Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên một nền đất thấp trong lưu vực sông Đồng Nai và gần biển, do đó dễ dàng bị ngập do mưa lớn, nước lũ thượng nguồn hay triều cường. Trong tương lai, rủi ro của thành phố có thể còn trầm trọng hơn khi hệ quả của Biến đổi khí hậu (BĐKH): nước biến dâng cao và lượng mưa gia tăng bất thường, tác động vào vùng đất này. Ngân hàng Thế giới xếp TP HCM vào danh sách 10 thành phố rủi ro nhất thế giới về quy mô dân số chịu ảnh hưởng BĐKH(1). Đánh giá lại quá trình 10 năm thành phố “tuyên chiến” với tình trạng ngập lụt, Tạp chí Quy hoạch Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi Khí hậu - Đại học Quốc gia TPHCM về ngập lụt trong đô thị, biến đổi khí hậu và vai trò của quy hoạch (QH).
Sau một thập niên chống ngập và bắt đầu ứng phó với BĐKH tại TP HCM, là người vừa trực tiếp tham gia triển khai nhiều dự án, vừa làm nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về chặng đường vừa qua?
Ông Hồ Long Phi (ảnh bên): - Các dự án chống ngập cho TPHCM đã khởi đầu từ bản QH tổng thể thoát nước do JICA tài trợ và được thực hiện bởi công ty tư vấn PCI (Nhật Bản). Nhìn chung, đây là một QH khá tốt, tạo điều kiện cho các dự án ODA triển khai từ 2003 đến nay. Tiến độ của các dự án kéo dài đến 10 năm và thực sự chưa có dựán nào hoàn tất. Tuy nhiên kết quả quan trắc cho thấy rằng các dự án này và nhiều dựán nhỏ kháccũng đã dần phát huy tác dụng từ 2008 trở lại đây. Các khu vực ngập triều cục bộ cũng đang dần được kiểm soát bằng giải pháp tại chỗ với hơn 600 van một chiều và máy bơm đã được lắp đặt.Có thể nói rằng đỉnh điểm của tình trạng ngập ở TPHCM là năm 2007 với trên 100 vị trí. Con số này chỉ còn 31 trong năm 2011. Năm 2011 cũng là năm mà lần đầu tiên không thấy chất vấn của HĐND TP về tình trạng ngập.
Những thành công bước đầu minh chứng cho luận điểm chưa cần thiết triển khai dự án kiểm soát triều trên diện rộng mà kinh phí ước tính hiện tại sẽ không dưới 3 tỉ USD. Thay vào đó nên can thiệp từng bước và có trọng điểm như đã được triển khai trong thời gian qua trong khi chờ đợi những giải pháp can thiệp dài hạn.
Còn những mục tiêu nào chúng ta chưa hoàn thành?
- Điều chưa làm được hoặc sẽ phải làm vẫn còn là thách thức lớn trước mắt.
Thứ nhất, các dự án chống ngập trong hiện tại chỉ mới triển khai cho khu vực trung tâm với tổng diện tích phụ trách chừng 100 km2. (Trong khi đó) Phần diện tích đang chuẩn bị đô thị hoá càng lúc càng tăng dần và có thể đạt đến 850km2 vào năm 2025. Nếu ước tính theo kinh phí đã bỏ ra cho khu vực trung tâm, thì cần đầu tư khoảng 7 tỉ USD cho các khu vực còn lại trong hai thập niên tới, kể cả phần thoát và xử lý nước thải. Với khả năng giải ngân chưa đầy 100 triệu USD/năm như hiện nay thì tình trạng ngập sẽ dần xuất hiện ở khu vực ngoại thành trong những năm tới nếu chúng ta không có giải pháp để khắc phục.
Thứ hai, tình trạng BĐKH (BĐKH), có nguyên nhân cục bộ và toàn cầu, đã làm cho hệ thống kiểm soát ngập không làm việc đúng như mong đợi. Thay vì chu kỳ tràn cống thiết kế dự kiến là 2-3 năm, những hệ thống này hiện nay chỉ có thể đáp ứng chống ngập với tần suất không quá 1 lần/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng dần đi theo thời gian.Điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mềm để bổ sung cho giải pháp công trình. Giải pháp thì đã có, tính toán cũng đã xong. Tuy nhiên vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu có sự chung tay của các nhà QH đô thị và sự đồng thuận của cộng đồng.
Thứ ba, vấn đề cảnh báo lũ từ thượng nguồn và kế hoạch ứng phó để giảm thiểu thiệt hại cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu.Các hiểm họa do thiên tai luôn chực chờ bất chấp tất cả những nỗ lực của con người.Không thể có giải pháp đảm bảo chống ngập 100%. Quan điểm kiểm soát ngập hiện đại cho rằng thay vì chỉ tập trung tìm cách giảm tần suất xuất hiện ngập như cách chúng ta đang làm hiện nay (flood protection), thì giải pháp thông minh hơn là: tìm cách để sao cho xảy ra thiệt hại ít nhất khi bị ngập (flood resilience). Đây là một vấn đề có tính liên ngành, trong đó QH đô thị đóng vai trò trung tâm.
Thứ tư, các hồ chứa ở thượng nguồn vẫn được hoạt động theo chế độ tối ưu hóa lợi nhuận ngành. Do đó, vào cuối mùa mưa, các hồ này đều tích đầy nước để chuẩn bị cho mùa khô năm tới. Chỉ cần một trận bão lịch sử xảy ra vào cuối mùa mưa là một Bangkok thứ hai sẽ có thể tái diễn tại TPHCM. Do đó việc phối hợp liên ngành và trên toàn lưu vực trên quan điểm lợi ích tổng thể là đều cực kỳ quan trọng. Quản lý nước lưu vực vẫn còn là một vấn đề vượt ngoài khả năng giải quyết của các nhà kỹ thuật.
Thứ năm, nhiều dự án có quy mô lớn và cực lớn đang tìm cách viện cớ chống ngập để can thiệp thô bạo vào tự nhiên.Những dựán này thường dựa vào các kịch bản dài hạn mang tính hù dọa để tác động vào chính sách theo hướng có lợi cho họ. Đặc điểm chung của các dự án này là cách tiếp cận "dự báo và hành động". Phương pháp này nguy hiểm ở chỗ các dự báo dài hạn thường không chính xác, đặc biệt là trong điều kiện rất không chắc chắn của BĐKH. Do đó các tác động kiểu "can thiệp một lần" hàm chứa khá nhiều rủi ro cả về kinh tế lẫn kỹ thuật. Phương pháp tiếp cận hợp lý là phải dựa vào tự nhiên để hành động và chỉ can thiệp từng bước để có thể thích nghi tốt nhất với các diễn biến không chắc chắn trong tương lai xa.
Cuối cùng, một vấnđề nan giải khác là tình trạng lún trên diện rộng do khai thác nước ngầm và tải trọng nhà cao tầngtrên đất yếu. Đây là tình trạng phổ biến có tính quy luật và đã xảy ra ở nhiều thành phố khác như Thượng Hải, bangkok, Jakarta... Quan trắc ở TPHCM cho thấy tốc độ lún trung bình ở TPHCM torng thời gian 1995-2010 cao gần gấp 5 lần so với tốc độ dâng của mực nước biển cùng thời kỳ.
Bản đồ so sánh vị trí ngập năm 2007 và năm 2011 sau khi nhiều dự án thoát nước được thực hiện.
Một lần nữa ông cho rằng chưa cần thiết phải triển khai các dự án kiểm soát triều tốn kém. Trước đó ông cũng đưa ra những nghiên cứu thực nghiệm về nguyên nhân gây ngập lụt tại TP HCM và kết luận rằng chính là việc phát triển đô thị đã là nguyên nhân chính(2). Những kết luận này đã thuyết phục được chính quyền thành phố và có tác động đến chính sách phát triển đô thị hay chưa?
- Tác động của những hoạt động của con người đối với ngập lụt đô thị làđều có thể khẳngđịnh cả về khoa học lẫn thực tiễn. Tôi cũngđã chứng minhđược rằng việc theo đuổi những giải pháp quy mô lớn vào thời điểm hiện nay sẽ sai lầm cả về kinh tế lẫn kỹ thuật. Bài học ỷ lại vào hệ thống chống ngập quy mô lớn của Bangkok vào cuối năm 2011 đã chứng minh cho luận điểm này.
Những giải pháp quy mô lớn sẽ không đủ tính mềm dẻo cần thiết cho việc thích nghi với những yếu tố không chắc chắn, nhưng lại đòi hỏi tập trung nguồn lực quá sớm và quá nhiều trongđiều kiện kinh tế vĩ mô còn rấtkhó khăn. Một yếu tố nữa cũng cần chúý làviệc vận hànhvà duy tu những hệ thống quy mô lớn như vậy là không đơn giản và hàm chứa nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh vẫn còn tồn tại những đối lập về quan điểm như thế, TPHCM đã chọn cách làm song song. Một mặt vẫn triển khai các bước chuẩn bị kỹ thuật cho dự án kiểm soát triều trên diện rộng theo đề xuất của Bộ NN-PTNT vì đây là bản QH đã được phê duyệt bởi Thủ tướng và trở thành pháp lệnh đối với các cơ quan nhà nước. Mặt khác thành phố vẫn tiến hành song song dự án QH kiểm soát ngập theo quan điểm tích hợp do chính phủ Hà Lan tài trợ(3). Bản thân Trung tâm Chống ngập TP HCM (TTCN) đã triển khai khá nhiều những dự án cục bộ, quy mô nhỏ nhằm giải quyết trực tiếp và tức thời vấn đề ngập lụt chứ không trông chờ vào dựán quy mô lớnvà đã có những thành công rõ nét.
Đối với vấn đề quản lý xây dựng đô thị, một số sự kiện gần đây được đăng tải trên báo chí liên quan đến việc khôi phục dung tích điều tiết nội thị (chẳng hạn như vụ lấp rạch Tân Cảng(4)) cũng có thể cho thấy phần nào sự thay đổi về quan điểm của TP. Tuy nhiên để tạo ra một chuyển biến rõ rệt trên diện rộng còn cần nhiều hơn thế.
Bản đồ thể hiện hệ thống đê bao khổng lồ bao quanh TP HCM do Bộ NNPTNT đề xuất.
Ông đã nhắc đến giải pháp mềm và nhấn mạnh vai trò của các nhà QH đô thị. Vậy đó là những giải pháp gì và vai trò của QH đô thị như thế nào để thực hiện chúng?
- Giải pháp thứ nhất: hoàn trả và mở rộng từng bước không gian dành cho nước. Quy luật phân bố của nước rất dễ hiểu: Nó chỉchiếm ngụởnhững nơi thấp nhất. Bất cứ QH không gian nào dành chỗ của nước, trước sau gì cũng sẽ phải trả giá. Một đề án QH đô thị nhất thiết phải tích hợp một không gian tối thiểu dành cho nước, cũng tương tự như không gian dành cho giao thông, công nghiệp, dân cư, cây xanh... thay vì tìm cách đẩy nước đi chỗ khác. Trong điều kiện bất định của BĐKH, giải pháp không gian dành cho nước sẽ phải đủ mềm dẻo để có thể thích nghi theo thời gian.
Vai trò của nhà QH đô thị là phải tôn trọng quy luật này và phát huy các sáng kiến có thể để giúp không gian dành cho nước có thể thích nghi được với BĐKH, đồng thời đủ tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật và dân trí. Các kỹ sư thoát nước chỉ có thể cung cấp số liệu đầu vào về dung tích cần thiết và vị trí của các khu vực điều tiết chính, nhưng thể hiện chúng ra thành giải pháp đô thị sẽ cần sự đóng góp của các nhà QH.
Còn trong thực tế hiện nay, cách làm thông thường vẫn là: Các bản QH được vạch ra trước, thể hiện mong muốn của nhà chuyên môn hoặc thật ra là của người đặt hàng và không loại trừ là dưới tác động của các nhóm lợi ích. Sau đó, nhiệm vụ của các kỹ sư thoát nước là phải giải quyết ngập lụt dựa theo đồ án QH không gian đã được duyệt.
Một quy trình như vậy thường làm hạn chế chọn lựa về phạm vi và giải pháp của các kỹ sư thoát nước. Ví dụ điển hình là bản QH không gian của TPHCM đến 2025 đã đề xuất phát triển bốn khu vực vệ tinh chung quanh khu đô thị hiện hữu. Ba trong bốn khu vực này nằm ở vùng trũng, thấp và dễ thương tổn do ngập lụt. Từ cách tiếp cận này mà Bộ NN-PTNT đã có lý do để đề ra những bản QH chống ngập trị giá nhiều tỉ USD theo kiểu bao đê quanh thành phố hay thậm chí xây dựng hẳn một tuyến đê biển nối từ Vũng Tàu qua Gò Công. Những tác giả của bản QH này có được trong tay một lý lẽ biện minh rất thuận lợi chính là đề án QH chung TPHCM đến 2025 do Thủ Tướng phê duyệt. Tuy nhiên không nên quên rằng: không giống như Bangkok hay Hà Lan, nơi mà các đô thị đã "lỡ" phát triển từ lâu trên những vùng đất thấp;TPHCM vẫn còn có những lựa chọn khác để phát triển.
