Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và khoảng 20 công ty của Pháp vào chiều 5/4, ông Richard Fostier, Chủ tịch Công ty Colas Rail (công ty Pháp, có trụ sở tại Malaysia), cho biết công ty này thực hiện nhiều dự án đường tàu điện tại Pháp, và quan tâm đến dự án metro của TPHCM.
Lãnh đạo công ty này cho biết có thể đưa ra các giải pháp nhằm giảm chi phí xây dựng đường tàu điện ngầm của TPHCM, và muốn biết những hạng mục đầu tư, gói thầu nào trong dự án hệ thống metro của TPHCM mà các công ty Pháp có thể tham gia. Hiện Colas Rail đang tham gia dự án mở rộng tàu điện ngầm nhẹ (light rail) tại Malaysia.
Khoảng 20 doanh nghiệp Pháp hôm 5/4 gặp gỡ lãnh đạo TPHCM (Ảnh: Thu Nguyệt)
Ngoài ra, tại cuộc gặp với lãnh đạo TPHCM, ông Gilles Péqueux, Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Egis – một công ty chuyên về tàu điện của Pháp, cũng cho biết quan tâm đến các dự án metro TPHCM đang kêu gọi đầu tư. Hai công ty này là thành viên của đoàn doanh nghiệp gồm khoảng 20 công ty thuộc Hiệp hội các doanh nghiệp Pháp trên thế giới (MEDEF International) đang có chuyến thăm Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong đó, có một số doanh nghiệp đã kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đoàn gồm các công ty lớn, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng,...
Đoàn đã đến Campuchia, Hà Nội và điểm cuối cùng là TPHCM. Hiệp hội MEDEF International có trên 700.000 thành viên là các chủ doanh nghiệp Pháp trên toàn thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, hiện có một số gói thầu mà doanh nghiệp Pháp có thể tham gia, là tuyến metro số 2 chuẩn bị mời thầu xây dựng đường hầm 9,5 km và 9 nhà ga cùng 1 đoạn trên cao. Gói thầu này trị giá khoảng 400 triệu đô la Mỹ.
Cũng trên tuyến metro này, "có gói thầu 11 km cho đường ray, doanh nghiệp Pháp cũng có thể tham gia lắp đặt đường ray trong gói thầu này", ông Quốc nói. Đối với dự án tuyến metro số 2, Chính phủ Đức cung cấp các đoàn tàu, do đó doanh nghiệp Pháp chỉ có thể tham gia xây dựng đường hầm và cung cấp đường ray. Dự kiến, việc mời thầu công khai sẽ được công bố vào giữa năm 2012.
Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM, hiện có hai dự án metro (tuyến số 3 và 6) TPHCM đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và hợp tác công tư (PPP), do đó doanh nghiệp Pháp có thể tham gia.
Hiện TPHCM quy hoạch sáu tuyến metro với tổng chiều dài 120km. Trong đó, đã có ba tuyến kêu gọi được vốn ODA là tuyến số 1, 2 và 5, ba tuyến còn lại là kêu gọi nhà đầu tư.
Dự án tuyến metro số 1 nhận ODA từ Nhật Bản. Dự án tuyến số 2 nhận vốn của Đức (trên 300 triệu đô la) cùng hợp vốn của một số ngân hàng, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ 500 triệu euro cho tuyến metro số 5. Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đồng ý cho sáu công ty Tây Ban Nha tham gia tổng thầu metro số 5, nhưng sau đó các công ty này đã xin ngừng tham gia do thiếu vốn. Do đó, hiện dự án tuyến metro số 5 còn thiếu 180 triệu euro và TPHCM đề nghị Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án này, theo ông Lê Hoàng Quân.
Hiện tuyến metro số 4 đã có nhà đầu tư Thái Lan đang nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT./.
T.Thu
- Hà Nội dừng ký thuê mới nhà đất dùng sai mục đích
- Hà Nội: Trình duyệt 5 đồ án quy hoạch phân khu trong tháng 5/2012
- Hà Nội xác định thứ tự ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị
- Công ty Nhật Bản tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng ở VN
- Báo động sụt lún tại Hà Nội và TP.HCM
- TPHCM: Năm 2012 xóa thêm 10 điểm ngập
- Hà Nội xử lý triệt để vi phạm đất đai dọc sông Nhuệ
- Hà Nội: Tìm hình mẫu bảo tồn phố cổ
- Chỉnh trang khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM
- Phát triển hệ thống kiểm soát giao thông đường cao tốc tại Hà Nội