Hiện nay, việc quy hoạch hệ thống thoát nước trên địa bàn TPHCM chỉ đạt 30% nhu cầu khi hệ thống thoát nước chỉ có trong phạm vi khoảng 860 ki lô mét vuông trên tổng diện tích 2.095 ki lô mét vuông của cả thành phố; như vậy tình trạng ngập vẫn còn xảy ra trong thời gian tới.
Thông tin này được ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM cho biết trong buổi giao lưu trực tuyến về việc chống ngập tại TPHCM. Buổi giao lưu do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 23/5.
Ông Long cho biết trong khoảng 10 năm trở lại đây, TPHCM đã hoàn thành khoảng 172 công trình chống ngập. Hiện nay, đang tiếp tục triển khai khoảng 100 công trình nữa trong giai đoạn từ 2011- 2015.
Việc chống ngập tập trung ở vùng trung tâm với diện tích khoảng 100 ki lô mét vuông (thuộc địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh).
Về kết quả, đến nay đã xóa được 188 điểm ngập; tính đến cuối 2011 vẫn còn 31 điểm ngập. Riêng vùng trung tâm chỉ còn 14 điểm. Từ đầu năm 2012 đến nay đã thực hiện xóa 7 điểm.
"Theo quy hoạch tổng thể về hệ thống thoát nước của TPHCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2001 thì chỉ quy hoạch trong phạm vi khoảng 860 ki lô mét vuông, trong tổng diện tích 2.095 ki lô mét vuông của cả thành phố. Do hệ thống thoát nước còn thiếu (chỉ đạt 30%) nên tình trạng ngập vẫn còn diễn ra", ông Long nói.
Theo chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015 của UBND TPHCM, trong đó đặt mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố (khoảng 100 ki lô mét vuông); kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại (khoảng 580 ki lô mét vuông); giai đoạn 2016- 2020, giải quyết cơ bản ngập nước do mưa tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại của TPHCM.
Việc các dự án chống ngập triển khai chậm kéo dài từ năm này qua năm khác được dư luận đặt câu hỏi rất nhiều. Trả lời vấn đề này ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho biết các dự án chống ngập triển khai chậm là do phải đấu thầu nhiều lần một số gói thầu. Theo luật đấu thầu, khi hồ sơ dự thầu của các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu thì buộc phải đấu lại.
Để giảm ngập nước từ năm 2011 -2015, thành phố sẽ tập trung, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao và các công trình kiểm soát triều. Ngoài ra, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là các nhà máy xử lý nước thải.
Lê Anh
- Ngày Môi trường thế giới tại Quảng Ninh
- Đề xuất ý tưởng bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn
- Thi thiết kế khu trung tâm hành chính TP HCM
- Bàn giao nhà vệ sinh nổi đầu tiên ở khu vực ĐBSCL
- Hoãn đề xuất cắt 3.000m2 đất công viên Thống Nhất làm bãi đỗ xe
- Không phát triển đô thị dọc tuyến đường chính huyện Ba Vì
- Quy hoạch thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050
- Gia Lâm sẽ là khu vực phát triển phía Đông Hà Nội
- TPHCM phải vay thêm nhiều từ WB để làm hạ tầng
- Hà Nội ưu tiên phát triển xe buýt, đường sắt trên cao