Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội lập tổ nghiên cứu cơ chế giãn dân phố cổ

Hà Nội lập tổ nghiên cứu cơ chế giãn dân phố cổ

Viết email In

Ngày 13/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 3317/QĐ-UBND, thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi về nhà ở và giá bán nhà ở cho đối tượng giãn dân, cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại, cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư xây dựng khu đô thị phục vụ giãn dân... và đề xuất trách nhiệm các đơn vị có liên quan khi tổ chức thực hiện Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội.

Tổ chuyên gia gồm 11 thành viên do ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm làm tổ trưởng. Tổ chuyên gia có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù giãn dân phố cổ Hà Nội, đề xuất trách nhiệm các đơn vị có liên quan khi tổ chức thực hiện Đề án giãn dân phố cổ, phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm hoàn thiện đề án giãn dân phố cổ Hà Nội trước ngày 15/8/2011.

Tại cuộc họp bàn về Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch-Kiến trúc, Tài Chính, Giao thông Vận tải, Kho bạc Nhà nước thành phố, Quỹ đầu tư phát triển thành phố, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm và các đơn vị có liên quan cần tập trung trí tuệ, khẩn trương chỉ đạo và chủ động đề xuất phương thức thực hiện đề án.

Đề án giãn dân phố cổ gồm 3 mục tiêu là di chuyển một bộ phận dân cư, nhằm giảm mật độ dân số từ 840 người/ha còn 500 người/ha vào năm 2020; góp phần cải thiện môi trường sống đô thị trong khu vực phố cổ và cải thiện đời sống cho một bộ phận người dân di dời khỏi khu vực phố cổ; tạo điều kiện để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ.

Đề án đã xác định rõ nhiệm vụ giai đoạn 1 (đến hết quý 4/2013) di chuyển khoảng 1.800 hộ dân (khoảng 7.200 người) đang sinh sống trong phạm vi các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang khu đô thị giãn dân Việt Hưng, trên tổng số 26.200 dân cần di chuyển.

Đề án đưa ra 7 nhóm giải pháp gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; chuẩn bị đầy đủ quỹ nhà phục vụ di dân; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đối với khu đất giãn dân tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên; giải pháp thiết kế đối với nhà ở tại khu đất giãn dân; giải pháp về hình thành các dự án để thực hiện công tác di dân tại khu đất giãn dân; giải pháp cải tạo sử dụng những căn hộ thuộc diện di chuyển, giải phóng mặt bằng của đề án; giải pháp về phân kỳ đầu tư.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, đây là đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu phố cổ, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô./.

  • Ảnh minh họa: phố cổ Chân Cầm (Ảnh: Nhật Anh) 

Thanh Bình


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo