Chiều 4/4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, đã chủ trì cuộc họp sơ kết 1 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước trên địa bàn TP.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP (TTCN), trong năm 2011 đã xóa 39/70 tổng số điểm ngập, còn 31 điểm (giảm 67,7% so với 96 điểm của năm 2009). Trong đó vùng trung tâm (mục tiêu quan trọng của Chương trình đột phá) còn 14/31 điểm (giảm 79,7% so với 69/96 điểm của năm 2009). Đưa vào vận hành hơn 100 tuyến cống thoát nước với chiều dài 202km cống thoát nước, trong tổng số 172 tuyến với chiều dài 289km; thực hiện 44 công trình cấp bách; nạo vét, khơi thông 100 tuyến kênh rạch, cửa xả...
Năm 2012, TP xác định sẽ triển khai nhiều công trình để xóa tiếp 10/21 điểm ngập nặng còn tồn tại.
- Ảnh bên: Nạo vét làm sạch và thông thoáng thoát nước trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: Kim Ngân)
Dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng tuyến cống bao, trạm bơm nước thải công suất 64.000m³/giờ, tuyến cống băng sông Sài Gòn; đang thi công hệ thống ống nối bên trong giếng sông Nhiêu Lộc - Thị Nghè và sông bờ Đông, lắp đặt miệng xả ngầm, lắp đặt thiết bị cho các CSO (26 cái) dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4.
Dự án thành phần số 4 “cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” khởi công 3 gói thầu cống hộp, lắp đặt được 150m cống dẫn dòng tạm D1200. Đối với 10 gói thầu thi công kênh hở: đã hoàn tất công tác xét thầu và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt…
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín yêu cầu TTCN tập trung mọi giải pháp thực hiện xóa cho được 10 điểm ngập trong năm nay và các điểm còn lại trong những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xả rác trên kênh rạch tại địa bàn mình quản lý. Sở TN-MT đưa ra những chế tài xử phạt việc xả rác bừa bãi…
“Tóm lại, phần việc nào của sở nào sở đó phải chịu trách nhiệm trước UBND TP chứ không thể đùn đẩy như xưa nay” - Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, do ảnh hưởng của triều cường, mực nước tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) sẽ ở mức cao từ 1,4m đến 1,42m (bằng hoặc cao hơn báo động 2) trong các ngày 7 và 8/4 (tức ngày 17 và 18/3 Âm lịch).
Q.Hùng - Đ.L
Ngập nước do triều cường ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Kinh Luân /TBKTSG)
TPHCM rút kinh nghiệm "bài học" lụt BangkokNếu cứ phát triển theo các quy hoạch hiện nay, TPHCM sẽ đi vào “vết xe đổ” của Bangkok, tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã đưa ra lời cảnh báo này tại cuộc họp sơ kết một năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011- 2015 vào chiều 4/4. Trong bản tham luận của mình, ông Phi dẫn chứng những thiệt hại mà Bangkok phải gánh chịu sau chưa đầy một tháng bị ngập trong cơn lũ chưa từng có trong vòng 60 năm trở lại đây là 815 người chết, gần 13 triệu người bị ảnh hưởng, 930 nhà máy bị tê liệt khiến 600.000 chỗ làm bị đe dọa, tổng thiệt hại ước tính là 53 tỉ đô la Mỹ, đó là chưa kể 72 tỉ đô la để tái thiết, khắc phục thiệt hại… Ông Phi giả định, nếu tai họa tương tự xảy ra, mức độ thiệt hại của TPHCM có thể sẽ ít hơn Bangkok vì thành phố này chưa phát triển nhiều ở vùng trũng thấp như quận 8... Tuy nhiên chẳng phải vì ít có nguy cơ ngập sâu mà các quận 1, 4, 5 và 6 lại không bị thiệt hại. Qua khảo sát thực tế ở Bangkok, ông Phi đã đưa ra một bảng so sánh giữa hai thành phố, từ đặc điểm tự nhiên như địa hình, sông hồ… cho đến khả năng chống ngập với các hệ thống đê bao, trạm bơm, hồ điều tiết, cống thoát nước… và dựa vào đó ông đã đưa ra hai kịch bản khi TPHCM đối mặt với nguy cơ ngập do lũ. Sau khi nghe bản tham luận của tiến sĩ Phi và ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, chuyên viên…, Phó chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín đồng ý đặt nguyên tắc “giảm thiểu thiệt hại chứ không chỉ giảm thiểu nguy cơ” lên hàng đầu, cụ thể là thành phố sẽ đầu tư xây dựng hành lang thoát lũ khẩn cấp để hạ thấp mực nước sông Sài Gòn, bố trí hệ thống sản xuất nông nghiệp có khả năng thích ứng với ngập cho vùng trũng, làm nhà tránh bão kiên cố và lắp cửa ngăn nước tự động cho các cao ốc, siêu thị ... Để những dự án này sớm được triển khai, ông yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Nội vụ phải tích cực thúc đẩy tiến độ khảo sát, bố trí vốn, mời thầu… cho dự án. Bên cạnh việc giao trách nhiệm cho các sở ngành kiểm tra, xử phạt việc xả rác xuống kênh rạch, cống thoát nước và xử lý nghiêm các công trình xây dựng san lấp ao hồ… các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu phải soạn thảo và ban hành sớm quy chế về “không gian dành cho nước”, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, ưu tiên đầu tư cho công trình thoát nước và thiết lập hệ thống cảnh báo cùng quy trình ứng phó khẩn cấp. (TBKTSG) |
- Hà Nội: Trình duyệt 5 đồ án quy hoạch phân khu trong tháng 5/2012
- Hà Nội xác định thứ tự ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị
- Công ty Nhật Bản tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng ở VN
- Báo động sụt lún tại Hà Nội và TP.HCM
- Doanh nghiệp Pháp quan tâm dự án tàu điện ngầm TPHCM
- Hà Nội xử lý triệt để vi phạm đất đai dọc sông Nhuệ
- Hà Nội: Tìm hình mẫu bảo tồn phố cổ
- Chỉnh trang khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM
- Phát triển hệ thống kiểm soát giao thông đường cao tốc tại Hà Nội
- TPHCM: Dự án xe buýt nhanh vẫn chậm!