định trong Nghị quyết này là nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, “Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch tổng thể được thực hiện và làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có một đô thị trật tự và phát triển”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng cho biết: Hiện nay các địa phương đang quyết liệt hành động để tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Tham gia quá trình này, lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị có những đóng góp quan trọng, đồng thời cũng có thách thức rất lớn trong việc thúc đẩy, thực hiện và đạt được mục tiêu phát triển hệ thống đô thị Việt Nam toàn diện, bền vững.

Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt khoảng 42% với mức tăng trưởng dân số đô thị trung bình khoảng 1 triệu người/một năm, tương đương với dân số của một tỉnh. Cả nước có 902 đô thị, phân bố tương đối đồng đều trên toàn quốc.

Trên cơ sở công tác quy hoạch và quản lý thực thi quy hoạch, số lượng đô thị và không gian đô thị tại Việt Nam ngày càng được mở rộng. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiệu quả. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Hệ thống đô thị ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng góp trên 70% GDP cả nước.


Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả trong ngành quy hoạch xây dựng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quy hoạch cũng còn nhiều bất cập như chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị hiện nay, chưa phát huy tốt vai trò định hướng phát triển không gian đô thị.

Cụ thể, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới quy hoạch chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu và mô hình phát triển mới. Việc quy hoạch hiện chưa có liên kết chặt chẽ tới quản lý phát triển đô thị. Các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở cho người thu nhập thấp... chưa được tích hợp đúng mức trong công tác quy hoạch quy hoạch và quản lý đô thị.

“Những tồn tại, hạn chế này đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục chung tay, tập trung nhận diện vấn đề và giải quyết để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước”, Vụ trưởng Trần Thu Hằng nhận định.

Cũng đề cập đến các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch tại Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Quy hoạch tổng thể phải điều chỉnh thường xuyên. Dự báo phát triển đô thị thường không chính xác. Dân số đô thị thường vượt xa dân số dự báo, dẫn đến khó khăn về nhà ở và dịch vụ xã hội. Sự mở rộng các khu vực kinh tế làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống giao thông, cấp nước, cấp điện...

Với nhận định “các hạn chế về quy hoạch đô thị có thể thấy rõ trong nhiều khía cạnh, từ phương pháp, quy trình đến nội dung quy hoạch, kể cả công tác đánh giá hiện trạng, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và dự báo phát triển”, ông Đỗ Hậu đề nghị: Cần phải đi sâu phân tích, đánh giá và tìm ra những giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Làm rõ sự phân cấp, phân quyền trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tại các địa phương; Nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển đô thị trên nền tảng công nghệ số và chuyển đổi số…

Cần thiết xây dựng bộ công cụ hỗ trợ lập quy hoạch

Chia sẻ về phương pháp tiếp cận quy hoạch tích hợp, có sự tham gia hướng tới phát triển đô thị bền vững, bà Naomi Hoogervorst - chuyên gia quy hoạch cao cấp của Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc xây dựng bộ công cụ hỗ trợ quy hoạch để giúp công tác quy hoạch linh hoạt, bao trùm và thích nghi với các bối cảnh cụ thể.

Bộ công cụ sẽ hướng dẫn từng bước nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương và các bên liên quan hiểu rõ, xây dựng quy trình quy hoạch có sự tham gia của người dân và các cấp.


Bà Naomi Hoogervorst - chuyên gia quy hoạch cao cấp của UN-Habitat nhấn mạnh sự quan trọng của việc xây dựng bộ công cụ hỗ trợ quy hoạch đô thị.

Nhân dịp này, bà Naomi Hoogervorst đã giới thiệu 1 bộ công cụ có nhiều nhóm khác nhau như đánh giá, lên kế hoạch, vận hành… Mỗi nhóm lại có một bộ công cụ nhỏ hơn với tổng cộng 54 hoạt động cụ thể với các biểu mẫu hướng dẫn rất chi tiết.

Ngoài ra, bộ công cụ này còn cung cấp một nền tảng cho các nhà hoạch địch chính sách, các đơn vị thực hiện quy hoạch và các bên liên quan tương tác, chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch phát triển đô thị.

Trong khi đó, ông Alexander Nash - chuyên gia phát triển đô thị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chia sẻ về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam trên quan điểm tiếp cận của ADB. Hiện nay, ADB đang hỗ trợ nhiều thành phố ở Việt Nam xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh nguy cơ lũ lụt, trong đó có những quy hoạch về nước.

Ngoài ra, ông Alexander Nash cũng chia sẻ kinh nghiệm để hạn chế phát thải carbon thông qua các quy hoạch giao thông, giảm sử dụng phương tiện cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà…

Trình bày về phương pháp quy hoạch tích hợp nhằm gia tăng hiệu quả công tác quy hoạch đô thị vùng và đô thị, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng giám đốc công ty enCity đã khẳng định bản chất của quy hoạch xây dựng là quy hoạch tích hợp. Mỗi công trình luôn có nhiều chức năng, thiên nhiên và con người không có ranh giới, còn đất đai và nguồn lực hạn chế.

Để làm quy hoạch có 3 bước, trước hết là quy trình ra quyết định và xác định mục tiêu ưu tiên, tiếp theo là thống nhất khung phân tích để tạo cơ sở tích hợp đa ngành và cuối cùng là ứng dụng công nghệ để tạo kết quả khách quan.

Nói về giải pháp tích hợp trong quy hoạch đô thị và nông thôn, ông Cao Sĩ Niêm đến từ Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết: Quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới sẽ lồng ghép 4 quy hoạch lớn, bao gồm quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ruộng đất và tài nguyên, quy hoạch hạ tầng xã hội và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường.

Về quy trình, quy hoạch tích hợp sẽ có sự tham gia của các bên liên quan, các ngành và tổ chức xã hội chứ không chỉ có riêng ngành quy hoạch xây dựng. Việc tích hợp cũng sẽ được thực hiện ngay từ khâu lập nhiệm vụ quy hoạch với yếu tố kinh tế xã hội và các ngành khác.


Ông Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng cần đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị ở nước ta, ông Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Cần đổi mới phương pháp lập quy hoạch phù hợp với từng loại đô thị, đổi mới quy trình lập quy hoạch, đổi mới nội dung quy hoạch, nâng cao tính pháp lý, chất lượng quản lý và đội ngũ tư vấn.

Trong phần Tọa đàm, các chuyên gia và diễn giả đã thảo luận về các nội dung quy hoạch tích hợp; quản lý thực thi quy hoạch; chuyển đổi số trong công tác chuẩn bị và thực thi quy hoạch; phân cấp, phân quyền trong lập và phê duyệt quy hoạch; quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị - nông thôn…

Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng khẳng định việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị rất quan trọng, cần lắng nghe tiếng nói của các bên liên quan.

Quy hoạch đô thị cần có được thống nhất giữa các cấp độ, đổi mới để đơn giản hóa thủ tục, tiếp cận đa ngành và có sự tham gia của các bên trong việc nhận diện, giải quyết các vấn đề nổi cộm của từng đô thị, từng khu vực.

Việc xây dựng khung chính sách về quy hoạch đô thị cần được chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng có khuyến khích xây dựng bộ công cụ để việc lập quy hoạch có sự tham gia xuyên suốt, thực chất và hiệu quả của các bên có liên quan. Ngay trong quá trình lập quy hoạch cần tính đến các giải pháp, công cụ phù hợp và khung giám sát, đánh giá cần thiết cho quá trình triển khai quy hoạch để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.


Các chuyên gia, diễn giả đều cho rằng cần tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng quy hoạch đô thị.

Các bộ tiêu chí mới liên quan đến các mô hình phát triển mới như đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu… cần được khuyến khích thử nghiệm, sau đó thể chế hóa để có thể triển khai, nhân rộng. Việc bổ sung, hoàn thiện một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức phù hợp để ứng dụng những công nghệ mới như GIS… cũng rất cần thiết.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng được cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật hướng tới mức độ phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong lập và phê duyệt quy hoạch để chủ động giải quyết các nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng cũng lưu ý việc xây dựng các chính sách khuyến khích hoặc ràng buộc để ứng dụng GIS trong việc lập và quản lý quy hoạch; Quy hoạch gắn với tính khả thi trong cải tạo, chỉnh tráng và tái phát triển đô thị. Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả cũng cần được tích hợp và lồng ghép khi lập quy hoạch cũng như triển khai các hoạt động phát triển đô thị.

“Với tinh thần cởi mở, cầu thị, Vụ Quy hoạch Kiến trúc sẽ ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp để tháo gỡ các bất cập, hoàn thiện các chính sách hướng tới quy hoạch đô thị bền vững”, Vụ trưởng Trần Thu Hằng cho biết.

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...