“Chỉ cần nhìn đến năm 2020, TP.HCM sẽ định hình một đô thị mới có diện tích gấp hai lần diện tích đô thị hiện nay. Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm, quận 9, Thủ Đức, đô thị Tây Bắc... sẽ có thêm một bước hoàn thiện với bộ mặt khang trang; trong nội ô, thành phố sẽ xoá xong nhà ổ chuột trên kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ…” - Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, tự tin như vậy khi trao đổi với phóng viên về triển vọng của công tác quy hoạch xây dựng đô thị hiện nay.
Ông Nam (ảnh bên) nói: “TP.HCM có được cái may là các bước đi của hôm nay đã được định hướng bằng quyết định 101 của bộ Giao thông vận tải về nghiên cứu vùng giao thông TP.HCM và quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025. Đây là cơ sở để thành phố phát triển. Bên cạnh đó, thay vì phát triển một thành phố thuần công nghiệp, chúng ta đã chuyển sang phát triển dịch vụ song song”.
Diện mạo đô thị TP.HCM trong các năm tới sẽ như thế nào, thưa ông?
- Mục tiêu lâu dài của thành phố là hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Đây cũng là một trong những chương trình trọng điểm của thành phố.
Khu đô thị Tây Bắc, Thủ Thiêm, Hiệp Phước sẽ là những điểm nhấn làm thay đổi bộ mặt đô thị. Đến năm 2020, phía đông của thành phố sẽ phát triển với các khu dân cư cao cấp, trung tâm thương mại, nhà cao tầng... dọc tuyến xa lộ Hà Nội. Tại nội ô, những nhà ổ chuột trên kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ sẽ không còn. Diện mạo của TP.HCM trong mười năm nữa sẽ thay đổi cơ bản. Nhiều nhà cao tầng sẽ tiếp tục mọc lên, các khu đất vàng ở trung tâm thành phố sẽ được chỉnh trang, cải tạo. Đặc biệt, thành phố sẽ có chuyển đổi mạnh về tư duy nhà ở, các dự án nhà cho thuê sẽ ra đời. Chiến lược nhà ở lúc ấy sẽ gắn liền với công ăn việc làm, có việc làm là có nhà ở.
Theo ông, quy hoạch đã mang lại điều gì cho TP.HCM trong thời gian qua?
- Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ra đời xuất phát từ chủ trương xoá nhà ổ chuột, chỉnh trang đô thị. Hàng ngàn căn nhà ổ chuột được giải toả, di dời, nhiều người dân đã thoát khỏi dòng kênh đen. Sau đó, tuyến đường Điện Biên Phủ được xây lại, các tuyến đường vành đai được hoàn thiện, dự án cải tạo xa lộ Hà Nội được triển khai, hoàn thành tuyến đại lộ Đông Tây… đã giúp bộ mặt giao thông thành phố thay đổi, tạo ra một hành lang giao thông rộng lớn từ quận 1 đến huyện Bình Chánh. Về bộ mặt đô thị, giai đoạn năm 1989 – 1991, thành phố có chủ trương tiến về phía nam, chỉ một thời gian sau, cả một khu vực hoang hoá ở đó đã biến thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại bậc nhất cả nước với tuyến đường Nguyễn Văn Linh dài 17km rất đẹp kết nối các khu đô thị liền nhau. Khi đô thị Phú Mỹ Hưng hình thành, hàng loạt khu đô thị mới khác cũng ra đời. Ở khu vực trung tâm, thành phố cho chỉnh trang, cải tạo các toà cao tầng dọc theo hai tuyến đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Thành phố cũng mạnh dạn cho đầu tư những công trình cao hàng chục tầng để tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm.
Việc hoàn thành tuyến đại lộ Đông Tây đã giúp bộ mặt giao thông thành phố thay đổi (Ảnh: Thanh Hảo)
Hình dáng TP.HCM trong tương lai đã được hoạch định, nhưng có dễ dàng thực hiện được?
- Những giải pháp chúng ta đưa ra để định hướng cho sự phát triển là vậy, tuy nhiên, kiểm soát thực hiện và kế hoạch phát triển như thế nào để bộ mặt đô thị ngày càng tốt hơn lại là cả một vấn đề lớn. Việc quản lý, kiểm tra năng lực của nhà đầu tư để điều phối lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính quyền từ quận/huyện đến thành phố. Bên cạnh đó, làm sao để có được sự phối hợp đa ngành, đồng bộ là câu hỏi không dễ trả lời. Hiện nay, mỗi sở, mỗi ngành đều có những thẩm quyền riêng, khiến cho việc điều hành, quản lý chung gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hơn 30 năm qua, dân số TP.HCM tăng gần gấp đôi, quy mô nền kinh tế tăng nhiều lần, đô thị được mở rộng nhưng bộ máy tổ chức quản lý không tăng lên bao nhiêu cả về quy mô lẫn năng lực, trình độ quản lý… Đó là những điều cần được quan tâm đầu tiên, đúng mức trong việc thực hiện quy hoạch.
Tùng Quang (thực hiện)
Phủ thêm không gian xanhTheo quy hoạch TP.HCM đến năm 2025, trong khu nội thành cũ sẽ khống chế dân số khoảng 4 – 4,5 triệu người. TP.HCM sẽ quy hoạch lại các ô phố, giải toả các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch và khu phố; di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Các vùng sinh thái như: rừng ngập mặn Cần Giờ 75.000ha; rừng phòng hộ; rừng đặc dụng Củ Chi 2.250ha; Bình Chánh 1.500ha sẽ được gìn giữ nghiêm ngặt. Tại các quận nội thành cũ, sẽ gìn giữ và cải tạo các khu công viên, hệ thống cây xanh hiện hữu có diện tích 200ha; tận dụng quỹ đất của các cảng, khu công nghiệp, nhà máy phải di dời để phát triển thêm diện tích công viên, cây xanh có diện tích 250ha. Thành phố sẽ bố trí trục cây xanh cảnh quan mặt nước kết hợp du lịch dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và Nhà Bè có diện tích khoảng 7.000ha; đầu tư và hình thành ba tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp có bề rộng từ 2.000 – 3.000m. |
- Hà Nội phân loại biệt thự cổ để bảo tồn
- Cần công khai thông tin để hạn chế rủi ro
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh
- Cầu vượt nhẹ tuy hiệu quả, vẫn cần giải pháp dài hơi
- Hồn phố thị trong lòng hẻm nhỏ
- Dennis Meadows: "Đã quá muộn để phát triển bền vững"
- Trao đổi với TS Hoàng Hữu Phê về nhà cao tầng và giao thông
- "Hà Nội cần phải tuân thủ đúng theo quy hoạch"
- TPHCM: Hoàn thiện hạ tầng, xóa điểm đen giao thông
- Phỏng vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường về sử dụng đất nông nghiệp