Cách là hợp lý hơn là: Các nhà QH đô thị nên ngồi cùng bàn với các kỹ sư thoát nước ngay từ đầu để cùng nhau vạch ra những giải pháp QH tốt nhất có thể, trong đó các yếu tố thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại phải được quan tâm ngay từ đầu chứ không nên chỉ trông chờ vào các công trình chống ngập.
Có thể nói rằng: tất cả những giải pháp chống ngập mà không có yếu tố bảo toàn hay hoàn trả không gian cho nước đều ít nhiều mang tính di chuyển rủi ro từ nơi này qua nơi khác, hay tích lũy nguy cơ từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Nếu ý thức điều này, các nhà QH cần phải giải quyết vấn đề không gian cho nước một cách rốt ráo ngay từ bây giờ.
Giải pháp thứ hai: Giảm nhẹ thiệt hại thay vì chỉ giảm nhẹ nguy cơ. Đặc điểm chung của giải pháp cứng là giới hạn thiết kế. Tất cả các công trình chống ngập đều có năng lực thiết kế của nó, do đó không-bao-giờ-xảy-ra-ngập-lụt là điều hoang tưởng. Dự án kiểm soát triều khu vực TPHCM dự kiến có mức đảm bảo là 95%, có nghĩa là cứ trung bình 20 năm khu vực được bảo vệ có thể bị ngập một lần. Một biến cố vượt qua năng lực thiết kế của công trình sẽ mang lại thiệt hại cho tất cả khối tài sản tích lũy trong thời gian trước đó.Một ví dụ gần đây: Bangkok được bảo vệ ở mức 97%, tương ứng với chu kỳ lập lại là 30 năm đã không thể chiụ đựng nổi biến cố tương ứng với chu kỳ lặp lại là 50 năm, dẫn đến hàng chục tỉ USD thiệt hại.
Như vậy quan trọng là làm sao cho tổnthất khi xảy ra ngập lụt là nhỏ nhất. QH không gian đóng vai trò quan trọng vì nó hướng dẫn và nhắc nhở cộng đồng về nguy cơ ngập lụt. Việc tiếp tục phát triển đô thị trên những vùng trũng thấp cần được hạn chế và trong trường hợp phải chấp nhận thì các giải pháp giảm nhẹ thiệt hại cần phải được nghiên cứu thực hiện.
Tóm lại, một bản QH đô thị nên chú ý đến ba nguyên tắc sau: Thứ nhất, trong mọi trường hợp, không được phép gây ra dòng chảy tràn phát sinh thêm bởi dự án. Điều này được thực hiện thông qua các không gian điều tiết phân bố. Thứ hai, không gian QH dành cho nước phải cho phép mở rộng nếu cần thiết để thích nghi với tính bất định của BĐKH. Thứ ba, việc xảy ra ngập lụt ở các khu vực dễ thương tổn cần được kết hợp giải quyết bằng các giải pháp mềm để giảm nhẹ thiệt hại trong trường hợp xảy ra các biến cố cực lớn, chứ không chỉ trông chờ vào các công trình chống ngập.
Việc nghiên cứu các giải pháp chống ngập dài hạn không chỉ dựa chủ yếu vào thủy học (hydrology) mà tốt nhất phải là thủy học sinh thái (eco-hydrology), trong đó bao hàm cả yếu tố con người. Công tác chống ngập trong điều kiện BĐKH đã không còn là lĩnh vực độc quyền của các nhà kỹ thuật thuỷ lợi.
Bản đồ dự báo vùng ngập lụt vào năm 2050 của ICEM thực hiện cho UBND TP HCM (tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB) trong kịnh bản có hệ thống đê bao bảo vệ như quy hoạch cho thấy hiệu quả của hệ thống này còn hạn chế và nguy cơ ngập lụt sẽ bị đẩy sang các địa phương khác.
Đối với TPHCM, để nhìn lại và tổng kết một bài học về QH, ông đánh giá như thế nào về chiến lược phát triển đô thị về phía Nam, với trung tâm là đô thị Nam Sài Gòn (NSG), liệu đây có phải là một sai lầm về quy hoạch như nhiều học giả gần đây lên tiếng phê phán?
- Công bằng mà nói thì vào thập niên trước, khi thực hiện dự án này, các nhà QH Việt Nam (và cả trên thế giới) vẫn còn bám theo tư duy truyền thống: Cứ phát triển trước và sẽ được bảo vệ bởi các công trình chống ngập. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến hiện nay về BĐKH là bất chấp mọi nỗ lực, con người sẽ không bao giờ thể kiểm soát được ngập lụt 100%. Xét trên quan điểm này thì việc phát triển khu đô thị NSG có thể ví như "nhúng một chân xuống nước".
Khu đô thị NSG và cả những dự án phát triển trên vùng đất ngập triều chung quanh TPHCM đều còn có thể điều chỉnh được và cần phải được điều chỉnh theo hướng thích nghi; không đặt cược sự an toàn của mình hoàn toàn dựa vào hệ thống chống ngập, dù với quy mô nào đi nữa. Một sự điều chỉnh như vậy phải được cân nhắc trên tầm chiến lược ứng phó chứ không thể chỉ đưa ra khuyến cáo và để mặc cho các nhà đầu tư và dân cư tự xoay sở một cách cục bộ.
Tôn trọng không gian dành cho nước là nguyên tắc số 1. Tuy nhiên nếu hiểu là cần phải tuyệt đối không phát triển ở vùng thấp thì lại đi vào cực đoan và phi thực tế. Mọi vấn đề kỹ thuật và duy lý luôn cần phải đối chiếu với hành vi con người để tránh sa vào những quyết định: đúng về lý thuyết nhưng sai khi đưa vào áp dụng trên thực tiễn. Quy luật của nước là chiếm những chỗ thấp trũng. Nhưng tại sao con người lại luôn thích sống gần nước? Có cách nào để thỏa mãn tâm lý ấy mà không làm tăng rủi ro? Có cách nào sống chung với nước nhưng không chiếm chỗ của nước? Nhưng nếu để mặc cho sự phát triển đô thị và khu công nghiệp trên vùng đất thấp ngoại thành diễn ra như thời gian vừa qua mà thiếu sự điều chỉnh về yếu tố thích nghi và không tôn trọng không gian dành cho nước; chỉ dựa vào ảo tưởng là sẽ được bảo vệ bởi các công trình kiểm soát ngập hàng tỉ USD thì lại là một cực đoan nguy hiểm như trường hợp Bangkok.
Thay vì tiếp tục tranh luận Đúng-Sai, Nên-Không-Nên trong trường hợp này thì điều cần làm là tìm cách phát triển những giải pháp “lưỡng toàn”. Tôi cho rằng luôn luôn nên cố gắng tìm kiếm Lời giải thứ ba trong mọi trường hợp.
Và ông đã thấy những dự án đã và đang tìm kiếm Lời giải thứ ba đó?
Mục đích của Lời giải thứ ba là hòa giải giữa các xu hướng cực đoan: Kỹ thuật thì xem các hiểm họa do nước như làyếu tố có thể kiểm soát được bằng các giải pháp công trình; Sinh thái và Môi trường thì xem không gian dành cho nước là bất khả xâm phạm và phải bảo tồn thiên nhiên bằng mọi giá; còn Kinh tế thì muốn lạm dụng nước để sinh lợi tối đa.
Chung sống với nước một cách bền vững và ít rủi ro là mục tiêu của lời giải thứ ba. Để làm được điều này cần phải vượt qua khá nhiều trở ngại, trong đó chủ yếu là sự thông hiểu, đồng thuận và cộng tác giữa các bên có liên quan. Các yếu tố kỹ thuật dù phức tạp nhưng sẽ không phải là trở ngại chính.
Đối với TPHCM, những khởi đầu của sự phối hợp đó đã được thể hiện qua một số đề án, trong đó đặc biệt quan trọng là đề án về QH không gian điều tiết nước và đề án QH kiểm soát ngập theo hướng tích hợp cho TPHCM. Đề án đầu tiên hy vọng sẽ được bắtđầu thực hiện vào khoảng giữa năm 2012 và kết thúc vào giữa năm 2013. Đề án thứ hai đang được thực hiện và sẽ kết thúc vào cuối năm 2012. Ngoài ra, một số dự án công trình cụ thể cũng đang trong quá trình chuẩn bị để tìm kiếm sự đồng thuận.
Tuy nhiên từ QH đến thực tế là một khoảng cách khá xa và trong nhiều trường hợp một lời giải hay chưa chắc đã vượt qua nổi những thách thức dọc đường. Một lần nữa, quá trình Thông hiểu – Đồng thuận – Cộng tác lại phải được lập đi lập lại cho từng dự án cụ thể. Cần phải có những đơn vị hay tổ chức đứng trên quan điểmkhoa học và khách quan để làm tác nhân nối kết về mặt kỹ thuật (liên ngành và đa ngành) và về mặt quan hệ (giữa cộng đồng, nhà nước và các nhóm lợi ích). Như vậy, Lời giải thứ ba sẽ luôn là lời giải Tích hợp và Đa mục tiêu.
QH dường như là vấn đề vĩ mô quá lớn để mỗi cá nhân có thể nhận thức trọn vẹn và tham gia tích cực. Xin được hỏi ông mỗi công dân, mỗi cộng đồng có thể làm gì để giúp thành phố mình giảm bớt nguy cơ ngập lụt?
- Trong trường hợp TPHCM thì điều đáng chú ý là việc chấp nhận và khởi xướng các giải pháp mềm lại xuất phát từ các cơ quan Nhà nước thay vì từ cộng đồng.Việc thực hiện chiến lược Thích nghi và Giảm thiểu thiệt hại có thể sẽ dẫn đến một xáo trộn đáng kể cho cư dân vùng ngập lụt, do đó cần phải có một lộ trình phù hợp, phối hợp đa ngànhvà hợp tác giữa chính quyền và cộng đồng để thực hiện việc này. Gần đây, chúng tôi có tiến hành khảo sát về khía cạnh Kinh tế - Xã hội của ngập lụt đô thị. Kết quả sơ bộ cho thấy đa số người được phỏng vấn đồng ý đóng góp trực tiếp cho công tác chống ngập với các mức độ khác nhau chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Tôi luôn cho rằng nếu thiếu sự Thông hiểu – Đồng thuận – Cộng tác thì không thể thực hiện đưọc những ước mong về giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại cho ngập lụt. Xuất phát từ hai nguyên tắc: tôn trọng không gian giành cho nước và giảm thiểu thiệt hại một cách chủ động, mỗi người tuỳ theo năng lực, vị trí, nghề nghiệp, gia cảnh của mình sẽ có thể đưa ra được những hoạt động phù hợp nhất. Về phía chính quyền, sẽ phải thể hiện hai nguyên tắc này dưới dạng luật. Về phía cộng đồng, đừng trông chờ là sẽ được tuyệt đối an toàn bằng các công trình chống ngập mà hãy chủ động tìm cách giảm nhẹ thiệt hại cho chính mình với sự giúp đỡ hỗ trợ của chính quyền. Về phía các nhà kỹ thuật, hãy ưu tiên cho những ý tưởng, đề án, giải pháp có tính liên ngành thay vì đơn ngành như hiện nay. Một khi chúng ta xuất phát với cùng những nguyên tắc định hướng, sự đồng thuận và cộng tác sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Trân trọng cảm ơn ông.
Nguyễn Đỗ Dũng (thực hiện)
Chú thích:
(1) World Bank (2010). Climate Risks and Adaptation in Asian Coastal Megacities. Nguồn: http://siteresources.worldbank.org/EASTASIAPACIFICEXT/Resources/226300-1287600424406/coastal_megacities_fullreport.pdf
(2) Xem bài: Ngập lụt tài TP HCM: Hướng tiếp cận “mềm” của Nguyễn Đỗ Dũng trên tạp chí QHĐT số 4, 2011;
(3) Bản đánh giá được công bố gần đây do Haskoning thực hiện cũng đề nghị KHÔNG tiến hành dự án kiểm soát triều trong thời gian trước mắt.
(4) Xem bài đang trên báo Người Lao Đông ngày 24/7/2011 và báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 15/2/2012.
(Bài đã được đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 09 - 2012)
- TPHCM: Hoàn thiện hạ tầng, xóa điểm đen giao thông
- Phỏng vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường về sử dụng đất nông nghiệp
- Quy trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Không thực sự cần thiết
- Giải quyết cách nào với tranh chấp ở chung cư?
- Hà Nội trước sự lựa chọn: Đường phố dành cho con người hay ôtô?
- Khơi thông vốn đọng để giảm lãi suất: Nhà nước mua lại một số bất động sản
- Sẽ "siết" thẩm định nhà thầu xây dựng
- Cấp giấy phép quy hoạch: Ba giải pháp linh hoạt
- TPHCM: Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường
- Đánh thuế cao để xóa đô thị "ma"