Ngày 7/11, Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) và Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) đã tổ chức hội thảo dự án “Xây dựng Hệ thống quan trắc đô thị Việt Nam” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) nhằm chia sẻ và thảo luận những kết quả ban đầu của dự án xây dựng hệ thống chỉ số phát triển của các đô thị Việt Nam.
Đây là một dự án hỗ trợ các đô thị chủ động xây dựng và tập hợp những số liệu để theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển vì sự phát triển đô thị bền vững, bình đẳng, thân thiện với môi trường, có tính cạnh tranh và không còn nghèo đói. Đến tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các đô thị thành viên của ACVN, các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương (Tổng cục Thống kê, Bộ Xây Dựng); các tổ chức quốc tế, các Hội nghề nghiệp và xã hội, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội (ảnh: Ngụy Hà)
Dân số đô thị của Việt Nam trong năm 2009 là khoảng 26 triệu người, chiếm 29,6% dân số cả nước, trong khi tốc độ tăng trưởng dân số đô thị hàng năm trong giai đoạn 1999-2009 là 3,4%. Dự báo đến năm 2029, dân số đô thị của Việt Nam sẽ khoảng 44 triệu người, chiếm hơn 40% dân số cả nước. Đô thị hóa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên sự gia tăng nhanh dân số đô thị đã tạo ra nhiều áp lực về việc cung cấp việc làm, chỗ ở, hạ tầng bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội cho các đô thị. Hội thảo đã cung cấp kết quả sơ bộ từ các chỉ số đô thị để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách đô thị. Bộ chỉ số đô thị đưa ra những số liệu chi tiết về tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp tại đô thị tham gia hệ thống quan trắc. Chênh lệch giàu nghèo trong đô thị, tình trạng nhà ở đô thị, tình trạng nhà ở của người di cư từ nông thôn ra thành thị, tỷ lệ tiếp cận giáo dục, tiếp cận y tế, tiện tích về văn hóa, hạ tầng đô thị, vấn đề sử dụng đất, giao thông và an ninh đô thị, tác động của biến đổi khí hậu tới đô thị, tài chính đô thị, quy hoạch và quản lý đô thị cũng được đề cập chi tiết trong báo cáo.
Qua những kết quả sơ bộ từ báo cáo cuối kỳ của dự án, có thể thấy rằng các đô thị lớn đối mặt với khó khăn trong việc xây dựng, vận hành và quản lý và nâng cấp quỹ nhà ở, giảm sự chênh lệch giàu nghèo trong đô thị, hệ thống giao thông vận tải, an ninh đô thị, hệ thống thoát nước và các công trình xử lý chất thải rắn, duy trì các không gian xanh và không gian công cộng. Trong khi đó các đô thị nhỏ hơn lại cần nỗ lực để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng cơ bản như cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, cung ứng các tiện ích giáo dục, y tế và văn hóa. Tuy nhiên các đô thị đều đối mặt với những khó khăn trong huy động nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
TS Nguyễn Quang, UN-Habitat
“Với những thách thức to lớn từ đô thị hóa, quy hoạch đô thị chiến lược và cách tiếp cận thành phố sinh thái có thể là chìa khóa để giúp các đô thị chuyển thách thức thành cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trong dài hạn. Quá trình lập kế hoạch chiến lược mang lại cho chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và người dân đô thị một tầm nhìn rõ ràng và một chiến lược cụ thể để làm cho các thành phố có năng lực cạnh tranh cao hơn, thu hút đầu tư và tạo ra các cơ hội việc làm có giá trị gia tăng cao, đồng thời, đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.Còn Quản lý đô thị thích ứng với Biến đổi khí hậu là một cách tiếp cận sáng tạo mà các đô thị có thể áp dụng để hoạt động hiệu quả hơn khi đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu. Chính quyền các đô thị cần xem xét mối liên hệ giữa những hành động chính thức và không chính thức nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và lồng ghép các nỗ lực thích ứng của đô thị với các sáng kiến trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững”, bà Đỗ Minh Huyền, chuyên gia của UN-HABITAT cho biết.
“Bộ chỉ số rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý điều hành đô thị, là cơ sở dữ liệu quý của hệ thống đô thị Việt Nam. Bộ chỉ số đô thị là công cụ quan trọng để đánh giá sự phát triển tổng thể của đô thị, giúp các đô thị có cơ sở dữ liệu trong việc điều hành quản lý đô thị. Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành Thống kê Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược phát triển mới cho giai đoạn 2011 – 2020, dự thảo Bộ Chỉ số Đô thị Việt Nam sẽ góp phần cho quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc lập các báo cáo phân tích phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách. Xây dựng bộ chỉ số cũng là cơ hội giúp nâng cao năng lực của các chính quyền đô thị trong việc xây dựng, duy trì và bền vững các hệ thống theo dõi chỉ số đô thị để giám sát và đánh giá các chỉ số đô thị ở cấp địa phương”, bà Vũ Thị Vinh, Phó tổng thư ký của ACVN kết luận.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ms Ngụy Hà - UN-HABITAT
Phòng 401, Tòa nhà Liên Hợp Quốc 2E Vạn Phúc - Kim Mã, Hà Nội
Điện thoại: 38237232 - Mobile: 0982915710
Email:
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
- Hà Nội: Bỏ hoang hàng ngàn căn nhà tái định cư
- Dừng xây dựng đề án về kinh tế hóa tài nguyên-môi trường
- Xây dựng Trung tâm lưu trữ Bảo tàng ảnh quốc gia
- Công bố nghiên cứu kiến trúc nhà thờ gỗ tại Bắc Bộ
- Đà Nẵng: 2.150 tỉ đồng phát triển cây xanh đô thị
- Đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 18 khu kinh tế ven biển
- Chuyên gia Pháp hợp tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam
- Năm 2015, cả nước sẽ có trên 870 đô thị
- Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm về quản lý đất đai
- Nhật Bản sẽ hỗ trợ triển khai nhiều dự án hạ tầng ở VN