Chỗ nào có đường phố là có hẻm. Từ điển nói hẻm là đường nhỏ dẫn vào khu xóm và không có tên (hình như khái niệm này cũ rồi). Từ đầu tới cuối hẻm thường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo, khó đi. Nếu hẻm lớn, rộng thì được trân trọng gọi, hoặc tự hào xưng là hẻm xe hơi (loại hẻm này, nghe nói, có cả cột đèn xanh đỏ nữa kìa).
Cũng có loại hẻm cụt, đi một hồi sẽ đụng tường đụng vách, phải quay trở ra. Loại hẻm này ít, hiếm, ở trong đó đỡ lo kẻ gian, nhưng sợ có biến thì coi như hết đường thoát hiểm.
Thường đã là hẻm thì phải thông ra hai, ba con đường lớn (có tên), bên trong tẻ ra hàng chục nhánh. Nhánh lớn vừa hai chiếc xe máy nhường nhau, chiếc trước, chiếc sau, vừa lách né vừa cười, vừa nhăn tùy hoàn cảnh. Nhánh nhỏ chỉ đủ cho một chiếc lọt qua thôi, lỡ đối đầu thì một bên phải thối lui. Hẻm chật như vậy nên nhà này, dù muốn hay không, vẫn tha hồ nhìn thấu, nghe rõ chuyện nhà trước mặt, nhà hai bên trái phải, nhà phía đằng sau. Bữa trưa, bữa tối nhà hàng xóm nấu món gì, từ thịt nướng, cá khô chiên tới cà ri, mắm kho mình đều hửi thấu, thơm lừng lựng cho tới ngán thì thôi.
Hẻm, nhưng nhà lầu ba bốn tầng cũng nhiều lắm, xây kiểu cọ, sơn màu nọ kia, cửa kính trong veo treo rèm hai lớp, nhìn rất sang giàu. Có nhà làm hàng rào, trồng bông giấy, bông trang leo nở chùm chùm mát mắt, rồi xác hoa rơi rụng lốm đốm trên lối đi cũng lãng mạn lắm. Có nhà đóng cửa im ỉm, chẳng sợ hàng xóm chê khinh người. Có nhà mở toang cửa suốt ngày, con nít nhà khác chạy vô chơi cũng được.
Ở trong hẻm, hàng xóm hỏi, hôm nay không đi làm hả, không đi học hả là câu cửa miệng, mở cửa ra gặp mặt là hỏi. Hàng xóm cũng sẽ rất tự nhiên thắc mắc, sao bữa nay mình ra chợ tới hai lần, mình đi siêu thị hoài à nghen, mình mặc đồ đẹp ra đầu hẻm đón xe đi chơi, đi đám cưới phải không? Có khách hỏi tìm nhà ai là luôn có mấy người tốt bụng réo gọi giùm, rất tận tình tích cực.
Hẻm mà. Trước cửa nhà là đường đi chung, ở tuốt dưới bếp cũng nghe rõ rao bán vé số mấy, con gì, xe máy chạy qua lại ì xèo từ sáng tới tối, có tật dị ứng tiếng ồn cũng phải ráng chịu thôi. Nếu không được ai nấy báo trước sẽ đến nhà, thì sẽ thường xuyên bị sốc tâm lý vì không ngừng nhìn thấy cái cảnh hết xe này tới xe khác cứ phăm phăm chạy thẳng vô cửa nhà mình. Ngay cả khi dựng rạp, đề bảng nhà có sự cố, xin mời đi hướng khác cũng khó mà ngăn được xe qua.
Hẻm là vậy. Hàng xóm mở quán cà phê, quán bán đồ ăn sáng, ăn xế, ăn khuya, ăn vặt lai rai, thì trước cửa nhà mình đương nhiên trở thành “không gian quán” để bày hàng, đặt bếp lò, kê bàn ghế. Bà con làng xóm rỉ rả xúm vô ngồi kề cà lê la mải miết, nói chuyện um sùm, mình sẽ nghe đủ thứ chuyện, nghe luôn cả đống tiếng chửi thề cố ý, nói tục vô tư. Khi hàng xóm bán hàng ăn uống có cái lợi là họ dậy sớm, thức khuya giúp nhà nhà phần nào yên tâm ngủ ngáy, nhưng kèm theo cái hại là ruồi bu, chuột chạy, gián bay tăng lên gấp mấy lần, ào ào xông vào nhà mình, chẳng thèm phân biệt sạch dơ.
Ở hoài trong hẻm, thấm thía câu nói ông bà hồi xưa đã dạy “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Đi đâu cứ gửi nhà, nhờ hàng xóm để mắt giùm, có gì bấm điện thoại báo cho chủ nhà ngay và luôn, mọi người lưu số của nhau đủ hết. Còn vụ chìa khóa cửa thì ăn thua mình dám hay không mà thôi. Mình dám gửi thì có nhà dám nhận giữ giùm cho coi.
Có bữa kia, hàng xóm có gây thù chuốc oán gì đó. Nghe gia chủ than rằng tụi đó hăm he sẽ tới phá banh nhà, đánh tan xác, sợ quá bèn nhắn thằng con đừng về chơi cuối tuần. Lỡ nó nhìn lầm người, thì mất công mình bị “uýnh” oan chết cha, bỏ mẹ.
Lưu Thị Lương
(TBKTSG)
- Bức tranh cảng biển Việt Nam sau hai thập kỷ quy hoạch
- Những mô hình thu hút FDI tiên phong tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Cấm xe máy, nhưng phải thực tế
- Thước đo “văn minh”
- Dừng trả quyền lợi đối ứng BT: Nguy cơ tắc dự án hạ tầng
- Những cao ốc chọc trời có phải là biểu tượng Sài Gòn?
- Con người và đô thị thông minh
- Để Cần Thơ phát triển gắn kết với cả vùng ĐBSCL
- Đường sắt đô thị: Điển hình về tình trạng đội vốn
- Hà Nội xây dựng thành phố thông minh: Chồng chất các vấn đề đô thị