Theo yêu cầu của chính quyền TPHCM, để chuẩn bị mặt bằng xây trung tâm hành chính mới, ngay trong năm 2014 này, các sở, ban ngành nằm trong ô phố giới hạn bởi các trục đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (quận 1) sẽ phải di dời đến cao ốc A 255 Trần Hưng Đạo (quận 1).
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố, đơn vị được chính quyền TPHCM giao làm chủ đầu tư dự án khu trung tâm hành chính mới này, thì đến nay chi phí (tạm tính hơn 40 tỉ đồng) sửa chữa, cải tạo cao ốc A225 Trần Hưng Đạo vẫn chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Chung cư cũ ngay góc đường Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn đã được tháo dỡ. (Ảnh: Quang Chung)
Về cuộc thi thiết kế kiến trúc của khu trung tâm hành chính mới (được chính quyền thành phố triển khai hồi đầu năm 2014), theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch (Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM), đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa phê duyệt đầu bài.
Theo chủ trương của chính quyền TPHCM, trung tâm hành chính mới của TPHCM sẽ được xây dựng tại ô phố rộng 18.000 mét vuông - giới hạn bởi các trục đường Lê Thánh Tôn – Pasteur - Lý Tự Trong - Đồng Khởi (quận 1). Vì vậy, các công trình kiến trúc hiện hữu ở khu vực này sẽ được tháo dỡ - chỉ giữ lại công trình số 86 Lê Thánh Tôn, tức là trụ sở HĐND và UBND TPHCM hiện nay.
Kiến trúc của khu tâm tâm hành chính mới đang được cơ quan chức năng chuẩn bị thi tuyển (quốc tế) nhưng theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, công trình trung tâm hành chính mới của TPHCM sẽ được chia làm hai lớp: (i) công trình trụ sở UBND thành phố hiện hữu sẽ được bảo tồn kiến trúc, mặt tiền được kéo dài đến giáp đường Đồng Khởi; (ii) công trình kiến trúc hiện hữu phía sau trụ sở UBND thành phố được phân thành hai cấp tầng cao khác nhau, cấp có tầng cao nhất là nơi làm việc của các sở - ngành (mặt tiền đường Lý Tự Trọng), cấp có tầng thấp hơn là nơi làm việc của UBND thành phố.
Cũng theo ông Hòa, lãnh đạo thành phố muốn toàn bộ tầng trệt của tòa nhà trụ sở UBND TPHCM hiện nay sẽ được cải tạo lại thành không gian công cộng - mở cửa cho các hoạt động văn hóa cộng đồng; các phòng làm việc của chính quyền thành phố được bố trí ở tầng một và các công trình kế cận…
“Đó là ý tưởng mà lãnh đạo thành phố mong muốn được thể hiện trong đồ án quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế kiến trúc công trình trung tâm hành chính của thành phố,” ông Hòa nói.
Ông Hòa khẳng định, vấn đề bảo tồn sẽ được đặc biệt chú ý trong dự án thiết kế và xây dựng trung tâm hành chính mới của thành phố. “Trung tâm hành chính của thành phố không đặt nặng vấn đề về diện tích sàn mà ưu tiên tối đa cho việc bảo tồn; đồng thời tạo sự tương tác gần gũi giữa người dân với chính quyền thành phố,” ông Hòa nói.
Về chi phí đầu tư cho dự án trung tâm hành chính này, theo một đại diện chủ đầu tư, thì “chưa thể dự toán do chưa có thiết kế nhưng không dưới nghìn tỉ đồng”.
Đá Bàn
- Khởi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
- Hà Nội: Công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch phân khu đô thị S2
- TP.HCM đưa vào sử dụng 11 dự án chống sạt lở bờ sông
- Khởi công cầu đường sắt qua sông Sài Gòn vào tháng 10
- Khu vực hồ Hoàn Kiếm thuộc khu vực cấm quảng cáo ngoài trời
- Thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050
- Bộ Xây dựng: Tăng cường hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đầu tư xây dựng
- Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM
- Công bố Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận
- Lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp tại các địa phương