Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Hồn phố thị trong lòng hẻm nhỏ

Hồn phố thị trong lòng hẻm nhỏ

Viết email In

Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân là đồng chủ biên cuốn Văn hoá hẻm phố Sài Gòn – TP.HCM (xuất bản năm 2007), tập hợp những cứ liệu minh chứng cho sức sống của Sài Gòn – TP.HCM ở những góc khuất đằng sau mặt đường náo nhiệt tưng bừng hàng quán. Chính những góc khuất này giữ gìn hơi thở cho Sài Gòn – TP.HCM, cõi sống của những phận người gắn chặt với đất này. Dưới đây là những chia sẻ của tác giả Quỳnh Trân với Sài Gòn Tiếp Thị.

Thưa bà, những giá trị đặc biệt của hẻm Sài Gòn là gì? 

TS Tôn Nữ Quỳnh Trân (ảnh bên): - Trước hết, về mặt lịch sử, nó là dấu ấn của đô thị không được quy hoạch với giao thông từ các đường lớn với nhau. Vì không có quy hoạch nên mới có hẻm. Theo nhà văn Sơn Nam, xưa kia những con hẻm được dành cho người đi bộ và xe ngựa chở hàng theo các con đường làng quanh co. Xét trong cái động và tĩnh của một đô thị thì hẻm chính là thành phố tĩnh, đó là nơi con người ẩn mình, sống cho riêng mình và nếu có làm việc, thì chủ yếu cũng dành cho một cộng đồng nhỏ chung quanh. Khi người ta sống trong hẻm, người ta mở cửa nhiều hơn, hẻm càng đẹp, người ta càng mở cửa (ngoại trừ một số hẻm công chức, nhà đối mặt nhà, đóng cửa là chính). Hẻm lớn có cả đường cho xe hơi, có những cửa hiệu, tiệm may, hàng quán xôn xao, còn hẻm nhỏ thì chẻ nhiều nhánh, ngoằn ngoèo, có nơi ẩm thấp chật chội… Và đặc biệt, hẻm là nơi cư trú của phần lớn người nhập cư, vì vậy mà rất nhiều bản sắc văn hoá ở đây được chia sẻ. Cho nên chúng tôi rất muốn khẳng định sự sống của hẻm Sài Gòn và mong rằng nó sẽ không bao giờ mất đi cùng những giá trị nhân văn của Sài Gòn – TP.HCM.

Tuy nhiên, bà cũng từng phàn nàn về quy hoạch kiến trúc bất hợp lý cũng như sự bừa bộn của những con hẻm. Vậy theo bà, nên giữ gìn những giá trị nào cho không gian sống đa dạng này mà vẫn không mất đi tinh thần nhân văn của nó?

- Ở thành phố có một số hẻm được xem như là mẫu mực như hẻm số 2 Nguyễn Thành Ý (quận 1). Đây là con hẻm có cây xanh, có khoảng sân cho trẻ và người dân ở đây sống rất sạch sẽ. Theo tôi biết hầu hết các gia đình ở đây đã trải qua đến bốn thế hệ. Các người con được sinh ra từ hẻm này đã lớn, đã đi khắp phương trời nhưng vẫn quay về đây cư ngụ. Đó là sự bền vững của gia đình được xây đắp từ một con hẻm nhỏ. Cư dân ở đây tự tin về sự an toàn của mình, họ mở cửa suốt ngày mà chẳng lo trộm cướp hay tệ nạn… Và tôi cũng biết có nhiều con hẻm chật chội, nhếch nhác, xây cất lấn chiếm, cứ nhà xây sau lại lấn ra đường chung một chút, cuối cùng thành con hẻm không thẳng được, đi vào cứ cong cong, nghiêng nghiêng. Rồi cuộc sống phát triển, mỗi ngày thêm vài cuốn sách, mỗi năm cưới thêm dâu rể, thêm trẻ con, cần phải có thêm phòng ở, xây thêm tầng… tất cả đều cần quy hoạch. Nhưng tôi nghĩ chỉ nên nới rộng các con hẻm chật chội, nhếch nhác. Còn lại không nên phá vỡ không gian sống chung của cộng đồng. Và chúng tôi đã đưa ý kiến này trong công trình của mình như sau: “Trong xóm nghèo là cả một thế giới sinh động về đời sống cộng đồng phố thị. Tổ chức lại không gian sinh hoạt cộng đồng hẻm trên cơ sở những cái có sẵn là một giải pháp tiết kiệm và không quá khó khăn để thực hiện nếu như nhà quy hoạch, nhà kiến trúc dành sự trân trọng đúng mực của mình đối với những giá trị sống cộng đồng, ký ức sống của những con người ở hẻm phố”. Để giải quyết không gian sống tốt cho những con hẻm này, không thể không quy hoạch lại. Phải thuyết phục dân bằng điều kiện sống thực tế. Tôi nghĩ không ai từ chối được sống xanh, sống sạch, sống lành cả. Và đó là một không gian sống lý tưởng cho thành phố tĩnh nơi đô thị.


Hẻm số 2 Nguyễn Thành Ý (quận 1)
(Ảnh: Phan Quang)

Vậy người dân ở hẻm nên giữ gìn những giá trị nào cho thành phố tĩnh ấy?

- Trước tiên là tôi rất ủng hộ phong trào làm cổng cho hẻm. Mỗi nhà nên có một ít cây xanh. Ở hẻm cần nhường nhịn nhau. Và tất nhiên việc xây dựng trái phép như xây quá cao so với quy hoạch, xây lấn chiếm là vi phạm pháp luật, cư dân cần tẩy chay. Dù vậy, với tôi quan trọng hơn cả là cung cách ứng xử chan hoà của cộng đồng cư dân hẻm. Cô bán quán càphê đầu hẻm có thể mua vài tờ báo cho mấy chú uống càphê coi chung, có khi mấy chú mua báo, coi xong để lại cho người uống sau xem. Hay nhà có đám thì cả hẻm xúm vào. Ký ức của những người con đi xa quê thì hẻm là tuổi thơ thần tiên của họ. Rồi có nhà nuôi chim treo đầy trong hẻm mỗi sáng sớm cho nó hót cả xóm nghe. Sống ở hẻm an toàn, thanh bình và điều quý nhất là còn giữ được nét đẹp xưa kia của văn hoá làng quê Việt như ông bà thường nói “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thậm chí trong không gian chung ấy, họ còn chung tay sắp xếp lại con hẻm của mình.

Trong quá trình nghiên cứu và đi sâu vào đời sống con hẻm Sài Gòn, có khi nào bà cảm nhận về sự mất mát hay chợt nghĩ “nếu lỡ Sài Gòn không còn hẻm”?

- Không bao giờ mất hẻm cả, tôi xin chắc chắn như vậy. Thứ nhất vì đó đã thành nếp sống đặc trưng của đô thị này (khác hẳn với những đô thị mới): người ta dùng nhà mặt phố chỉ để kinh doanh, làm chợ, chủ yếu là trưng bày sự hoành tráng của bộ mặt đô thị. Còn chính hẻm phố mới là nơi người dân sống thực sự. Tất nhiên gần đây, ở những khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, người ta không còn có hẻm mà quy hoạch thành đường số. Nhưng tôi vẫn dự cảm những con đường số ấy sẽ dần dần hình thành lối sống hẻm với những cộng đồng dân cư chia sẻ các giá trị sống cho nhau. Như vậy là một dạng tiếp biến của thành phố tĩnh mà thôi.

Ngân Hà (thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2200 khách Trực tuyến

Quảng cáo