Ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân. Bộ trưởng và lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ TN-MT đã giải đáp cặn kẽ nhiều vấn đề thời sự về đất đai, môi trường. Phóng viên ghi lại dưới đây một số nội dung được dư luận quan tâm.
Quản lý sổ đỏ không nghiêm
Bộ trưởng nghĩ sao về việc cán bộ nhà đất lùng mua đất nông nghiệp của dân rồi hợp thức hóa sổ đỏ, bán lại với giá cao gấp hàng chục lần?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang (ảnh bên): - Đây là việc làm trái pháp luật, pháp luật cũng đã có quy định xử lý. Các tỉnh, thành phố, đặc biệt là cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ liên quan đến lĩnh vực đất đai, cần có cơ chế, quy chế kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ. Hiện nay, dư luận cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn phổ biến. Do đó, các cơ quan quản lý liên quan phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ để xử lý thích đáng các trường hợp vi phạm theo đúng pháp luật..
Thị trường bất động sản hiện nay đang xôn xao vì tình trạng phôi sổ đỏ là thật nhưng nội dung là giả. Bộ trưởng nghĩ sao?
- Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề này. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi thật, có số serie lọt ra ngoài; trường hợp này có liên quan tới việc quản lý của các sở, hoặc các phôi đó là giả. Hà Nội vừa qua có nơi làm mất 483 phôi sổ đỏ thật. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau. Quy định về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như trên. Bộ đã có nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ.
Việc cấp sổ đỏ tại các dự án phát triển nhà rất chậm, nguyên nhân do đâu và Bộ TN-MT làm gì để khắc phục? Ông Trần Hùng Phi (Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê - Tổng cục Quản lý đất đai): - Đúng là tại Hà Nội và TPHCM, tình hình cấp sổ đỏ ở các dự án nhà ở nhìn chung rất chậm. Có nhiều nguyên nhân, từ phía chủ đầu tư, cơ quan nhà nước, từ người dân. Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư lớn nhất. Nhiều dự án vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán hết... Về phía cơ quan nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm... Về lâu dài, các địa phương phải chấn chỉnh ngay các dự án nhà ở, xử lý sớm các dự án có sai phạm. Trước mắt, cần tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án có vướng mắc, theo nguyên tắc nếu sai sót về phía chủ đầu tư thì sẽ xử lý theo quy định. Sai phạm nếu không từ phía người mua nhà thì phải tìm cách cấp sổ đỏ cho người dân. |
Yên tâm sử dụng, giao dịch đất nông nghiệp
Năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm, vấn đề này sẽ xử lý như thế nào?
- Bộ TN-MT đã bàn việc này, báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật Đất đai năm 2003, chúng ta vẫn áp dụng luật hiện hành. Theo đó, đối với hộ gia đình được giao đất từ năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Việc sử dụng đất nông nghiệp vẫn giữ ổn định, không xáo trộn. Một số loại đất không thuộc đối tượng trên (như đất bãi bồi ven sông, ven biển…) sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, cần tiến hành các thủ tục để gia hạn. Cũng theo luật hiện hành, sẽ tiếp tục cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp. Còn thời hạn thì theo quy định của Luật Đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các ngân hàng yên tâm cho người nông dân thế chấp, vay vốn sản xuất.
- Ảnh bên: Đối với hộ gia đình được giao đất từ năm 1993, tới đây vẫn tiếp tục được sử dụng đất đã được giao (Ảnh: Thanh Tâm)
Sự cố rò rỉ hóa chất tại “Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng” vừa qua cho thấy dự án này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng có giải pháp gì?
- Việc khai thác bauxite, sản xuất alumina là chủ trương của Đảng, Nhà nước, đang được tiến hành thí điểm tại 2 điểm ở Lâm Đồng và Đắc Nông. Sự kiện đã nêu diễn ra tại Tân Rai, Đắc Nông, do thao tác sai sót của công nhân, làm không cẩn thận để xút rơi ra ngoài hoặc có thể do bao bì còn tồn đọng xút không được xử lý theo đúng quy định,…
Việc xử lý nguy cơ hồ bùn đỏ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Môi trường… Việc đảm bảo an toàn về môi trường trong quá trình thực hiện dự án này là yêu cầu hàng đầu.
Anh Thư (lược ghi)
- Triển vọng của công tác quy hoạch đô thị TPHCM
- Dennis Meadows: "Đã quá muộn để phát triển bền vững"
- Trao đổi với TS Hoàng Hữu Phê về nhà cao tầng và giao thông
- "Hà Nội cần phải tuân thủ đúng theo quy hoạch"
- TPHCM: Hoàn thiện hạ tầng, xóa điểm đen giao thông
- Quy trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Không thực sự cần thiết
- Giải quyết cách nào với tranh chấp ở chung cư?
- Hà Nội trước sự lựa chọn: Đường phố dành cho con người hay ôtô?
- Ứng phó với ngập lụt và biến đổi khí hậu: “Cần sự chung tay của các nhà quy hoạch”
- Khơi thông vốn đọng để giảm lãi suất: Nhà nước mua lại một số bất động sản