Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Mở rộng đối tượng người Việt ở nước ngoài được mua nhà

Mở rộng đối tượng người Việt ở nước ngoài được mua nhà

Viết email In
Sáng nay 22.5, Quốc hội (QH) nghe Chính phủ trình bày và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của QH về các dự án, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai.

Điều 126 của Luật Nhà ở (hiện tại) quy định có 5 nhóm đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm (công dân Việt Nam và người gốc Việt) người về đầu tư lâu dài; người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu cần hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam và người được phép cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (ảnh bên) cho rằng, quy định như Điều 126 của Luật Nhà ở (hiện tại) còn hạn chế về đối tượng được mua nhà là chưa rõ ràng. Thực tế có nhiều kiều bào quốc tịch Việt Nam, những chuyên gia có kỹ năng, chuyên môn đặc biệt, những người kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước, nhưng không thuộc 5 nhóm đối tượng trên nên không được sở hữu nhà ở. “Sự hạn chế này đã không khuyến khích các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc” - Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Quân, quy định về điều kiện để được sở hữu nhà ở như hiện nay là chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên các cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn khi xác định thế nào là về đầu tư lâu dài, về hoạt động thường xuyên và có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam.

Khắc phục những bất cập trên, Chính phủ đề nghị sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở hiện hành theo hướng bố cục lại nội dung và mở rộng thêm hai đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể là, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam (vẫn là công dân Việt Nam), nếu được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà để ở tại Việt Nam.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam (theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008), nếu được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên và thuộc các diện: về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học, người có chuyên môn kỹ thuật đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng thì cũng được sở hữu nhà để ở tại Việt Nam.

Đối với người gốc Việt Nam không thuộc đối tượng thứ hai nêu trên, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, như vậy so với luật hiện hành, luật sửa đổi đã tách đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói chung thành hai dạng là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam, nhằm mở rộng đối tượng so với luật hiện hành.

Tuy mở rộng hơn về đối tượng được sở hữu nhà nhưng Bộ trưởng Quân khẳng định: “Mục đích của chính sách này là chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu thực sự về chỗ ở được mua nhà để ở tại Việt Nam, không được mua nhà để kinh doanh. Những trường hợp muốn hoạt động kinh doanh nhà ở phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và phải nộp các khoản thuế cho Nhà nước”.

Về việc sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói: “So với quy định của Điều 121 hiện hành thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có thêm hai quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở (quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không sử dụng nhà ở), nhưng so với công dân Việt Nam ở trong nước thì các đối tượng này bị hạn chế hai quyền, đó là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất".

Báo cáo thẩm tra dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban này đều nhất trí với các nhóm đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của dự luật. Tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng là người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, Ủy ban Kinh tế đề nghị phải bổ sung thêm điều kiện những người này phải về Việt Nam làm việc.

Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cũng cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án luật, có ý kiến đề nghị tất cả nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung tại Việt Nam.

Xuân Toàn

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo