Hội thảo do Bộ Xây dựng và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp tổ chức vào sáng 12/3, tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã khẳng định, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế xã hội đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp hiện là 11,28 triệu m2, tương đương 282 nghìn căn. Trong giai đoạn 2013-2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m2, tương đương 66 nghìn căn. Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu tăng thêm 3,36 triệu m2, tương đương 84 nghìn căn. Như vậy, tổng nhu cầu từ nay đến năm 2020 là khoảng 432 nghìn căn tương đương khoảng 17,28 triệu m2. Hiện tại tổng quỹ nhà ở trên toàn quốc vào khoảng 1.790 triệu m2. Nếu tính theo khu vực thì con số này tại các khu vực đô thị là gần 690 triệu m2 trong khi đó khu vực nông thôn là gần 1.100 triệu m2.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đã cùng với các Bộ ngành địa phương ban hành nhiều chính sách cụ thể và thiết thực nhằm giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp và người nghèo tại đô thị Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ đã trình với Quốc hội về dự án Luật nhà ở, trong đó có riêng một chương về nhà ở xã hội. Về lĩnh vực tài chính nhà ở, Chính phủ đã ban hành gói tín dụng hỗ trợ lãi suất ưu đãi để cho vay với hộ gia đình, cá nhân thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, và nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Sameh Naguib Wahba - Giám đốc Ban Phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới đã dẫn chứng những bài học thành công cũng như thất bại tại nhiều quốc gia trong việc phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Sameh, nhà ở xã hội được cấu thành bởi những yếu tố gồm: quy định phát triển, đất đai, tài chính phát triển, dịch vụ hạ tầng, công nghiệp xây dựng, tài chính cho người sử dụng cuối cùng. Bất kỳ mắt xích trong chuỗi yếu tố này yếu kém đều dẫn đến yếu kém trong việc phát triển nhà ở.
Ông Sameh nhấn mạnh, kinh nghiệm ở các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội là Nhà nước đưa ra được các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng; cung cấp được khoảng 50% cho những người có thu nhập thấp nhất các khoản tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở và quan trọng nhất là tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Ví dụ tại Brazil với số dân 191 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa cao đã dấn đến việc thiếu hụt khoảng 7 triệu căn nhà, tương đương 15-20% tổng số lượng nhà ở tại nước này. Ngoài ra, Brazil còn có một lượng lớn nhà ở xuống cấp. Để giải quyết vấn đề này, Brazil đã đưa vào chương trình phát triển nhà ở xã hội các tập hợp các chính sách giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và giải quyết thiếu hụt nhà ở. Brazil hỗ trợ nhà ở cho người nghèo khi đồng thời khuyến khích họ đưa con đến trường, dạy nghề và tạo chỗ làm cho người dân. Một khi có việc làm và thu nhập ổn định, Nhà nước sẽ hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đến 90% giá trị căn nhà. Ở Brazil, việc cấp phép xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 15 ngày.
Hay như tại Ai Cập, Ma-Rốc, các công ty xây dựng nhà ở xã hội hầu như không phải chịu rủi ro chính sách mà chỉ phải tính toán việc xây dựng các căn nhà phù hợp với điều kiện sống và thu nhập của người có thu nhập thấp. Chính phủ các nước này cũng kết hợp chương trình phát triển nhà ở xã hội với các chương trình cải tạo đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nhà ở cho người dân ở những vùng đất dốc.
Kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự giúp đỡ của WB về việc trao đổi kinh nghiệm phát triển nhà ở giá rẻ và tư vấn về cơ chế, chính sách trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở.
Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát những thủ tục không cần thiết làm cản trở, hạn chế tiếp cận của người dân với gói tín dụng cho người thu nhập thấp. Đặc biệt, Bộ đã cùng Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước ký một Thông tư liên tịch là thế chấp nhà ở - tài sản người dân mua để được vay gói tín dụng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát và làm hết sức mình để gói tín dụng đến đúng đối tượng./.
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Hội nghị cấp cao sông Mekong lần 2 tại TP.HCM
- E4G AWARD: Thiết kế "Mầm non Xanh"
- Hội thảo "Kinh nghiệm trong Quy hoạch phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh và TP Seoul"
- Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2014 lần 1
- Triển lãm “Dạo quanh thành phố” tại TPHCM
- Triển lãm "Chuyện của Chợ"
- Triển lãm kết quả nghiên cứu về nhà nổi Việt Nam của KTS Hans Peter Hagens (từ Đan Mạch)
- Hội nghị thông qua dự thảo Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM
- Họp mặt đầu xuân, tham quan hiện trạng Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu
- Đường hoa Nguyễn Huệ - Xuân Giáp Ngọ 2014