Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tin tức Sự kiện Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành Xây dựng

Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành Xây dựng

Viết email In

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành Xây dựng, tổ chức ngày 06/01 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của ngành Xây dựng trên phương diện một ngành có đóng góp cao về kinh tế kỹ thuật đối với sự phát triển của đất nước, đó là: Ngành Xây dựng đã rất chú trọng hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó đã chú trọng phát triển quy hoạch và đô thị. Điểm sáng được Chính phủ và nhân dân đánh giá cao là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở theo chương trình 167 cho dân nghèo, chương trình nhà ở cho cụm tuyến dân cư vùng vượt lũ... Vượt lên mọi hoài nghi, ngành Xây dựng đã có những đóng góp thực sự quý giá cho xã hội, nhiều mô hình tốt về nhà ở đã được hình thành thông qua quá trình nỗ lực phấn đấu của toàn Ngành.

Thủ tướng cũng cho rằng năm 2011 là một năm quá khó khăn nhưng ngành Xây dựng vẫn tạo được nhiều dấu ấn đẹp thông qua một loạt các chương trình được quan tâm đẩy mạnh triển khai trên toàn quốc, đó là những cố gắng về đẩy mạnh lập quy hoạch đô thị nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tích cực xúc tiến quản lý thị trường BĐS, tích cực tạo lập nhà ở xã hội v.v..

Đúng như đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, ngay từ phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, những thành tựu công tác Ngành năm 2011 đạt được là nhờ nghiêm túc triển khai những chương trình hành động cụ thể với các nhóm giải pháp phù hợp với thực trạng khó khăn bủa vây trên nhiều góc độ.

Bốn nhóm giải pháp là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo hướng đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, về đầu tư xây dựng; tăng cường công tác quản lý đô thị; đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; theo dõi và kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS; thực hiện bình ổn thị trường đối với mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép xây dựng... tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi phí tối đa để góp phần giảm bội chi cho ngân sách Nhà nước; tổ chức rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của các đơn vị thuộc Bộ, thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Bộ trưởng gửi tới toàn thể ngành Xây dựng cả nước những thông điệp quan trọng về công tác quản lý Nhà nước sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, đó là: Kiên quyết đẩy mạnh chất lượng, hiệu quả công tác thiết kế đô thị để kiến tạo những đô thị đẹp, có giá trị bền vững với thời gian, và điều này được xác định là trách nhiệm mà những người làm công tác thiết kế quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị phải gánh vác; Tăng cường kiểm soát chất lượng công trình, chất lượng thiết kế dự án...; đồng thời tìm các giải pháp “sâu rễ bền gốc” để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN, qua đó giúp các DN đảm nhiệm những công trình làm đẹp làm giàu đất nước; Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng phải được tiếp tục chú trọng. Bộ trưởng cũng tổng kết và chỉ rõ những tồn tại yếu kém đang tồn tại trên tất cả các lĩnh vực công tác, đồng thời chỉ rõ tới đây tổng đầu tư xã hội sẽ chiếm tỷ trọng không cao, đầu tư từ ngân sách cũng sẽ giảm sút do đó toàn Ngành phải chủ động ứng phó trước mọi tình huống khó khăn.

Vấn đề thực quy hoạch và tạo nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đô thị một lần nữa cho thấy lại là "điểm nhấn"cần được tiếp tục tạo lập dấu ấn sâu sắc trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng từ trung ương tới các địa phương. Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay: Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trên tất cả các lĩnh vực như, tổ chức triển khai các đề án quy hoạch, hoàn chỉnh các quy chế quản lý triển khai thực hiện quy hoạch, đồng thời hợp tác sâu sắc trong điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô. Hà Nội cũng đang nghiên cứu đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị để đáp ứng yêu cầu của một địa bàn có tốc độ phát triển năng động nhất cả nước.

Điều này một lần nữa được bà Đặng Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đồng tình: Cần Thơ tập trung rà soát lại các đồ án quy hoạch, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài đến để hỗ trợ công tác nghiên cứu trước khi gửi đi tham khảo ý kiến của các Bộ, Ngành. Bà Ánh cũng cho biết, Cần Thơ đang rất khó khăn trong việc tạo lập quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp.

Công tác xây dựng nông thôn mới - một điểm nhấn của ngành Xây dựng trong thời gian qua cũng được đại diện Sở Xây dựng Thái Bình báo cáo tại Hội nghị: “Mặc dù có nhiều thành tựu về xây dựng nông thôn mới nhưng khó khăn do tác động chủ quan vẫn không ít: ngân sách xã rất mỏng, chính sách giá đất thay đổi liên tục và năm sau tăng cao so với năm trước.., dẫn tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới chưa đạt kết quả như mong muốn”.

Cũng xoay quanh vấn đề nóng là phát triển quỹ đất phục vụ các dự án đầu tư phát triển đô thị mới, ông Lê Hồng Long (Sở Xây dựng Đà Nẵng) - đại diện cho một địa phương có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này cho hay, nếu phát huy tốt vai trò tạo lập quỹ đất, các địa phương sẽ có điều kiện thu về nhiều thành tựu to lớn cho phát triển kinh tế và phát triển đô thị một cách lâu dài. Cụ thể: Trong bối cảnh quy mô ngân sách còn hạn chế, Đà Nẵng coi việc tạo vốn từ quỹ đất là đòn bẩy để kiến tạo các dòng tài chính phục vụ nhu cầu phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật các dự án xây dựng mới. Các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân đều khéo léo được động viên, nhập cuộc. Nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân mà mọi chủ trương đều nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bài học mà Đà Nẵng rút ra trong công tác này là cần phải có nhiều hình thức huy động vốn linh hoạt.

Ngay như một địa phương có tốc độ phát triển năng động như TP.HCM cũng cho rằng, rất khó có thể tạo được bệ phóng nếu thiếu những cơ chế quản lý thị trường BĐS mang tính đồng bộ, những định chế tài chính mạnh mẽ hỗ trợ việc kiến tạo dòng tiền đầu tư xây dựng đô thị gắn liền với hạ tầng đô thị. Do đó, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Xây dựng tích cực đẩy nhanh tiến trình "chứng khoán hoá" BĐS cũng như tạo cơ chế thuận lợi để các quỹ tín thác đầu tư BĐS có thể nhập cuộc sâu hơn với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Tại diễn đàn Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cũng thẳng thắn báo cáo với Thủ tướng hiện còn một số tồn tại gây cản trở quá trình phát triển đô thị Việt Nam hiện nay, đó là: Phát triển quy hoạch nhưng lại lấy quy mô diện tích làm trọng, lấy xu hướng nâng cấp làm chính mà không quan tâm đến chất lượng đô thị, tình trạng "quên" quỹ đất cho các công trình quốc kế dân sinh quan trọng như trường đại học, bệnh viện cũng là vấn nạn đáng báo động. Rồi xu hướng xây rất nhiều đô thị mới nhưng công nghệ XD không có đột phá... Ông Vạn cho rằng đây là sự lạc hậu về môi trường xây dựng và công nghệ xây dựng đáng phải lưu tâm. Như vậy, nếu cộng tất cả các yếu tố như chậm áp dụng công nghệ mới và VLXD thân thiện với môi trường, quá đề cao kiến trúc cao tầng mà coi nhẹ kiến trúc truyền thống thì rõ ràng các đô thị đang đối mặt với nhiều nguy cơ cản trở sự phát triển bền vững, ổn định trong tương lai.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 của Ngành Xây dựng - lần đầu tiên cũng trở thành một diễn đàn để qua đó các DN thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có điều kiện để báo cáo trực tiếp những vấn đề nóng và có ý nghĩa lâu dài với sự phát triển môi trường xây dựng tại Việt Nam tới Thủ tướng Chính phủ, với lãnh đạo ngành Xây dựng như: Các DN xây dựng cần được tin tưởng để giao phó trọng trách "nhà thầu chính" trên các công trình tại chính đất nước mình, không để DN nước ngoài lấn sân; bản thân các nhà thầu cũng cần vươn lên để tới đây sẽ tiến ra các thị trường xây dựng quốc tế vô cùng rộng lớn; vấn đề ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại cần được áp dụng sâu rộng hơn; mô hình TCty cổ phần với những ưu nhược điểm cần được xem xét đánh giá kịp thời; tình trạng phát triển "nóng" nhưng thiếu bền vững một lần nữa được cảnh báo, định hướng chiến lược dài hạn cũng như đảm bảo các nguồn vốn phục vụ hoạt động đầu tư phát triển của DN cần được quan tâm chỉ đạo sát sao hơn; việc chậm thanh toán cho các nhà thầu, việc thực hiện cơ chế EPC cũng có những vướng mắc mà đơn độc một phía DN sẽ không thể giải quyết được tận gốc các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện....

Lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh bên) bày tỏ thái độ đồng tình sâu sắc, ông cho rằng tới đây ngành Xây dựng phải rất cố gắng để hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các hoạt động xây dựng và đầu tư phát triển.

Về công tác quản lý quy hoạch và triển khai xây dựng theo quy hoạch, Thủ tướng bày tỏ sự đồng cảm với những khó khăn của Ngành, coi những khó khăn đó cũng là thách thức cơ bản cần vượt qua trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng còn tồn tại những vấn đề mà ngành Xây dựng còn phải phấn đấu khắc phục như: Giá thành công trình xây dựng còn cao, còn tồn tại tình trạng buông lỏng quản lý cũng như tình trạng thiếu nghiêm túc trong thực hiện các quy chế về trật tự xây dựng đô thị, quản lý chất lượng công trình... Thủ tướng đặt tới toàn thể Hội nghị nhiều câu hỏi mang tính thời sự như: Ngành Xây dựng có được bao nhiêu DN mạnh, chú trọng ứng dụng công nghệ mới? Tại sao sau nhiều năm lao động cật lực nhưng hiện mới chỉ có 28% địa phương thực hiện tốt quy hoạch xây dựng nông thôn mới? Nhà ở sinh viên và nhà ở cho công nhân các KCN, cho CBCNVC và các lực lượng vũ trang sao vẫn chưa giải quyết thấu đáo?...

Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm 2012 của Bộ Xây dựng là phải tập trung vào công tác rà soát lại thể chế luật pháp về quy hoạch, các địa phương có thể đẩy mạnh thuê tư vấn cùng tham gia xây dựng quy hoạch để đáp ứng mục tiêu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá. Như vậy vấn đề quy chuẩn hoá công tác quy hoạch được Thủ tướng đặc biệt quan tâm bởi để có hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế luôn bắt đầu từ nền móng của công tác xây dựng và lập quy hoạch. Chất lượng và sự an toàn công trình xây dựng, thể chế quản lý thị trường BĐS, nguồn lực để kiến tạo nhà ở xã hội... tất cả những vấn đề nóng bỏng ấy, theo Thủ tướng, đều cần phải được sự can thiệp quản lý sâu hơn, hữu hiệu hơn từ bàn tay quản lý Nhà nước, trong đó khẳng định vai trò “đầu tầu” trách nhiệm của Bộ Xây dựng.


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng và toàn thể Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã trân trọng bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới người đứng đầu Chính phủ. Bộ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ mà toàn Ngành sẽ tập trung khắc phục theo chỉ đạo của Thủ tướng, đó là: Xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý nhà ở, thị trường BĐS; quản lý đầu tư xây dựng; rà soát các thể chế liên quan đến công tác lập quy hoạch, quản lý đô thị theo quy hoạch; tập trung đầu tư công tác chất lượng công trình; tập trung xây dựng nhà ở xã hội phục vụ 8 nhóm đối tượng theo quy định; nhân rộng những mô hình nhà ở hữu hiệu, nhân văn phục vụ dân nghèo trên khắp các vùng miền tổ quốc. Bộ trưởng cũng ghi nhận ý kiến chỉ đạo xác đáng của Thủ tướng về nhiệm vụ hoàn thiện kiến tạo một thị trường BĐS cần được minh bạch hơn, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn...

Nhận trách nhiệm Thủ tướng giao phó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng đòi hỏi một sự nỗ lực to lớn của toàn Ngành trước thềm năm mới 2012.



Bộ Xây dựng: 34 tập thể nhận Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ

Chiều 06/01, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành Xây dựng, Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã tổng kết phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất của các DN ngành Xây dựng và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2012. Với những thành tích đã đạt được của ngành Xây dưng trong năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định trao Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2011 cho 34 tập thể của Bộ Xây dựng như Tập đoàn HUD, TCty CP Vinaconex, TCty Viglacera, Cty CP Viglecera Hạ Long, TCty Xây dựng Hà Nội, TCty Viwaseen, TCty Bạch Đằng, Cty CP Vinaconex 9, Cty CP Vicostone, Viện KHCNXD, Bệnh viện Xây dựng… Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho 38 sở và đơn vị địa phương, 65 đơn vị sự nghiệp và DN…

(Báo Xây dựng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo