Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Những cao ốc chọc trời có phải là biểu tượng Sài Gòn?

Những cao ốc chọc trời có phải là biểu tượng Sài Gòn?

Viết email In

Cao độ các tòa nhà đang trở thành một tiêu chí quyết định trong cuộc đua biểu tượng của thành phố, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên nhận định trong sách "Sài Gòn: Những biểu tượng".

Sách "Sài Gòn: Những biểu tượng" (Phanbook và NXB Văn hóa - Văn nghệ) không chìm lấp vào vòng xoáy hằng hà sa số cuốn sách về Sài Gòn trên kệ nhiều năm qua. 

Đây không phải cuốn sách được viết bởi những con người trẻ trung tươi mới, với chữ "tươi" là từ khóa, trong việc sống và cảm nhận Sài Gòn. 

Nhóm tác giả là những con người ở mọi lứa tuổi, có những tác giả đã gần 80 và thành danh trong nghề viết mấy chục năm, có cả những tác giả chưa đến 30 tuổi. Nhưng tất cả đều có một lớp ký ức rất dày với Sài Gòn, dày hơn cả những gì năm tháng có thể đo đếm. Có người từ tuổi thơ, có người dành tặng Sài Gòn cả tuổi trẻ để rồi rời xa. Có người là cả cuộc đời.


Sách "Sài Gòn: Những biểu tượng", trên nền công trình lên bìa sách, Nhà thờ Đức Bà. (Ảnh: Phanbook) 

Khi ký ức là nỗi đau

Bởi vậy, biểu tượng về Sài Gòn trong lòng mỗi người, đúng như ý đồ của cuốn sách, là khác nhau. 

Có biểu tượng gắn với nơi chốn (một hẻm cà phê nhỏ, một hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng, những "địa đạo" phòng trà của đêm Sài Gòn phong lưu xưa, phi trường Tân Sơn Nhất...), có biểu tượng gắn với con người, đồ vật hoặc loài vật (chiếc lá xanh non đậu trên vai mẹ, con chim múa bên ngoài quán cà phê ở Ngô Thời Nhiệm, chiếc mũ dính nước mắt của mẹ bị cướp giật trong ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn). 

Các bài viết ghi dấu những con người đi qua đời nhau, gặp nhau hoặc xa nhau giữa Sài Gòn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn vậy. Nhưng khi ký ức đọng lại trong một cuốn sách, ta hiểu điều đó đặc biệt hơn.

Và như vậy, độc giả sẽ ngạc nhiên khi nhận ra một thành phố với chỉ hơn 3 thế kỷ lịch sử mà khiến người ta yêu thương đến vậy, để lại trong lòng người nhiều ký ức đến vậy. Đó là món quà với Sài Gòn, và cũng có thể là nỗi đau của thành phố. 

Vì đây là một thành phố quá năng động, năng động nhất đất nước này, những ký ức sau cứ đè lên ký ức trước. Và đôi khi, khiến người ta quá dễ lãng quên. Tầng tầng lớp lớp lãng quên. Đó là nỗi đau của những người yêu Sài Gòn như những người đã viết nên cuốn sách này. 

Như nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên ghi nhận, chừng 20 năm trước, tòa nhà 33 tầng trên đường Tôn Đức Thắng và tòa nhà Saigon Center "vươn thẳng ngạo nghễ ngay giữa trung tâm thành phố như những cơ thể thanh xuân tràn căng sinh lực của Đổi Mới".

Nhưng chỉ trong chớp mắt, đời người quả thực quá ngắn, 20 năm trôi qua và chúng nhận ra mình chỉ còn thuộc dạng trung bình trong cơn lốc cao ốc và nhà chọc trời nhằm thay đổi diện mạo thành phố, hậu WTO. 


Tòa nhà cao nhất Việt Nam lúc bình minh. (Ảnh: Hoàng Hà) 

Cao ốc mọc lên, căn tính mờ đi?

"Biểu tượng kiến trúc được đo bằng chiều cao nhưng thiếu nền tảng lịch sử nên tự thân nó khoác vào một giai điệu phù hư trong bản diễn xướng phù hư của bối cảnh"

-Nguyễn Vĩnh Nguyên

Và hiện nay chúng ta có Bitexco và Landmark 81. Một biểu tượng Sài Gòn đã được nhiều năm, một biểu tượng mới đang nhăm nhe soán ngôi. Cả hai đều đã và đang giữ danh hiệu "cao nhất TP.HCM", "cao nhất Việt Nam". 

Nếu nhìn vào lịch sử, những người đang háo hức chụp ảnh với background tòa nhà, ngước lên chóng mặt để nhìn thấy đỉnh, của ngày hôm nay, rồi sẽ hiểu rằng tòa nhà Tôn Đức Thắng, Saigon Center, Bitexco hay thậm chí Landmark 81 cũng chỉ là những biểu tượng có chiều dài hạn chế trong ký ức thị dân.

"Cuộc đua định vị điểm nhấn thành phố đang diễn ra trên không trung ráo riết chừng nào, thì bên dưới, sự nhấn chìm, đưa vào quên lãng những công trình nhuốm màu lịch sử cũng khốc liệt chừng ấy", Nguyễn Vĩnh Nguyên viết.

Lật lại dòng thời gian, chúng ta có mỗi năm một hai bận, người ta lại tranh luận nảy lửa về việc bỏ hay giữ một công trình Sài Gòn cũ, để nhường chỗ, thường là cho một cao ốc mọc lên. Một đại dự án nào đó xứng danh gương mặt đại diện cho sự phát triển kinh tế - sứ mệnh mà tất cả những công trình trước đó đã nhận lấy.

Đằng sau mỗi cuộc tranh luận là một lần mất mát, không chỉ với công trình đó, mà còn vì một nơi lưu giữ ký ức lại bị tước đi, trong sự thờ ơ của những thế hệ thị dân mới. Rồi những người hoài cổ lại loay hoay không biết làm gì với trí nhớ của mình. Càng nhớ càng đau.

Chúng ta đang mất dần những cánh chim mà không biết? 


Những chú chim nhỏ quanh Nhà thờ Đức Bà. (Ảnh: Liêu Lãm) 

Những tác giả khác trong cuốn sách như góp thêm câu chuyện có thật về sự "đứt gãy" trong cuộc kiếm tìm căn tính thị dân mà nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên nhận định.

Những ghi nhận dễ chịu của nhà thơ Trần Lê Sơn Ý trong một buổi cà phê ở đường Ngô Thời Nhiệm cho người đọc hiểu rằng, đôi khi không cần những tòa nhà hoành tráng, sự xuất hiện của những chú chim ríu ra ríu rít bên ngoài không gian sống và làm việc cũng xứng đáng là biểu tượng đúng nghĩa. Vì đất lành chim đậu. Chúng ta sẽ làm gì với một thành phố toàn nhôm kính, loài chim không biết hẹn nhau ở đâu? 

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý nhớ về một ngày bất thường, khi lũ chim kêu không dứt giữa những bức tường bốn bề sơn trắng. Còn lý do gì ngoài việc này: những cái cây đang dần ít đi. "Những chốn xanh ngắt đang bị thu gọn từ từ", Sơn Ý viết. Chúng ta đang mất dần những cánh chim mà không biết?

Nhà báo Bảo Uyên, tác giả trẻ nhất trong sách, kể về lần bối rối khi một cô bạn người Anh hỏi về Sài Gòn. Vì cô chợt nhận ra, Sài Gòn mà mình kể "rốt cuộc vẫn là kỷ niệm, không có hình bóng thực tại".

"Tôi không biết khuyên bạn làm gì ở Sài Gòn, vì bạn không đến đây để viếng thăm những trung tâm thương mại hay thưởng thức Starbucks, McDonald", Bảo Uyên viết.

Còn tác giả Hà Quan San kéo độc giả xuống là là mặt đất, về với một không gian khác: hẻm Sài Gòn. Những con hẻm của người dân lao động, những người hoặc bị lãng quên hoặc thực hiện vai trò mẫu ảnh không thù lao trong những bức ảnh lưu niệm về thành phố. 

"Hẻm thức dậy rất sớm, rầm rì cuộc mưu sinh, chuyện hàng xóm, thế thái nhân tình... đến quá nửa đêm, lúc tiếng rao dạo không còn, hẻm mới chập chờn vào giấc ngủ", những sống động cuộc đời đó đâu có thể diễn ra giữa một tòa nhà hiện đại, khi người sống cạnh nhau đôi khi chẳng biết về sự tồn tại của nhau.

Nhiều người hình dung, những biểu tượng Sài Gòn qua các giai đoạn rất nhanh chóng đi thẳng lên postcard, các mặt hàng lưu niệm và mô hình du lịch, vì trong đời thực, chúng sẽ sớm bị cô lập trong hệ sinh thái kiến trúc.

Đó là chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn... Bên cạnh Bitexco, Landmark 81 hay bất cứ công trình mới xây nào khác, chúng vẫn đang là những nơi lưu giữ ký ức của thế hệ thị dân mới, với vai trò làm background chụp ảnh lưu niệm - một công năng tối thượng trong thời đại mạng xã hội. 

  • Ảnh bên: Vai trò background chụp ảnh lưu niệm là công năng tối thượng của một công trình trong thời đại mạng xã hội. (Ảnh: FBNV) 

Cuốn sách Sài Gòn: Những biểu tượng là tập hợp những bài viết của hơn 20 tác giả nhiều thế hệ, bao gồm Du Tử Lê, Lưu Vĩ Lân, Nguyễn Tường Bách, Hà Vũ Trọng, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đức Hiệp, Phan Triều Hải, Phạm Công Luận, Khải Đơn, Trần Đức Tài, Nguyễn Quốc Việt, Hà Quan San, Nguyễn Đỗ Dũng, Nguyễn Cường, Trương Gia Hòa, Nam Thụ, Trần Lê Sơn Ý, Bảo Uyên, Nguyễn Vĩnh Nguyên...

Sách do Phanbook và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành tháng 7/2018. 

Mi Ly 

(Zing.vn) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo