Ngày 12/9, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch giảm mức độ ô nhiễm không khí của nước này với nhiều biện pháp đa dạng. Đây được coi là một phần trong nỗ lực điều chỉnh cơ cấu sử dụng năng lượng và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch của nước này.
Theo kế hoạch, Trung Quốc dự định sẽ cắt giảm mức độ tiêu thụ than đá xuống dưới 65% trong tổng mức sử dụng năng lượng cơ bản vào năm 2017. Nước này cũng sẽ cắt giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng tính trên giá trị một sản phẩm công nghiệp vào năm 2017 so với năm 2012.
Các biện pháp cụ thể mà Trung Quốc sẽ áp dụng bao gồm việc thay thế dần dần các nhà máy điện sử dụng than đá bằng các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời nhanh chóng cơ cấu lại các nhà máy luyện thép và ximăng có thải khí lưu huỳnh, nitơ và khói bụi ra môi trường. Bắc Kinh cũng kêu gọi các cơ sở lọc dầu cải tiến công nghệ nhằm cung cấp các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Chủ trương của Trung Quốc là phát triển một nền công nghiệp sạch nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường, vốn đang trở thành thách thức lớn của quốc gia này trong những năm gần đây.
Trước mắt, chính quyền Trung Quốc sẽ tập trung vào việc loại bỏ các nhà máy luyện thép, ximăng, nhôm và thủy tinh đã lỗi thời, đồng thời tăng mức xử phạt đối với các hành vi gây hại môi trường.
Các biện pháp mới sẽ được áp dụng đầu tiên tại khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc. Ngoài ra, chính phủ cũng cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá tại hai khu vực châu thổ sông Dương Tử và châu thổ Châu Giang./.
(TTXVN)
- Đậm chất Á Đông trong Lễ hội hoa Xuân ở Australia
- Qatar xây dựng mô hình tòa nhà xanh
- Absolute World Towers đoạt giải "Tòa nhà cao tầng của năm 2012"
- Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển du lịch đô thị
- Seoul có nhà chọc trời vô hình đầu tiên trên thế giới
- Atkins thiết kế khách sạn Songjiang ở Thượng Hải
- IMF cảnh báo nguy cơ giá nhà tăng ở khu vực Bắc Âu
- EIU: Melbourne - thành phố sống tốt nhất thế giới năm 2013
- Trung Quốc chi 18 tỷ USD xây trung tâm tài chính ở Bắc Kinh
- ADB cảnh báo "bẫy thu nhập trung bình" ở châu Á