Cơn mưa sáng sớm 15.5 không lớn và chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng (từ 6 giờ đến 7 giờ) nhưng đã khiến hàng loạt tuyến phố của Hà Nội chìm trong nước.
Ngốn hàng trăm triệu USD, ngập vẫn ngập
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại một số điểm ngập nặng, sau khi mưa kết thúc 15 phút nước vẫn dềnh lên, khiến người dân phải dùng gạch, tấm gỗ để ngăn nước chảy vào nhà. Trên các phố Thái Thịnh, Lê Duẩn, Thái Hà, Cao Bá Quát… nước mưa ngập nửa bánh xe gắn máy khiến nhiều phương tiện, kể cả ô tô bị chết máy. Đặc biệt, trên tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh thuộc phường Tương Mai (Q.Hoàng Mai), sau gần hai tiếng đồng hồ mưa tạnh, nước vẫn chưa rút hết. Tuyến đường này dài chưa tới 1 km, nhưng có tới 2 điểm ngập sâu, kéo dài cả trăm mét. Người dân sống hai bên trục đường này cho biết, trời mưa được 20 phút, nước mưa đã tràn vào một số ngôi nhà mặt tiền. Cho tới gần 9 giờ sáng, không ít cửa hàng vẫn phải dùng những tấm ván che chắn, đề phòng nước theo sóng mỗi khi có xe chạy qua dội vào nhà.
- Ảnh bên : Nước ngập sâu trên phố Thái Hà lúc 8h15 sáng 15/5 (Ảnh: Hoàng Hà /VnExpress)
Theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn, lượng mưa đo được trên địa bàn chỉ ở mức 21 - 26 mm. Trong khi đó, mấy năm qua, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho thoát nước (riêng tiền đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án thoát nước đã lên tới 200 triệu USD, và đã hoàn thành). Lý giải việc mới mưa nhỏ đã ngập, ông Nguyễn Lê - Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho biết: "Hiện tại trong nội thành Hà Nội có rất nhiều công trình lớn đang thi công. Trong đó, không ít công trình thi công nhưng không chấp hành các thỏa thuận quy định về dẫn dòng, khiến dòng chảy thoát nước bị co hẹp, thậm chí là bịt lấp dòng chảy, gây ảnh hưởng lớn tới khả năng thoát nước của mương, cống… nên tình trạng ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn càng nghiêm trọng hơn".
Trước mắt, để hạn chế úng ngập trên địa bàn, theo ông Lê, công ty xây dựng phương án thoát nước cho từng địa bàn cụ thể, bố trí lực lượng công nhân ứng trực 100% để sẵn sàng mở các hàm ếch, trang bị máy bơm di động cho từng khu vực. Công ty cũng đang rà soát những điểm lấn chiếm mương, sông làm ảnh hưởng tới việc thoát nước để tổ chức phá dỡ, khơi thông dòng chảy. Trạm bơm Yên Sở cũng đã sẵn sàng tham gia cứu ngập cho thành phố khi có mưa to, mưa rất to. "Các công trình, dự án được phê duyệt thi công trong mùa mưa nhất thiết phải cam kết đảm bảo không được gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của hệ thống", ông Lê nói.
Chờ đến... 2015
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cho biết, sau trận ngập lụt lịch sử tại Hà Nội vào cuối năm 2008, Bộ cùng với UBND TP Hà Nội nghiên cứu xây dựng quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ hướng tới mục tiêu chống ngập, tiêu úng cho khu vực nội thành, các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp trên địa bàn và tiêu nước bảo vệ sản xuất nông nghiệp. "Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch này, hiện UBND TP Hà Nội và các bộ ngành liên quan đang tổ chức triển khai thực hiện", ông Học cho biết.
Theo quy hoạch này, tiêu chuẩn tính toán tiêu nước cho khu vực nội thành Hà Nội với lượng mưa 24 giờ, mưa giờ nào tiêu hết nước trong giờ đấy; khu vực ngoại thành Hà Nội và các khu vực khác tính với lượng mưa 3 ngày, tiêu hết nước trong 5 ngày. Một loạt các công trình sẽ được xây dựng, cải tạo để tiêu nước cho khu vực nội thành, huyện Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức. Cụ thể, sẽ nạo vét sông Nhuệ từ Liên Mạc đến Hà Đông, nâng cấp 2 tuyến đường ven sông Nhuệ, xây dựng mới các trạm bơm Liên Mạc I và Liên Mạc II với công suất 170m3/s, Nam Thăng Long công suất 9m3/s, Yên Sở II công suất 45m3/s, Yên Sở III công suất 55m3/s, Đông Mỹ công suất 35m3/s, Yên Nghĩa công suất 120m3/s, Yên Thái công suất 54 m3/s và Ba Xá công suất 20m3/s. Từ 2010 đến năm 2015, sẽ đầu tư tổng cộng 7.800 tỉ đồng để thực hiện các dự án. Giai đoạn sau năm 2015 sẽ đầu tư tiếp 5.900 tỉ đồng để thực hiện và hoàn thành các hạng mục khác.
Nếu hoàn thành đúng tiến độ theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, Hà Nội mới cơ bản giải quyết được tình trạng ngập úng khi có mưa to, mưa rất to.
Quang Duẩn - Minh Sang
>>
- Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Chọn công nghệ Nga
- Hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị bờ tây sông Sài Gòn
- Tập đoàn bất động sản Singapore vào thị trường VN
- Hà Nội: Khảo sát việc xây nhà cao tầng và bảo tồn các biệt thự
- Đã có quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất
- Thị trường nhà ở của Việt Nam có nhiều tiềm năng
- Phú Quốc - Thành phố biển đảo, trung tâm du lịch - dịch vụ cao cấp
- Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chỉ nên thí điểm
- Hà Nội dừng dự án đường Văn Cao - Hồ Tây
- TP.HCM: Thực hiện xanh hoá vỉa hè