Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Chút dân sinh còn nợ

Chút dân sinh còn nợ

Viết email In

Nửa sau năm 2016, báo chí loan tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, theo đó, HĐND thành phố đã chấp thuận đầu tư dự án cầu Nguyễn Khoái nối quận 7 với khu trung tâm. Điểm đầu của dự án từ đường D1 khu dân cư Him Lam thuộc quận 7, điểm cuối nằm ở đường Bến Vân Đồn thuộc quận 4. 

Dự án có tổng mức đầu tư 1.250 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2017 và hoàn thành sau 18 tháng thi công. Sau khi hoàn thành, cầu này sẽ kết nối khu Nam Sài Gòn với khu trung tâm, tạo thêm một hướng đi nữa về khu trung tâm để giảm tải cho cầu Kênh Tẻ đang bị ùn tắc nghiêm trọng.  


Phối cảnh cầu Nguyễn Khoái
 (Nguồn: Sở GTVT TPHCM) 

Tin trên làm người dân quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè hết sức vui mừng, khi mà hầu như ai cũng “kinh qua” những vụ kẹt xe hàng ngày. Thời gian qua, các quận huyện này, nay bao gồm nhiều chung cư, khu đô thị mới, đã thu hút lượng người về khu Nam thành phố này sinh sống và làm việc rất đông, trong đó có làn sóng công nhân viên của những cơ sở đầu mối như khu chế xuất Tân thuận, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước... Hàng ngày, họ phải đi “quá giang” qua các cây cầu Nhị Thiên Đường, Chánh Hưng, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ, Tân Thuận, Kênh Tẻ. Tuy nhiên, hiện các cây cầu này với chiều ngang hẹp đều đã quá tải. 

Trước bức xúc của người dân về tình hình kẹt xe ở các cây cầu nối từ khu Nam sang khu trung tâm, Sở Giao thông Vận tải thừa nhận các cây cầu này chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, và đã có những kế hoạch, dự án được thông qua, thậm chí lên lịch khởi công và hoàn tất. Như cầu Kênh Tẻ 2, mà theo lịch là khởi công từ năm 2017 và hoàn thành 16 tháng sau, tính ra là vào lúc này. Trong niềm tin và hy vọng, người dân kiên nhẫn ngày ngày “lách từng bước” qua các vụ kẹt xe với sự mong mỏi đến đúng hẹn sẽ được “giải phóng” bởi những cây cầu “vị dân sinh” như cây cầu Kênh Tẻ 2. 

Thế nhưng, đến tháng 9 năm nay, tới hẹn có cầu mới, vẫn chẳng thấy cây cầu “cứu rỗi” đó đâu, ngoại trừ một cây cầu nhỏ ở cuối đường D1, cuối khu Him Lam, song cây cầu đó mới chỉ thi công được khoảng phân nửa. Thay vào đó là loan báo mở rộng cầu Kênh Tẻ hiện hữu mỗi bên 1 mét, bằng cách bóc dỡ lề đi bộ hai bên cầu. Thất vọng vì được thay thế cả một cây cầu Kênh Tẻ 2 bằng 2 mét mở rộng mặt cầu mà thôi, lại càng thất vọng khi thấy thay vì làm cho xong cây cầu cuối đường D1 ra đường Trần Xuân Soạn, rồi bắc cây cầu mới qua kênh Tẻ tới bến Vân Đồn, thì lại nghe tin khánh thành cây cầu D1 và con lộ nối đường D1 ra đại lộ Nguyễn Văn Linh! Mở thêm cầu và nối dài đường D1 cũng có cái hay là làm giảm căng thẳng khu vực các trường đại học ở đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, song vẫn chỉ là một không gian ùn ứ nhỏ so với không gian ùn tắc kinh niên là cầu Kênh Tẻ mà lẽ ra giờ này đã được thoát nạn, với tổng chi phí chỉ 1.250 tỉ đồng!

Mượn câu chuyện cây cầu lỡ hẹn trên không phải để “ân huệ” gì với quận 7, mà là do cả triệu dân 4 quận, huyện liên quan ra vào khu trung tâm thành phố qua hai cây cầu Kênh Tẻ và cầu Tân Thuận. Chừng đó người chỉ nhờ vào hai cây cầu quá tải e rằng bất cân đối nghiêm trọng nếu so với những dư thừa ở nơi khác! Đây là một vấn đề thuộc căn tính của một sự cầm quyền tốt (good governance) - một khái niệm xuất hiện trong các Báo cáo phát triển Việt Nam của Nhóm Ngân hàng Thế giới hàng năm như là một trong những điều kiện của sự phát triển bền vững.

Đã có không ít nghiên cứu về tính bất cân đối chuyên biệt này. Có thể mượn một nghiên cứu có tựa đề “Các công ty và chủ nghĩa ân huệ khu vực” đăng trên Keio University Working Paper Series Vol. 2017-16 October 2017, theo đó, “bất cứ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ sẽ vẫn còn đó, bằng cách giảm chi phí các hoạt động như giao thông vận tải, điện, nước sạch, và liên kết với các vùng khác...”.

Chăm lo dân sinh là chăm lo cho bá tánh. Và bá tánh chính là trăm họ, muôn dân. Nước không thể cứ chảy vào vùng trũng mãi được, mà phải chan hòa cho các vùng cao, vùng sâu, vùng xa để bớt mất cân đối, để xã hội được hài hòa, điều kiện cơ sở của tính bền vững. 

Thiên Di 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...