Mục đích của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn là nhằm giữ lại những giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và làm “của để dành” cho mai sau.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đang thu thập, lấy ý kiến rộng rãi từ giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, người dân, báo chí... về quy hoạch du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp trên núi Bạch Mã, trong đó có việc xây dựng cáp treo lên đỉnh.
Đã và đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Phối cảnh khu du lịch, cáp treo trên núi Bạch Mã
Rừng Bạch Mã có những vị trí cao hơn 1000 m. Dọc đường đi lên khách sẽ quan sát được các loài chim thú, các loại phong lan, phong cảnh, từ đó mới giữ được khách lâu hơn. Đi cáp treo thì rút ngắn được thời gian nhưng ấn tượng đọng lại không nhiều. Ngồi trên đó chúng ta chỉ thấy rừng mà không khám phá được vẻ nguyên sơ xung quanh.
Dường như người ta đang quá lạm dụng cái gọi là xây dựng cáp treo đến mức thành phong trào. Từ chuyện giải quyết bài toán giao thông đô thị, cho đến ở những khu du lịch nghỉ dưỡng, mà không quan tâm lắm đến hiệu quả cũng như tác động môi trường của dự án?
Liên quan đến vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng viện quản lý rừng bền vững Việt Nam đặt vấn đề: “Du lịch sinh thái là một giải pháp để bảo tồn thiên một cách hiệu quả, để giáo dục về môi trường cho người dân. Tuy nhiên, đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã chưa thấy rõ điều đó… Hỏi chủ Vườn có kham nổi việc bảo tồn thiên nhiên, các loài vật theo nhiệm vụ của nhà nước giao hay không?
Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã Nguyễn Vũ Linh bày tỏ lo ngại: “Khu vực có lượng mưa hằng năm rất lớn, độ ẩm cao, nhiều sấm sét. Bên cạnh đó, công trình Hải Vọng Đài là nơi ngắm cảnh có thể tu bổ để phục vụ du khách nên cần xem lại việc có nên xây dựng nhà tổ chim ở khu vực đỉnh núi? Đối với cầu Pha Lê ở thác Đỗ Quyên cũng cần tính toán kỹ vì xây dựng sẽ can thiệp vào tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tầm nhìn. Dự án cáp treo lên đỉnh Bạch Mã đi qua khu vực thường có 3 đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện nên cân nhắc thận trọng”.
Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Quyết định 45 phê duyệt quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các tỉnh thành cần lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Khi có dự án phát triển được đầu tư tại các khu rừng tự nhiên, thông qua các quy hoạch này, các dự án sẽ được chọn lọc kỹ càng hơn, tránh làm tổn hại, mất mát đa dạng sinh học. Tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, bảo tồn đa dạng sinh học là hoạt động ưu tiên, vì vậy mọi hoạt động khác ở đây cần dựa trên ưu tiên này.
Thế nhưng, vẫn có hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng, núp bóng dưới tên “sinh thái”, đã và đang được xây dựng trong nhiều Khu bảo tồn, Vườn quốc gia cả nước. Đa số dự án đã bị nhiều nhà khoa học, chuyên gia, dư luận lên tiếng phản đối.
Các chuyên gia cho rằng, nếu phát triển du lịch ồ ạt trên đỉnh núi Bạch Mã mà không quản lý tốt, thì các thác nước bắt nguồn từ đỉnh Hải Vọng Đài sẽ đều bị ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ động thực vật trong khu vực. Đấy là chưa kể, khách du lịch đổ tới đây ngày càng ồ ạt.
Để biện minh cho dự án, người ta nói “nếu tôi phá đi 1 ha rừng thì sẽ trồng lại 1 ha rừng bù vào”. Có điều, người ta không biết rằng, 1 ha rừng ở Bạch Mã hiện nay đã phải trải qua cả trăm triệu năm, trong quá trình thích ứng với thiên nhiên mới có được. Nếu bây giờ phá đi mà trồng bạch đàn, xà cừ và các loài cây khác phổ biến mà cũng gọi là đền bù thì quả sai lầm.
Xa hơn một chút, có thể, những dự án kiểu này ban đầu thu lợi về rất lớn, rất hiệu quả nhưng sau bao lâu nữa, 5 năm, 10 năm, có còn gì ở lại không? Phải chăng, thế hệ này cần phải kiềm chế và chịu khó môt chút để các thế hệ sau còn chút gì đó gọi là di sản thiên nhiên của đất nước?
Mục đích của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn là nhằm giữ lại những giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và làm “của để dành” cho mai sau. Chính vì vậy, cần nói lại cho rõ: Hệ thống Vườn quốc gia, Khu bảo tồn được lập ra trước hết không phải phục vụ mục đích du lịch, nghỉ dưỡng.
Xin hãy để cho những cánh rừng nguyên sinh được ngủ yên!
Sông Hàn
(DĐDN)
- Nơi khởi nguồn cảm hứng đô thị
- Những ô cửa sổ
- Sài Gòn Phố không chỉ là kiến trúc
- Đường hỏng vì làm vô trách nhiệm!
- Chút dân sinh còn nợ
- Món nợ BT
- Công chức đi làm bằng xe buýt, vỉa hè trả lại cho người đi bộ
- Những dòng sông chết dần trong phố
- Nhà rông lớn nhất Tây Nguyên và công thức bí truyền của các "kiến trúc sư" mù chữ
- Xin cảm ơn thành phố có công viên