Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tin tức Việt Nam Di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương: Phục dựng từ hoang tàn

Di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương: Phục dựng từ hoang tàn

Viết email In

Sẽ phục dựng và dần trả lại cho Phật viện Đồng Dương sự lộng lẫy như một thời của nó.

Đó là kế hoạch đầy tham vọng và có phần lãng mạn vừa được các nhà khoa học, các nhà khảo cổ học hàng đầu Việt Nam tuyên bố tại hội thảo “Giải pháp bảo tồn di tích Chăm Phật viện Đồng Dương” tổ chức ngày 17/8 ở Quảng Nam.


Phật viện Đồng Dương lúc được khai quật vào tháng 11/1902 (Ảnh do người Pháp chụp, vừa được chính quyền tỉnh Quảng Nam sưu tầm)

Theo nghiên cứu của giáo sư Trương Quốc Bình - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phật viện được vua Indravarman II sáng lập vào năm 875. Đây cũng là khu trung tâm của kinh đô Indrapura thuộc vương quốc Champa. Là khu di tích tiêu biểu bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Champa trong khu vực Đông Nam Á, ngày 21/9/2000 Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) đã xếp hạng Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia.

Từng là một trung tâm thiền viện Phật giáo lớn nhất nhì Đông Nam Á, nhưng đến nay Phật viện Đồng Dương chỉ là đống hoang tàn đổ nát trong cỏ cây hoang dại. Phật viện nằm lọt thỏm giữa một khu rừng cây keo, bạc hà bạt ngàn và thâm u. Tháp Sáng - ngọn tháp duy nhất còn sót lại của phật viện xiêu vẹo cùng những thanh đà chống đỡ bằng gỗ đã bị gãy mục. Họa sĩ Nguyễn Thương Hỉ - người nhiều năm làm công tác bảo tồn tại Quảng Nam - âu lo: “Tôi sợ tháp Sáng không qua nổi một cơn mưa chiều”.

Tận mắt chứng kiến và khảo sát Phật viện Đồng Dương, giáo sư Hoàng Đạo Kính phải thốt lên: “Cứu vãn trùng tu Mỹ Sơn đã tưởng là công việc khó khăn hơn cả, thách đố ghê gớm các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế. Thế nhưng với Đồng Dương, công việc xem ra khó khăn bội phần”.

Theo giáo sư Hoàng Đạo Kính, nhiệm vụ cấp bách lúc này là cứu vãn cho được, giữ gìn cho được mọi vết tích, mọi thành phần và từng mảnh vụn của Đồng Dương, không để mất mát thêm và quan trọng là không để sai lệch thêm. Đồng Dương phải được nhìn nhận là một phức hợp di tích, bao gồm các yếu tố vật chất của lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đô thị, tín ngưỡng - dân dụng, điêu khắc...

Từ đó có cách tiếp cận tổng thể, tránh thiên vị, đề cao tính khách quan của lịch sử, đặc biệt là làm sao để con cháu mai sau tiếp tục công cuộc thâm nhập vào dĩ vãng mà không cạn kiệt.

Giáo sư Kính cho rằng cần phải can thiệp ít, để lại dấu vết ít, tránh gây sự nhầm lẫn, tránh làm giả thì Đồng Dương dễ dàng được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là di tích bị hủy hoại trong chiến tranh, một di tích “mồ côi” không còn con cháu nên càng dễ được công nhận. “30 năm trước tôi đã xem về di tích này rồi. Nay người Pháp tiếp tục công bố một loạt hình ảnh về di tích này, tôi không ngờ đây là di tích hoành tráng và vĩ đại như thế!” - giáo sư Kính nói.

Kết thúc hội thảo, ông Trần Minh Cả - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết trước mắt tỉnh sẽ ra tuyên bố Đồng Dương, lập đề án, khoanh vùng, khảo cổ bảo quản trùng tu, tôn tạo, chống đỡ cứu vãn các di tích hiện có, đồng thời xã hội hóa các khu vực phụ cận thành khu văn hóa tâm linh tín ngưỡng.

Nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá

Năm 1901, l.Finot - một học giả người Pháp - đã phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có tượng Phật bằng đồng cao 108cm, tượng Phật đứng trên tòa sen, Phật mặc áo cà sa hở vai bên phải, hai tay bắt ấn đưa về phía trước. Năm 1902, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo khảo tả, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông có chiều dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m.


Tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở di tích Phật viện Đồng Dương (Ảnh do người Pháp chụp)

Phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Champa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo đại thừa kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa từ giữa đến cuối thế kỷ 9. 

TẤN VŨ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo