Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Sự kiện Thất vọng với thỏa thuận Copenhagen

Thất vọng với thỏa thuận Copenhagen

Viết email In

Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) đã đạt tới một thỏa thuận toàn cầu yếu ớt, thiếu hẳn những cam kết mà các nước đang phát triển kỳ vọng, đồng thời cho thấy nhiều tháng thương thảo căng thẳng đang chờ ở phía trước.

Sau 8 bản dự thảo và một phiên thảo luận trọn ngày giữa 115 nguyên thủ quốc gia, thỏa thuận Copenhagen ra đời, “công nhận” căn cứ khoa học của việc giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C trong thế kỷ này nhưng không đưa ra được các cam kết cụ thể về cắt giảm khí thải để đạt tới mục tiêu đó.

Thỏa thuận được thu xếp giữa Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và Mỹ nhưng chưa rõ có được sự phê chuẩn của 192 quốc gia trên toàn cầu hay không. Thỏa thuận còn nhắm tới việc cung cấp 30 tỉ đô la Mỹ từ nay đến năm 2012 và 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm sau năm 2020 để tài trợ các nước nghèo thích nghi với sự biến đổi khí hậu. 

Các nước châu Phi và các nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu tỏ ý thất vọng vì hội nghị đã không đồng thuận được các mức cắt giảm khí thải nhiều hơn, các yêu cầu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C trong thế kỷ này, được đề cập nhiều lần trong các bản dự thảo thỏa thuận, đều bị đưa ra khỏi văn bản cuối cùng; các mục tiêu giảm mức khí thải toàn cầu 80% vào năm 2050 cũng bị loại bỏ.

Tuy thỏa thuận đã có một hiệp định ràng buộc về bảo vệ rừng theo đó, người trồng rừng có thể được trả tiền để giữ rừng thay vì đốn rừng lấy gỗ để bán, nhưng thỏa thuận lại thiếu cơ chế đánh giá độc lập – do Mỹ và các nước phát triển đề xuất - về mức giảm khí thải mà các nước đang phát triển thực hiện được thông qua việc trồng rừng và các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác. Văn bản cuối cùng của thỏa thuận cũng không đưa ra nghĩa vụ cắt giảm khí thải mà các nước đang phát triển phải tuân thủ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ám chỉ Trung Quốc gây cản trở việc đi tới một thỏa thuận căn bản hơn. Tại cuộc họp báo bên cạnh hội nghị, ông Obama phê phán sự cố chấp của một số quốc gia đang phát triển muốn nhìn lui lại những hiệp định môi trường trước kia. Ông Obama nói các nước đang phát triển nên “từ bỏ não trạng ấy và tiến tới một lập trường, theo đó mọi người đều thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều phải tiến lên cùng nhau”. “Chúng ta đã đi được một quãng đường dài, nhưng còn phải đi xa hơn nữa”, ông Obama nói.

Tuy vậy nhiều quan sát viên phê phán việc Mỹ đem đến hội nghị một cam kết chỉ cắt giảm 4% mức khí thải so với mức năm 1990, quá thấp so với kỳ vọng và so với cam kết của các quốc gia phát triển khác.

Giờ đây, hội nghị COP15 đã kết thúc, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục làm việc để cho ra những thỏa thuận cụ thể về phát triển rừng, công nghệ và tài chính, nhưng thiếu một sự lãnh đạo mạnh mẽ, công việc này có thể phải mất nhiều năm mới hoàn thành.

Trong khi đó, lãnh đạo các nước nghèo và các tổ chức phi chính phủ liên tiếp đưa ra lời phê phán gay gắt đối với kết quả hội nghị. Tại phiên họp cuối cùng, đại diện Venezuela, bà Claudia Salerno Caldera giơ bàn tay đầy máu lên phản đối; bà đã tự cắt bàn tay để thu hút sự chú ý. Nhà thương thuyết Ian Fry của đảo quốc Tuvalu – phía nam Thái Bình Dương có nguy cơ bị xóa sổ do nước biển dâng cao -  gọi thỏa thuận này là sự phản bội và đe dọa sẽ phản đối tới cùng.

Lumumba Di-Aping, nhà thương thuyết chính của nhóm G77 quy tụ 130 quốc gia đang phát triển, cay cú: “Thỏa thuận này chắc chắn sẽ dẫn tới sự tàn phá khủng khiếp đối với châu Phi và các đảo quốc nhỏ. Nó chỉ đưa ra mức tham vọng thấp nhất mà chúng ta có thể hình dung. Nó khóa chặt các quốc gia trong vòng đói nghèo vĩnh viễn. Obama đã xóa sạch những khác biệt giữa ông ta và ông Bush trước đây”. Theo ông Lumumba, đây là thỏa thuận “tệ hại nhất” trong lịch sử.

  • Ảnh bên : Biểu tình phản đối thỏa thuận Copenhagen ngay sau khi hội nghị COP15 kết thúc sáng sớm hôm nay (Ảnh AFP)

John Sauven, giám đốc điều hành tổ chức Hòa bình Xanh UK, nói: “Giờ đây rõ ràng là để chống lại tình trạng ấm nóng toàn cầu chúng ta cần một mô hình chính trị khác về căn bản với mô hình vừa được thể hiện ở Copenhagen”.

Lydia Baker, cố vấn chính trị của tổ chức Cứu trợ trẻ em” (Save the Children) tố cáo: “Bằng việc thông qua một thỏa thuận dưới tiêu chuẩn như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị thực tế đã tuyên án tử hình đối với rất nhiều trẻ em các nước nghèo nhất. Trước khi hội nghị kế tiếp khai mạc ở Mexico vào cuối năm tới, sẽ có thêm 250.000 trẻ em các nước nghèo bị tước mất sinh mạng”.

Cam kết hỗ trợ tài chính

Liên minh châu Âu (EU): Cam kết hỗ trợ 10 tỉ đô la Mỹ cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhật Bản: Cam kết quỹ biến đổi khí hậu trị giá 10 tỉ đô la Mỹ.

Mỹ: Ủng hộ quỹ biến đổi khí hậu 100 tỉ đô la Mỹ/năm đến năm 2020. 

Thái Bình (TBKTSG / tổng hợp) 

>> COP15: Cần 400 tỷ USD cho Quỹ chống biến đổi khí hậu 

>> Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen: Hy vọng và chờ đợi 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo