Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy một số liệu đáng chú ý: trong giai đoạn 2010 – 2050, Việt Nam phải đầu tư 850 triệu đô la Mỹ mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Bà Trần Thị Thanh Phương, Chuyên gia môi trường cao cấp của WB tại Việt Nam đưa ra nhận định này tại Hội nghị công bố kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 18/3.
Bà Phương cho rằng cụ thể, chi phí hàng năm cho 4 lĩnh vực đầu tư nhằm thích ứng với BĐKH ở Việt Nam gồm: lĩnh vực nông nghiệp 160 triệu đô la, cơ sở hạ tầng chống ngập ứng là 540 triệu đô la, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản 130 triệu đô la và cho các cảng biển là 12 triệu đô la Mỹ.
Nghiên cứu mới nhất của WB cho thấy, BĐKH đang trở thành mối đe dọa trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bà Phương cảnh báo rằng những dự án đầu tư phát triển kinh tế có thể sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn, chi phí đầu tư cao hơn, thậm chí có thể còn bị vô hiệu hóa nếu không tính tới tác động của biến đổi khí hậu.
Theo bà Phương, định hướng mà WB ưu tiên hỗ trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới để thích ứng với BĐKH tập trung vào các lĩnh vực như khả năng chống chịu trong lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch đô thị, bảo vệ tài nguyên thủy sản và tài nguyên biển ven bờ, phát triển năng lượng, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải …
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sáng nay, mực nước biển dâng đang tác động đến nhiều ngành kinh tế của nước ta.
Dự báo vào năm 2100, nếu không có các biện pháp gia cố đê điều và các hệ thống tiêu thoát nước, nước biển dâng có thể làm ngập một diện tích đến 30.945 km2, bằng 9,3% diện tích bề mặt đất của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây là mối đe dọa rất lớn đối với ĐBSCL, lưu vực sông Đồng Nai, TPHCM, đồng bằng sông Hồng và các vùng ven biển.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, theo kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất, ở Việt Nam nhiệt độ có thể tăng 2,3 độ C, nước biển có thể dâng 75 cm.
Còn nếu nước biển dâng 1 mét, diện tích của ĐBSCL – vực lúa lớn nhất của Việt Nam sẽ bị ngập 38%, đe dọa an ninh lương thực của hơn 86 triệu người dân Việt Nam và hàng trăm triệu người trên thế giới.
Theo ông Hà, những biểu hiện rõ nhất của điều kiện khí hậu ngày càng cực đoan hiện đang xảy ra như: triều cường, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.
“Do vậy, BĐKH là vấn đề sống còn của Việt Nam, chúng ta cần khẩn trương triển khai các hoạt động ứng phó ngay từ bây giờ. Theo đó, trên cở sở kịch bản biến đổi khí hậu mới, các bộ ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội từng vùng, địa phương, trước mắt nên tính cho giai đoạn từ nay đến 2015”, ông Hà nói.
Văn Nam
- Thừa Thiên-Huế phát triển đô thị kèm chống ngập
- Hà Nội xây 8 cầu vượt chống ùn tắc
- Hà Nội lập tổ công tác đánh giá dịch vụ chung cư
- First Solar khởi công nhà máy tấm pin năng lượng mặt trời tại TPHCM
- Đã có quy hoạch chi tiết Đại học Quốc gia Hà Nội
- 15 đề tài vào chung kết cuộc thi Ý tưởng xanh năm 2010
- Điều chỉnh quy hoạch hai khu đô thị mới tại Hà Nội
- GMP báo cáo Bộ Xây dựng phương án thiết kế nội thất công trình Nhà Quốc hội
- Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2010
- Việt Nam vẫn triển khai dự án điện hạt nhân