Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tin tức Việt Nam Sẽ có lộ trình di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất

Sẽ có lộ trình di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất

Viết email In

Song song với việc hoàn chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo công tác nghiên cứu, lập Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho việc nghiên cứu, lập các dự án đầu tư theo đúng quy trình, quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Vẫn thiếu nhà ở cho người nghèo

Để chủ động chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án lớn, Thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu, xác định vị trí và quỹ đất để lập Quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; xây dựng nhà tái định cư, đảm bảo điều kiện sống tốt để có thể đón nhận nhân dân diện GPMB đến ở.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, bước đầu Thành phố đã triển khai xây dựng, hoàn thành, bán và cho thuê được khoảng 450 căn hộ trên tổng số 1.270 căn hộ đã có tại khu đô thị mới Việt Hưng và 61 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông). Hiện đang triển khai xây dựng tiếp hơn 1.000 căn hộ nữa ở khu đô thị mới Kiến Hưng (Hà Đông).

Nhà ở công nhân đang tiếp tục hoàn thiện các khu nhà đã có, hoàn tất thủ tục đầu tư để xây dụng các khu nhà mới cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp tập trung như Kim Chung, Phú Nghĩa, Quang Minh, Nội Bài...

Nhà ở sinh viên đang triển khai tại khu đô thị Mỹ Đình và khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp với tổng số 22.000 chỗ ở cho sinh viên thuê.

Trước nhu cầu tăng thêm diện tích ở của cán bộ, công nhân viên và chiến sỹ các lực lượng vũ trang trên địa bàn, Thành phố đang chỉ đạo hoàn thiện Đề án giải quyết nhà ở để bán cho các đối tượng này, trong đó đặc biệt chú ý tới đội ngũ cán bộ công nhân viên của Thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế chính sách đã chỉ ra một thực tế là mặc dù TP vượt chỉ tiêu về phát triển nhà ở, đưa diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2010 lên 26m2/người nhưng phần đông nhân dân lao động, người làm công ăn lương và công nhân vẫn khó khăn, chậm được cải thiện về nhà ở do giá nhà quá cao.

Về chủ trương di dời các trường Đại học, Cao đẳng, Bệnh viện tuyến Trung ương: Thành phố đang chủ động phối hợp với các Bộ Y tế, Giáo dục, Xây dựng, tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch, lộ trình, chuẩn bị các điều kiện để giãn mật độ giường bệnh, thực hiện việc di dời ra khỏi khu vực nội thành.

Để thực hiện việc kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không còn phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành cần xác định rõ danh mục các cơ sở cần di chuyển và lộ trình cụ thể trong kỳ kế hoạch 5 năm.

Các công trình xây dựng vẫn đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Thành phố đã chỉ đạo hoàn thành dứt điểm việc thông xe tuyến đường Lê Văn Lương, kiên quyết tổ chức GPMB tuyến đường Văn Cao, đường 32, đường Nhật Tân - Nội Bài,... tích cực đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên, Trần Hưng Đạo – Nam Thăng Long...

Thành phố đang tập trung chỉ đạo rà soát, kiên quyết xử lý các công trình xây dựng sai phép, trái phép, lấn chiếm đất công, xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn các quận. Trong 5 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn Thành phố có 9.912 công trình xây dựng, trong đó, có giấy phép xây dựng, miễn phép xây dựng là 7.408 công trình (tỷ lệ đạt 75%). Lực lượng thanh tra xây dựng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 2.483 vụ vi phạm; trong đó, xây dựng không phép 1.882 vụ, sai phép 200 vụ, vi phạm khác 675 vụ; ra quyết định đình chỉ 1.380 trường hợp, xử phạt hành chính 208 trường hợp, cưỡng chế 693 trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo thẩm định của Ban Kinh tế ngân sách, đầu tư xây dựng cả bằng vốn ngân sách và ngoài ngân sách vẫn dàn trải, thiếu tập trung nên công trình chậm đưa vào sử dụng, đầu tư không đồng bộ, không dứt điểm, gây nên lãng phí nguồn lực, hiệu quả đầu tư thấp, gây bức xúc trong nhân dân.

Công tác quy hoạch, quản lý thực hiện theo quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị còn nhiều tồn tại, thiếu đồng bộ. Xây dựng hạ tầng giao thông tĩnh triển khai quá chậm, quản lý trông giữ phương tiện giao thông nhiều lộn xộn và chậm được khắc phục. Vì thế, mặc dù các lực lượng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm Luật Giao thông; tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí; số vụ ùn tắc kéo dài giảm. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông đường sắt và người chết lại tăng.

Đồng thời, TP cũng cần đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm bao nhiêu % diện tích trông giữ phương tiện giao thông trên vỉa hè, lòng đường so với hiện nay./.

Đức Hạnh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo