Sở Giao thông Vận tải vừa trình UBND TPHCM đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM”. Theo đó, một lần nữa đề xuất hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy trong các quận nội thành, kể từ năm 2030.
Trước đây, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần xây dựng phương án giải quyết kẹt xe tương tự nhưng đã “vấp” phải phản ứng từ dư luận, cho là hạ tầng giao thông bất cập, giao thông công cộng chưa đáp ứng, nếu cấm xe máy thì người dân sẽ không biết đi bằng gì khi chưa có phương tiện thay thế.
(Ảnh: Anh Quân)
Về lý thuyết, việc cấm xe máy sẽ giúp giảm lượng xe lưu thông trên đường, nhưng cơ sở lý thuyết này chỉ có thể áp dụng tốt nếu không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và người dân có sự lựa chọn khác. Hiện xe buýt là phương tiện chính vận chuyển hành khách công cộng tại thành phố nhưng chưa có sự kết nối đồng bộ, chưa có làn đường riêng hay làn đường ưu tiên và đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, hàng loạt tuyến đường trên cao được quy hoạch từ nhiều năm qua vẫn gần như bất động. Về metro, chỉ tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là đang thi công, các tuyến khác vẫn còn loay hoay với các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, hiện rất thiếu bãi đậu xe nên nhiều người muốn gửi xe cá nhân để đi xe buýt cũng gặp trở ngại. Việc chậm làm các tuyến đường vành đai khiến người dân đi từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc và ngược lại đều phải đi xuyên qua nội thành, tất xảy ra kẹt xe. Chưa kể việc hạn chế đi lại, hạn chế vận chuyển, lưu thông sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ, khi ấy mọi tổn hao chi phí người dân phải gánh chịu, người nghèo sẽ ngày một nghèo hơn.
Nhiều thành phố lớn ở Anh, Pháp, Ý, Thụy Điển, hay đảo quốc Singapore, người ta áp dụng giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông, cấm hoàn toàn xe gắn máy nhưng họ có cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh và hiện đại, phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu, mật độ dân cư được phân bố đều hơn. Và để làm được điều đó, chính quyền các nước này đã lên kế hoạch từ hàng chục năm để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xe buýt tiện nghi và kết nối thuận lợi…
Còn ở khu vực trung tâm TPHCM hiện nay, hàng loạt tuyến đường trục chính bị bủa vây bởi nhà cao tầng, lượng cầu tăng đột biến và xung đột gay gắt với quỹ đất nghèo nàn dành cho giao thông. Theo tiêu chuẩn nhằm đảm bảo cho TPHCM không bị kẹt xe thì mỗi ki lô mét vuông đất đô thị phải có ít nhất 10 ki lô mét đường, nhưng hiện chỉ có 1,98 ki lô mét đường/ki lô mét vuông đất đô thị, tức chưa tới 20%.
Theo tôi, trước khi nghĩ đến việc cấm hoàn toàn xe máy, hãy tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tiện nghi và hiện đại. Chẳng hạn hãy tập trung hoàn thành các tuyến metro đã quy hoạch nhằm phục vụ vận chuyển khối lượng lớn hành khách. Hệ thống xe buýt cần được phân bố rộng khắp với làn đường riêng hoặc làn đường ưu tiên để rút ngắn thời gian đi lại, thu hút đông người sử dụng. Nhanh chóng làm các tuyến đường vành đai, đường trên cao theo quy hoạch đã được duyệt. Cần đầu tư bãi giữ xe ở gần các bến, trạm đón, trạm dừng để hành khách có thể gửi phương tiện cá nhân (ô tô lẫn xe máy) và đi xe buýt hoặc metro, kết hợp đi bộ trong bán kính gần để tới những nơi cần đến.
Đây là cách làm thiết thực, vừa tăng diện tích đường cho xe chạy, vừa tạo cơ hội cho người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.
Ngoài ra, còn phải chú ý giảm mật độ nhà cao tầng trong trung tâm và những nơi có nguy cơ ùn tắc giao thông; quy hoạch, sắp xếp nơi sinh sống và làm việc cho người dân sao cho phù hợp với việc đi lại.
Trần Văn Tường
(TBKTSG)
- Nhà rông lớn nhất Tây Nguyên và công thức bí truyền của các "kiến trúc sư" mù chữ
- Xin cảm ơn thành phố có công viên
- Xin đừng “bóp cổ” đất và nước
- Bức tranh cảng biển Việt Nam sau hai thập kỷ quy hoạch
- Những mô hình thu hút FDI tiên phong tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Thước đo “văn minh”
- Dừng trả quyền lợi đối ứng BT: Nguy cơ tắc dự án hạ tầng
- Nhà trong hẻm
- Những cao ốc chọc trời có phải là biểu tượng Sài Gòn?
- Con người và đô thị thông minh