Sau khi Hà Nội đưa vào sử dụng hai cầu vượt nhẹ lắp ghép tại nút Láng Hạ và Tây Sơn, giao thông tại đây được cải thiện đáng kể. Hà Nội đã có chủ trương trong năm nay sẽ hoàn thành thêm ba cầu vượt khác.
Trong khi đó, TP.HCM cũng sẽ xây dựng hai cầu vượt nhẹ tại nút Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức vào tháng sáu này. PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm bộ môn Đường bộ đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cần ngay những giải pháp như vậy (xây cầu vượt nhẹ). Bởi giải pháp này rất hữu hiệu, dù chỉ là giải pháp trước mắt, giải quyết ách tắc giao thông cục bộ.
Mô hình bố trí cầu vượt nút giao Thủ Đức.
Qua mười ngày Hà Nội thông xe hai cầu vượt nhẹ, ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực tế của nó trong việc giảm ùn tắc giao thông?
- Thực tế giao thông tại hai nút có cầu vượt đã thông thoáng hơn, đặc biệt dòng phương tiện đi thẳng lưu thông rất thuận lợi. Nhờ đó các dòng rẽ cũng giảm tải hơn.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cục bộ nên nó không giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, có thể sang năm lại tắc như cũ. Song nó có tác dụng cải thiện tình trạng ùn tắc trước mắt, hỗ trợ để thực hiện các công trình dài hơi, đừng vì nó mà “ách tắc” các công trình dài hơi.
Ông có thể nói rõ những ưu điểm của giải pháp xây cầu vượt nhẹ đối với giao thông nội đô?
- Ưu điểm lớn nhất là vốn ít và thi công nhanh. Xin so sánh: hơn 10 năm trước, ở Hà Nội làm được ba cầu vượt hiện đại bằng bêtông là ngã tư Sở, ngã tư Vọng và Phạm Văn Đồng. Nhưng tính mỗi cầu từ khi lập dự án đến khi thông xe phải mất 5 – 7 năm, vốn rất lớn và toàn vốn đi vay. Chẳng hạn cầu vượt ngã tư Sở làm nhanh cũng mất bốn năm. Đó là chưa kể, làm cố định (dù không phải là vĩnh cửu) như cầu ngã tư Sở, tới đây khi làm đường vành đai trên cao, sẽ gặp khó khăn, tốn kém để xử lý nút này. Nay với cầu vượt nhẹ, một năm có thể làm được chục cái, từ khi lập dự án đến thông xe chỉ khoảng bốn tháng, thậm chí lắp ghép thì chỉ trong mấy đêm là xong. Sau này cần thiết tháo đi thì chỉ trong một hai đêm là tháo xong.
Đặc biệt, với đặc điểm trong nội đô, để làm cầu đường thường phải giải phóng mặt bằng, rồi thi công thì phải rào chắn, lôcốt lại mọc lên, càng tắc. Cho nên, giải pháp xây cầu vượt nhẹ rất nên khuyến khích. Không nên câu nệ, thấy cái gì làm ngay được, đỡ tốn kém thì nên làm, chứ cứ bàn mãi, chờ một giải pháp mười năm nữa mới phát huy tác dụng thì không nên. Giải pháp này ngay các nước phát triển hơn ta cũng đang làm.
Chí Hiếu (thực hiện)
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân
- Diện tích căn hộ nên để thị trường quyết định
- Hà Nội phân loại biệt thự cổ để bảo tồn
- Cần công khai thông tin để hạn chế rủi ro
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh
- Hồn phố thị trong lòng hẻm nhỏ
- Triển vọng của công tác quy hoạch đô thị TPHCM
- Dennis Meadows: "Đã quá muộn để phát triển bền vững"
- Trao đổi với TS Hoàng Hữu Phê về nhà cao tầng và giao thông
- "Hà Nội cần phải tuân thủ đúng theo quy hoạch"