Do năng lực, tổng nguồn lực quốc gia quá hạn hẹp so với dự án, các nhà khoa học kiến nghị nên làm thí điểm, trên cơ sở đó triển khai tiếp, để tránh lãng phí.
Dự kiến năm 2014, tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc- Nam sẽ được khởi công và đưa vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, tại hội thảo về Dự án Đường sắt cao tốc Bắc- Nam do Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cùng Bộ GTVT tại Hà Nội hôm qua (11/5/2010), các nhà khoa học kiến nghị cần cân nhắc chủ trương đầu tư và chỉ nên làm thí điểm để tránh lãng phí.
Mỗi km tốn 35,6 triệu USD
Đại diện chủ đầu tư Công ty Cổ phần Tư vấn, đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) biết, đến năm 2030, tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc- Nam đạt khoảng 138 triệu hành khách một năm.
- Ảnh bên : Để đạt mục tiêu vận tải hành khách Bắc- Nam đạt 138 triệu hành khách mỗi năm, ngoài xây mới đường cao tốc Bắc Nam còn phải nâng cấp tuyến đường sắt cũ (Ảnh: Trung Kiên)
Như vậy, nếu không xây dựng ĐSCT thì nhu cầu vận tải hành khách (HK) trên hành lang Bắc- Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu HK một năm, tương đương 156 nghìn HK mỗi ngày.
Qua phân tích, đại diện chủ đầu tư đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300km một giờ chuyên chở HK. ĐSCT có chiều dài 1.570km, trong đó cầu cạn dài 1.043km, chiếm 66,5%.
Tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt cao tốc này là gần 56 tỷ USD. Giá vé giai đoạn đầu bằng 50% giá vé máy bay, sau khi thông toàn tuyến bằng 100% giá vé máy bay. Đoàn tàu cao tốc có từ 8- 16 toa tuỳ thuộc vào số lượng khách tại từng thời kỳ.
Thời gian khai thác từ 6h đến 24h cho các tàu thương mại. Thời gian còn lại dành cho công việc bảo dưỡng. Thời gian chạy là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh chỉ đỗ các ga: Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang; và 6 giờ 51 phút đối với tàu nhanh đỗ tất cả các ga. Tổng công ty Đường sắt Bắc- Nam cho biết, tuyến ĐSCT sẽ chạy qua 20 tỉnh, thành phố với 27 ga (trong đó 25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối).
Chỉ nên đầu tư thí điểm
Nhìn ở góc độ kinh tế, TS Nguyễn Quang A phân tích, dự án đang vẽ ra viễn cảnh rất đẹp, trong khi năng lực và tổng nguồn lực quốc gia lại quá hạn hẹp. TS Quang A dẫn chứng các dự án giáo dục, xây dựng nhà ở đã triển khai ở Việt Nam: từ dự kiến đến lúc thực hiện ít nhất phải tăng 30% so với con số dự kiến đầu tư ban đầu.
“So với GDP của chúng ta cho đến năm 2035, tổng đầu tư sẽ chiếm khoảng 16 - 18% GDP của thời điểm đó chứ chưa nói ở thời điểm hiện nay (hiện nay mức đầu tư cho dự án bằng gần 100% GDP)”, TS Quang A nói.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho rằng cần phải xem xét lại vì con số đầu tư quá lớn trong tình hình kinh tế hiện nay. Dù nhà đầu tư đề xuất vay vốn ODA nhưng đây cũng là vốn ngân sách.
Vì vậy chỉ nên làm thí điểm một đoạn để đánh giá lượng hành khách sử dụng tàu cao tốc, trên cơ sở số liệu đó mới triển khai tiếp. “Mục tiêu đến năm 2035 sẽ xong toàn bộ hệ thống đường sắt cao tốc là không khả thi vì người Việt Nam không có thói quen ở Vinh sáng chạy tàu ra Hà Nội làm việc rồi tối quay về nhà. Vì vậy khả năng khai thác để hoàn vốn nhanh là không thực tế”, GS Trục nói.
Ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng, đây là một dự án lớn chưa từng triển khai nên mục tiêu trước mắt là trình Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Thông qua kênh của VUSTA, Bộ GTVT mong muốn nhận được ý kiến đóng góp tiếp để nghiên cứu chi tiết, điều chỉnh dự án.
Tổng số nhu cầu sử dụng đất cho tuyến ĐSCT Bắc- Nam là 4.170 ha, trong đó 383,7 ha là đất ở khu dân cư tại vùng đô thị, hơn 813 ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn, trên 1.500 ha là đất nông nghiệp và gần 1.400 ha là đất rừng. Trong quá trình xây dựng sẽ có hơn 16.500 hộ gia đình có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó, 9.480 hộ gia đình mất đất ở và 7.049 hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất. |
Bích Ngọc – Quang Phong
>>
- Hà Nội: Khảo sát việc xây nhà cao tầng và bảo tồn các biệt thự
- Đã có quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất
- Hà Nội ngập nặng sau cơn mưa ngắn
- Thị trường nhà ở của Việt Nam có nhiều tiềm năng
- Phú Quốc - Thành phố biển đảo, trung tâm du lịch - dịch vụ cao cấp
- Hà Nội dừng dự án đường Văn Cao - Hồ Tây
- TP.HCM: Thực hiện xanh hoá vỉa hè
- Thông đường hầm dẫn nước thuỷ điện xuyên núi dài nhất Việt Nam
- Hà Nội: Thống nhất định hướng kiểm soát phát triển không gian khu trung tâm
- Tìm phương án để giãn dân phố cổ Hà Nội