Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) vừa công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất năm 2011 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là những số liệu mới nhất về nguồn nước ngầm tính đến nay.
Báo động sụt lún
Ở đồng bằng Bắc Bộ, mực nước ngầm hạ sâu, đặc biệt ở khu vực Mai Dịch (Cầu Giấy - Hà Nội). Vào mùa khô, 7/7 mẫu đều có hàm lượng amôni cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Riêng ở Tân Lập (Đan Phượng - Hà Nội), hàm lượng amôni lên đến 23,30mg/l (gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép). Ngoài ra, còn có 17/32 mẫu có hàm lượng mangan (Mn) vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn, 4/32 mẫu có hàm lượng asen (As) vượt tiêu chuẩn…
Ở đồng bằng Nam Bộ, tại một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu, đặc biệt ở khu vực quận 12, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh). Hàm lượng mangan và metan cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP.HCM bằng kỹ thuật Insar vi phân” do Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên dưới 1cm/năm.
- Ảnh bên: Khoan giếng nước ngầm (Ảnh: Mạnh Hùng)
Cụ thể, nhiều xã - phường trên địa bàn 14 quận, huyện đang lún với tốc độ 7 - 10mm/năm; nhiều khu vực ở 17 quận, huyện có tốc độ lún trên 10mm/năm. Đặc biệt, các khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh trong thời gian qua thuộc các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trên 15mm/năm.
Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Số liệu cho thấy, mỗi năm, Hà Nội lún từ 10-30mm/năm. Đặc biệt, khu vực Lương Yên, Hạ Đình có độ lún trung bình khoảng 11-18mm/năm. Khu vực Pháp Vân, Thành Công có độ lún lên đến 23-38mm/năm và lún bề mặt có xu hướng tăng 1-2mm mỗi năm.
Giếng khoan: thủ phạm chính
Dù hiện nay chưa có bất cứ một sự cố sụt lún này trực tiếp xảy ra có nguyên nhân từ việc hạ mực nước ngầm nhưng theo phân tích của giới chuyên môn, hiện nay, nền đất tại các khu đô thị đang yếu đi mà nguyên nhân chính là do việc hạ mực nước ngầm.
Ngoài những nguyên nhân như sự phát triển nhanh các khu đô thị, dẫn đến việc tác động nền mặt đất (làm móng nhà) quá nhiều, một nguyên nhân chính được chỉ ra đó là việc người dân tự khoan giếng.
KS Lê Tứ Hải, Liên hiệp Sản xuất khoa học địa chất và nước khoáng giải thích về cơ chế gây sụt lún khi mực nước ngầm bị hạ, đó là: khi mực nước hạ thấp dẫn đến quá trình phân hủy các vật chất hữu cơ trong các tầng bùn sét, góp phần làm giảm tính cơ lý của đất và tăng khả năng sụt lún mặt đất. PGS-TS Đỗ Minh Toàn, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa chất (ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội) đưa ra hình ảnh, trên một mặt bằng, các hố giếng khoan lỗ chỗ khắp nơi trên mặt đất sẽ tạo một khoảng rỗng trong lòng đất. Điều này khiến khả năng chịu lực, chịu tải trọng của nền đất rỗng này rất kém.
Được biết, năm 2010, TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN-MT TP.HCM nhanh chóng thành lập bộ phận chuyên trách cho công tác này từ cấp TP cho đến cấp cơ sở, gấp rút hoàn thiện cơ chế để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm.
Còn với Hà Nội, Sở TN-MT TP. Hà Nội cũng đang đề xuất: khoan giếng nhỏ quy mô hộ gia đình cũng phải xin phép. Việc quản lý này nhằm mục đích giúp cơ quan quản lý nắm được số liệu các giếng khoan trong địa bàn, đồng thời có các hướng dẫn trong khai thác, sử dụng cho người dân./.
Liên Cơ
- Lào Cai công bố quy hoạch đô thị du lịch Sa Pa
- Hà Nội dừng ký thuê mới nhà đất dùng sai mục đích
- Hà Nội: Trình duyệt 5 đồ án quy hoạch phân khu trong tháng 5/2012
- Hà Nội xác định thứ tự ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị
- Công ty Nhật Bản tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng ở VN
- Doanh nghiệp Pháp quan tâm dự án tàu điện ngầm TPHCM
- TPHCM: Năm 2012 xóa thêm 10 điểm ngập
- Hà Nội xử lý triệt để vi phạm đất đai dọc sông Nhuệ
- Hà Nội: Tìm hình mẫu bảo tồn phố cổ
- Chỉnh trang khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM