Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1, trong khi đó, nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 đang quá trình xem xét, lựa chọn đối tác.
Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử, cho biết thông tin trên trước thềm triển lãm điện hạt nhân lần thứ 4 của Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội từ 27 đến 29-5.
Theo TS Phan Minh Tuấn - Trưởng ban Đầu tư Dự án ĐHN và Năng lượng Nguyên tử, lý do chọn Nga là nước này sở hữu công nghệ nguồn, công nghệ hạt nhân vì hòa bình và mục đích thương mại với công nghệ lò nước nhẹ vận hành rất an toàn khoảng 1 thế kỷ qua.
- Ảnh bên : Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận (Ảnh: Chinhphu.vn)
Công nghệ hạt nhân của Nga được ghi nhận là an toàn bậc nhất hiện nay. Hiện rất nhiều khách hàng nước ngoài đang đặt mua công nghệ ĐHN của Nga. Chính Nga cũng phát triển mạnh mẽ ĐHN công nghệ lò nước nhẹ ở thị trường phát điện nội địa.
Việc lựa chọn Nga đã được xem xét trong một thời gian dài và là quyết định mang tầm quốc gia. Ngoài ra, cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ĐHN vẫn mở ra cho nhiều đối tác đến từ các nước khác. Liên quan đến ĐHN còn nhiều lĩnh vực khác như tư vấn, đào tạo. Ngoài ra, từ nay đến năm 2030, Việt Nam còn mở thêm 8 -10 địa điểm xây dựng ĐHN nữa.
Hiện nay, dự án ĐHN tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi và xúc tiến tìm đối tác tư vấn. Hồ sơ yêu cầu đã dự thảo xong, đang xin ý kiến một số đối tác có kinh nghiệm liên quan, dự kiến hoàn thành trong 18 – 24 tháng. Sau đó chuyển qua lựa chọn tổng thầu thực hiện dự án theo hình thức chìa khóa trao tay.
Song song với dự án đầu tư, nhiều việc khác cũng đang được khẩn trương tiến hành theo yêu cầu của Thủ tướng như dự án hạ tầng cơ sở cho thi công, dự án trung tâm tiếp xúc với dân chúng ở Phan Rang - Tháp Chàm; dự án nguồn nhân lực, v.v…
Về chất thải hạt nhân, Nga cam kết sẽ giúp chúng ta quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, đồng thời xây dựng cả một chương trình quốc gia về vấn đề này. Đây là một cam kết mang tính lâu dài.
Về nhiên liệu, theo ông Tấn, đây là bài toán cả thế giới đều phải lo chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nếu sử dụng không tái chế, với công nghệ lò hiện nay, nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân chỉ đủ dùng trong khoảng 80 năm nữa. Nhưng nếu tái chế có thể dùng trong hàng nghìn năm.
Về vấn đề nguồn nhân lực, hiện nay Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Đào tạo Phát triển nguồn nhân lực và đang chờ phê duyệt. Theo đó, sẽ có 7 cơ sở đào tạo về ĐHN gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử, ĐH KHTN Hà Nội, Viện Vật lý, ĐH Đà Lạt, ĐH KHTN TPHCM, ĐH Điện lực.
Một số đơn vị khác như Tổng Cty Điện lực Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có chương trình đào tạo riêng. Ngoài ra, phía Nga đang hợp tác tích cực với Việt Nam đào tạo cho 40 người Việt đầu tiên trong năm 2010 và sẽ tiếp tục đào tạo trong các năm tiếp theo.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan hiện nay đang tiếp tục xây dựng các thông tư, nghị định, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến điện hạt nhân; ký kết và tham gia các cam kết quốc tế liên quan đến điện hạt nhân, v.v…
Mỹ Hằng
- Quy hoạch 7 dự án bảo tồn, tôn tạo đô thị cổ Phố Hiến
- TPHCM: Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ tái định cư
- Sẽ có thêm 3 thành phố trực thuộc Trung ương
- Dừng xây trụ sở Ban quản lý Hồ Gươm
- Bộ Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra thị trường bất động sản tại Hà Nội
- Hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị bờ tây sông Sài Gòn
- Tập đoàn bất động sản Singapore vào thị trường VN
- Hà Nội: Khảo sát việc xây nhà cao tầng và bảo tồn các biệt thự
- Đã có quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất
- Hà Nội ngập nặng sau cơn mưa ngắn