Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Xin đừng “bóp cổ” đất và nước

Xin đừng “bóp cổ” đất và nước

Viết email In

Đến nay, bài học môi trường và xã hội từ các dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau, cống đập Ba Lai, thoát lũ ra biển Tây, âu thuyền Tắc Thủ... vẫn chưa được xem xét đánh giá thấu đáo thì liệu dự án đắp đập ngăn sông Cái Lớn - Cái Bé mà ngành thủy lợi dự kiến làm sẽ hủy hoại hệ sinh thái thiên nhiên và nhân văn vùng Tây sông Hậu đến đâu?  

“Thuận thiên” chính là đây!

Những ai đã từng học và nghiên cứu về nông nghiệp đều biết mối quan hệ giữa ba thành tố đất - nước - cây trồng. Đây là mối quan hệ rất chặt chẽ, tương tác lẫn nhau, có thể chịu ảnh hưởng bởi sự can thiệp con người như quá trình sửa soạn đất, kiểm soát tưới tiêu và thay đổi loại cây trồng. 

Ngoài ra, còn hai yếu tố tự nhiên rất quan trọng khác không thể thiếu trong canh tác, nằm ngoài sự khống chế chủ quan của con người, đó là không khí và ánh sáng mặt trời. Còn sự hiện diện của vi sinh vật liên quan đến quá trình chuyển biến lý - hóa - sinh học trong đất, lại là yếu tố vừa mang tính tự nhiên vừa có sự tác động của con người. 


Mối quan hệ giữa ba thành tố đất - nước - cây trồng là mối quan hệ rất chặt chẽ, tương tác lẫn nhau.
(Ảnh: Lê Hoàng Vũ) 

Đất canh tác có chứa các hạt khoáng, các chất dinh dưỡng, các loại vi sinh vật và nước trong đất tạo nên độ ẩm cho lớp thổ nhưỡng hòa tan dưỡng chất theo bộ rễ mang lên cho cây trồng sống và phát triển. Các vi sinh hiện diện trong đất rất phong phú, bao gồm các quần thể vi khuẩn, xạ khuẩn, virus, vi nấm, tảo, nguyên sinh động vật, tuyến trùng, giun đất, động vật chân đốt... Chúng hiện diện khá đa dạng, hầu hết là những vi sinh vật hiếu khí, ở độ sâu 10-20 cen ti mét từ mặt đất. Vùng châu thổ sông Cửu Long nhờ có hai mùa mưa nắng phân biệt, mỗi ngày có nhiều đợt triều lên xuống, nông dân biết cách “cày sâu, cuốc bẩm” trước khi gieo trồng, nên đất đai được điều hòa nước và khí giúp sinh vật hiếu khí trong đất hoạt động mạnh. 

Hầu hết sông rạch vùng châu thổ đều ăn thông ra biển, cả biển phía Đông và phía Tây. Với gần 700 ki lô mét vùng ven biển, cả một vùng đất rộng lớn trên ba triệu héc ta đất canh tác được “tắm và thở” hằng ngày theo nhịp bán nhật triều không đều biển Đông với biên độ rất lớn, phía biển Tây lại theo chế độ nhật triều không đều. Nhờ đặc điểm thủy văn vùng cửa sông chịu ảnh hưởng thủy triều, vùng châu thổ Cửu Long có ba vùng sinh thái lớn: vùng nước ngọt đầu nguồn, vùng nước lợ ở giữa và vùng mặn ven biển. Mỗi vùng có những sắc thái thực vật, sản vật và đặc điểm canh tác, sinh kế, kể cả văn hóa đa dạng khác nhau. Các dòng sông mang nặng phù sa đổ ra biển tạo nên lớp áo giáp bảo vệ vùng ven bờ và bồi đắp về phần mũi Cà Mau. Rừng cây ngập mặn và ngập lợ có nhiệm vụ giữ đất nâng nền theo một trật tự lâm sinh: “mắm trước, đước sau, bần theo sát, sau hàng Dừa nước, mái nhà ai...”. Người dân bao đời này vẫn mãi mong “chảy đi sông ơi...”.

Chính đặc điểm chảy của dòng sông đã tạo nên ba sự kết nối quan trọng cho sự tồn sinh của vùng sông nước: kết nối giữa dòng sông và biển cả, kết nối giữa thượng nguồn và hạ nguồn và kết nối giữa con nước và con người sống - canh tác trên đất. Các vị lão nông tri điền vùng châu thổ hơn ba trăm năm nay đã biết lợi dụng “con nước lớn - con nước ròng” để tự động đưa nước - tháo nước ra vào các cánh đồng trồng lúa, trồng màu, trồng cây ăn trái, nuôi cá, nuôi tôm cua... Nhờ có thủy triều, nước được hòa tan nhiều oxy hơn, đất và cây trồng được nhiều dưỡng khí sẽ phát triển tốt hơn. Thủy triều còn tham gia quá trình cải tạo đồng ruộng, tháo chua, rửa mặn. Cũng nhờ thủy triều mà chúng ta có những sản vật phong phú, ngon lành, bổ dưỡng và giá cả vô cùng rẻ từ bao đời nay. Rất dễ dàng khám phá ra là ở các làng mạc ven sông, nơi nào có tác động dòng thủy triều trên sông dao động mạnh là nơi đó sung túc, giàu có như một “quy tắc phong thủy”. Dòng sông cũng tạo nên hình hài, văn hóa cho con người, tạo nên một “văn minh sông nước”. Con người ngày xưa biết nương vào thiên nhiên để sống và thiên nhiên cũng miệt mài, âm thầm tạo nguồn sống cung cấp cho con người. “Thuận thiên” chính là đây! 

Và rồi, những dự án “nghịch thiên”...

Việc đưa công trình làm đảo lộn quy luật của tạo hóa có thể tạo ra một số lợi nhuận nào đó, mang tính ngắn hạn nhưng về dài hạn, cái hại về môi trường, sinh thái, xã hội ngày càng lớn. 

Đáng tiếc thay, hàng chục năm gần đây, với tư duy đẩy mạnh sản xuất lương thực, chủ yếu là lúa, không coi nước mặn cũng là tài nguyên nên đã hình thành nhiều dự án “nghịch thiên” như “đắp đập chặn dòng”, “ngăn mặn giữ ngọt”. Hàng ngàn tỉ đồng đổ ra để làm các công trình bê tông như cống, đập, kè cọc nhằm chặn dòng sông ngay trước cửa biển. Việc ngăn sông dẫn đến cấm chợ theo một nghĩa rộng nào đó. Các dòng sông bị đóng kín sau mùa mưa để giữ lại nước ngọt khiến thủy triều từ biển không vào nội đồng được: nhiều mảng cây rừng ven biển bị suy kiệt mà chết dần, sạt lở ven biển gia tăng. Còn phía trong đồng thì dòng sông biến thành các hồ chứa, nước bị cầm tù khiến nhanh chóng bị ô nhiễm, hôi thối. Lục bình và nhiều loại tảo lục phát triển, ghe tàu đi lại rất khó khăn, chậm chạp và tốn kém. Nhiều nơi nông dân buộc phải dùng thuốc độc hóa học để tiêu diệt lục bình khiến ô nhiễm sông rạch thêm trầm trọng. Các loại cây quen sống ở vùng nước lợ, điển hình như cây dừa nước, sẽ nhanh chóng bị vàng lá, hư hại và chết do hệ sinh thái nước lợ biến thành nước ngọt nên loài sâu ăn lá dừa nước phát triển. Nước cầm tù dâng cao, thấm bão hòa vào các lớp đất mặt khiến các loại cây trồng khó phát triển, các loại cây ăn trái có bộ rễ sâu hơn 20-30 cen ti mét dần dần bị vàng lá, thối gốc, thối rễ mà chết.

Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng tỏ, khi lớp đất mặt ngập nhiều ngày, hàm lượng oxy khuếch tán vào nước giảm vài ngàn đến hơn 10 ngàn lần so với điều kiện tiếp xúc với không khí, hiện tượng yếm khí toàn phần sẽ xảy ra. Khi đó, các tác nhân như nitrogen dioxide, các hợp chất mangan, sắt, carbon dioxit, ammoniac, hydro sunfua, metan, acetylene, ethanol, các sản phẩm biến dưỡng của vi sinh vật,... gia tăng, gây tổn thương vùng rễ, làm nhiễm độc cho cây trồng. Rất nhiều các hợp chất hữu cơ hòa tan ở khu đất bị ngập nước là các độc tố đối với thực vật. Một số loại độc tố được hình thành từ việc phân hủy yếm khí cellulose và lignin. Các hoạt động biến dưỡng của vi sinh vật sẽ dẫn đến việc tích tụ axít acetic và axít butyric và đặc biệt quá trình biến dưỡng yếm khí sẽ làm tích tụ ethanol, các hợp chất này cùng với các độc tố cho thực vật như sắt và mangan ở dạng khử, hydro surfua và các sulfide hòa tan tạo nên một môi trường bất lợi cho sự phát triển của các thực vật. 

Trong điều kiện bị ngập nước, khí khẩu trong lá cây đóng làm giảm sự bốc thoát hơi nước, thay đổi sự phân bổ các sản phẩm quang hợp dẫn đến hiện tượng “đói carbohydrate” ở rễ, khi đó dinh dưỡng và các chất điều hòa sinh trưởng bị giảm do vận chuyển từ rễ đến lá kém đi. Đất bị ngập nước thường xuyên, nếu các loài thực vật ở đó không có các mô dẫn khí ở hệ thống rễ để tăng khả năng khuếch tán oxy vào vùng đất, sẽ khiến “đất bị ngộp thở” (giải thích theo nông dân), gây tổn thương và thối rữa bộ rễ nhanh chóng. Muốn giảm thiệt hại, người nông dân phải chấp nhận bơm thoát nước liên tục, khiến chi phí đầu tư cao vì phải dùng nhiều năng lượng như điện, xăng dầu để chạy máy bơm. Chính điều này, về lâu dài, đã làm nhiều nông dân bị buộc phải chặt bỏ hàng ngàn héc ta vườn cây ăn trái, chuyển sang trồng tràm, nhưng tràm cũng chậm lớn.

Đừng “bóp cổ” mạch sống thiên nhiên

Nhiều bài học thực tế cho thấy, từ ngàn đời nay, thiên nhiên đã vốn tạo cho sông nước, đất đai, cây trồng, con người những mối ràng buộc hài hòa và quan hệ có tính hữu cơ. Việc đưa công trình làm đảo lộn quy luật của tạo hóa có thể tạo ra một số lợi nhuận nào đó, mang tính ngắn hạn nhưng về dài hạn, cái hại về môi trường, sinh thái, xã hội ngày càng lớn và dần dần vượt cao hơn cái lợi, khi đó kinh tế nông nghiệp cũng dần dần xuống dốc.

Việc cải tạo hệ sinh thái để hoàn nguyên không hề dễ dàng cho những dự án “gây hối tiếc” khi đang tâm “bóp cổ” mạch sống thiên nhiên là nguồn tài nguyên nước và đất. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt, từ bao đời nay, coi đất và nước như là những thực thể sống, bao giờ cũng kết gắn “đất nước quê hương” là có căn nguyên như vậy.

Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ 

(TBKTSG) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo