Sự tập trung quá nhiều nhà cao tầng ở khu vực nội đô được chỉ ra như là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Nhưng cũng có chuyên gia cho rằng, nếu tổ chức giao thông không tốt thì đường rộng vẫn tắc.
Trao đổi về vấn đề này, TS.KTS Hoàng Hữu Phê (ảnh bên) - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Tư vấn, đầu tư xây dựng ứng dụng công nghệ mới VINACONEX R&D cho biết:
- Có quan niệm cho rằng các nhà cao tầng sau thời gian ngắn sẽ biến thành những ổ chuột cao tầng, còn quan điểm của tôi là khác hẳn. Quan điểm của VINACONEX thì những cái thuận lợi của nhà cao tầng có thể nhìn thấy rất là rõ, và có thể đo được, trong khi những cái chống lại việc xây dựng nhà cao tầng chủ yếu chỉ là nhận thức, là những suy nghĩ thôi. Nếu nói về nhà cao tầng làm ùn tắc giao thông thì ở Hong Kong sẽ không thể đi được bước nào, thực tế ở Hong Kong, Singapore không hề tắc đường dù đó là TP của các tòa nhà cao tầng. Không thể quy cho nhà cao tầng làm tắc nghẽn giao thông.
Hong Kong, New York, Singapore… là những TP phát triển trên thế giới với những tòa nhà chọc trời. Trong cuốn “Thắng lợi huy hoàng của những thành phố” của một giáo sư trường ĐH Harvard đã đưa ra ba ví dụ rất hay. Singapore thì mọi thứ ổn thỏa, nhà rất cao và rất đẹp. New York còn mang hơi hướng của một đế chế chủ yếu là nhà cao tầng. Nhưng Bom Bay, họ học theo lối của người Anh nên họ rất hạn chế về chiều cao. Gần đây mới bắt đầu xây những nhà khoảng 40 tầng, còn trước đó họ xây nhà rất thấp tầng. Ba ví dụ này nói lên rất nhiều điều. Tương lai phát triển của các đô thị đang rất sáng sủa. Nhất là ở châu Á, khả năng đô thị hóa còn rất lớn, vì hiện nay mức độ đô thị mới khoảng 42%, còn ở Mỹ và các nước châu Âu thì mức độ đô thị khoảng 75%.
Thưa ông, tỷ lệ đất giao thông có phải là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc giao thông ở các TP lớn ở Việt Nam hiện nay, khi mà đường nội đô thì quá nhỏ, đường vành đai chưa xây xong, thì các KĐTM đã mọc dày đặc?
- Khi nói đến tác động của đô thị đến giao thông, người ta thường nghiêng về vấn đề sử dụng đất chứ không phải là mức tiếp cận. Chúng tôi đã làm việc với công ty hàng đầu của Italia về giao thông. Họ đã chỉ ra rằng mật độ không phải là thứ chịu trách nhiệm, là nguyên nhân gây tắc nghẽn, vì nhiều TP rất hiệu quả và giao thông rất tốt. Muốn có giao thông tốt thì phải dựa vào giao thông công cộng. Tức là khi thiết kế phải chú ý đến giao thông công cộng chứ không phải chỉ chăm chăm đến vấn đề sử dụng đất. Trên thế giới họ đã đưa ra rất nhiều mô hình mới, và diện tích giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) rất là lớn.
Theo ông, có nên xây dựng các tòa nhà cao tầng hay phát triển dàn trải đô thị?
- Việc xây dựng nhà cao tầng rất hiệu quả, cạnh tranh. Thực tế TP có nhà cao tầng có sự phát thải cacbon thấp hơn là những TP dàn trải, như ở Australia chẳng hạn. Những cái mà người ta không thích là vì không có đủ tài chính, cảm giác của người ta rằng nhà cao tầng sẽ gây hại với môi trường, giao thông, thực ra không hẳn như vậy.
Trước đây, giao thông là quan trọng nhất, nhưng hiện nay toàn cầu hóa thì các đô thị cạnh tranh nhau về tiện nghi và ngành kinh tế dựa vào kiến thức. Hà Nội mở rộng năm 2008 và trở thành TP lớn thứ 17 trên thế giới. Hà Nội đang bước lên cái thang càng ngày càng cao trong việc cạnh tranh và phát triển bền vững. Khi mở rộng, Hà Nội đã để riêng khu phố cổ để phát triển, trong khi những nhà cao tầng có thể để phát triển ra ngoài.
Được biết, trước đây ông từng tham gia thực hiện một chương trình giao thông với Thụy Điển. Nếu ứng dụng chương trình này có thể giải quyết được phần nào giao thông của Hà Nội, vốn đang rất hỗn loạn không, thưa ông?
- Đó là một chương trình giao thông rất lớn, trị giá mấy chục triệu USD mà tôi đã tham gia làm cùng SIDA (Thụy Điển) vào năm 1993, nhưng đáng buồn là nó không được sử dụng ở Việt Nam. Nó là một nghiên cứu chẩn đoán các khiếm khuyết về giao thông để đưa ra quy hoạch tốt hơn.
Có thể nói đây là một công trình mô phỏng lớn nhất về giao thông ở Việt Nam. Khi thực hiện chương trình này, tôi từng vẽ 84 phường, gần 900 tổ ở các quận nội thành Hà Nội lúc đó để dựng một ma trận với chương trình mô phỏng rất lớn về điểm đi và điểm đến. Giao thông là một mạng lưới, nếu ta tác động vào một chỗ thì nó sẽ tác động đến những chỗ xung quanh. Qua chương trình này, ta có thể kiểm soát được giao thông Hà Nội. Khi đó, tôi cùng Trường ĐH Giao thông đã phỏng vấn 7.500 hộ gia đình để lập ra mô hình đó nhưng lại không thấy dùng. Tôi cảm thấy rất là ngạc nhiên. Tôi mong muốn làm sao đề nghị SIDA và Sở GTVT Hà Nội ứng dụng nó, ít nhất là sử dụng một khu vực cục bộ.
Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Tại Hội nghị "Nhà cao tầng Việt Nam 2012" (Tall Buildings Vietnam 2012) tổ chức mới đây ở Hà Nội, các đơn vị hàng đầu thế giới về tư vấn thiết kế như Foster + Partners, VinaCapital Group, Dwp Design Worldwide Partnership, các công ty thiết kế xây dựng trong nước: Vinaconex, VinaProjects Việt Nam, các đơn vị cung cấp vật liệu, thiết bị chiếu sáng là Philips Electronics Việt Nam …đã tham gia thảo luận và trình bày những nội dung quan trọng có liên quan đến những dự án nhà cao tầng đã và đang được triển khai tại Việt Nam. Trong đó, chú trọng giới thiệu các dự án mang tính biểu tượng như Hà Nội Keangnam Landmark Tower, Vietinbank Tower, Vietcombank Tower, Đông Dương Plaza, Trung tâm thương mại Lotte Hà Nội…. Và một điển hình trong số các dự án cao tầng được giới thiệu tại hội nghị là dự án Vietinbank Tower, được thiết kế bởi liên danh công ty Foster + Partners và Vinaconex với diện tích sàn 300.000m2, bao gồm 2 khối nhà có độ cao 48 tầng và 68 tầng tại Khu đô thị mới Ciputra quận Tây Hồ, Hà Nội. Tham dự Hội nghị với tư cách là một trong những đơn vị hàng đầu của ngành xây dựng Việt Nam đã và đang đầu tư, xây dựng nhiều dự án nhà cao tầng tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước, thay mặt Tổng công ty CP Vinaconex, TS. KTS Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Vinaconex R&D - đã trình bày trước hội nghị bài tham luận với những nghiên cứu và luận điểm thể hiện rõ sự tổng kết và tiếp thu kinh nghiệm từ sự phát triển đô thị, nhà cao tầng tại các nước trên thế giới và những ứng dụng có chọn lọc của Vinaconex tại Việt Nam. TS Hoàng Hữu Phê cho biết Vinaconex đã thành lập Nhóm phụ trách thiết kế nhà cao tầng riêng và khẳng định Nhóm sẵn sàng đón chào các nhà thiết kế trong và ngoài nước cùng tham gia./. |
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh
- Cầu vượt nhẹ tuy hiệu quả, vẫn cần giải pháp dài hơi
- Hồn phố thị trong lòng hẻm nhỏ
- Triển vọng của công tác quy hoạch đô thị TPHCM
- Dennis Meadows: "Đã quá muộn để phát triển bền vững"
- "Hà Nội cần phải tuân thủ đúng theo quy hoạch"
- TPHCM: Hoàn thiện hạ tầng, xóa điểm đen giao thông
- Phỏng vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường về sử dụng đất nông nghiệp
- Quy trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Không thực sự cần thiết
- Giải quyết cách nào với tranh chấp ở chung cư?