Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam TPHCM: Dự án xe buýt nhanh vẫn chậm!

TPHCM: Dự án xe buýt nhanh vẫn chậm!

Viết email In

Mặc dù được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới từ năm 2005 nhưng đến nay TPHCM vẫn loay hoay với các dự án xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT). Hiện tại, thành phố mới có một tuyến xe buýt nhanh đúng nghĩa là tuyến Bến Thành – Bến xe miền Tây chạy trên đại lộ Võ Văn Kiệt ( đại lộ Đông – Tây trước đây). 

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giao thông công cộng diễn ra ngày 28/3 tại TPHCM, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM nói rằng, theo đề án vận tải hành khách công cộng mới được Chính phủ phê duyệt, năm 2020 vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn phải đảm nhận từ 40- 50% khối lượng vận chuyển hành khách.

 


(Ảnh: Thanh Xuân) 

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển BRT tại TPHCM gặp rất nhiều vướng mắc vì các tuyến đường nhỏ hẹp nên khó bố trí một làn dành riêng cho xe buýt. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện thành phố vẫn có khoảng 10% tuyến đường có từ 6 làn xe trở lên. Nếu sắp xếp lại các làn xe thì vẫn có thể dành riêng một làn đường cho xe buýt nhanh trên một số tuyến, ông Thanh cho biết. 

Việc nghiên cứu xây dựng một mạng lưới xe buýt nhanh cho toàn thành phố đã được nghiên cứu từ năm 2005 dưới sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, một số tuyến đã được đề xuất xây dựng trên các đại lộ trung tâm nhưng không được triển khai.

Đến tháng 8/2011, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên chạy trên đại lộ Đông – Tây (từ Bến Thành – Bến xe miền Tây) mới được đưa vào hoạt động sau khi tuyến xe điện mặt đất không thể triển khai xây dựng. 

Cũng tại hội thảo, ông Sam Zimmerman, chuyên viên giao thông đô thị của Ngân hàng Thế giới, cho rằng để phát triển các tuyến xe buýt nhanh, TPHCM cần chú ý kết nối thêm các tuyến xe buýt nhỏ đến các khu dân cư. Đối với tuyến xe buýt nhanh trên đại lộ Đông – Tây, cần xây thêm cầu vượt qua kênh Tàu Hủ nối với quận 4 và quận 8 để người dân thuận tiện cho việc đi xe buýt. 

Sắp tới TPHCM sẽ kéo dài tuyến BRT sang quận 2 với tổng chiều dài 21km, trong đó hệ thống nhà chờ sẽ được phủ hoàn toàn bằng cây xanh. 

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, TPHCM cần xây dựng 8 tuyến xe buýt nhanh chạy dọc theo các trục đường chính với tổng chi phí xây dựng khoảng 909,6 tỉ đồng (tương đương 50,8 triệu đô la Mỹ). Các chuyên gia tính toán chi phí đầu tư BRT chỉ 1-2 triệu đô la Mỹ/km, thấp hơn nhiều so với việc đầu tư xe điện mặt đất (20 triệu đô la Mỹ/km, tàu điện ngầm là 100 triệu đô la Mỹ/km). 

BRT là hình thức sử dụng xe khách loại lớn, có sức chở cao gấp 2 - 3 lần xe buýt thường (tùy vào số lượng toa xe) và được chạy trên một làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo đúng thời gian hành trình. Do chạy trên một làn đường riêng nên xe buýt BRT không bị ùn tắc như xe buýt thường. 

Lê Anh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo