Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Giờ giới nghiêm của đất

Giờ giới nghiêm của đất

Viết email In

Cùng với nước, đất là một trong hai thành tố quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và xã hội nông nghiệp. Theo quan niệm ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, đất thuộc hành thổ, một trong năm vật chất cấu thành thế giới.

Ở tiếng Việt, đấtnước kết hợp với nhau nhằm chỉ quốc gia, bờ cõi, lãnh thổ... Từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đất gắn liền hàng loạt phong tục, tập quán trong xã hội, trong văn hóa truyền thống, như tục cúng Thần Đất, Thần Nông; thờ Thổ công, Thổ địa... Dân gian vẫn lưu truyền nhiều nghi lễ liên quan đến đất như lễ tịch điền, lễ động thổ, tục xông nhà...


(ảnh minh hoạ: Ashui.com)

Theo quan niệm Nho giáo, Thiên - Địa - Nhân (tam tài) là ba mối quan hệ rường cột, trong đó đất đóng ở vị trí trung tâm. Đất là địa bàn cư trú, sinh sống, hoạt động của muôn loài.

Xưa kia, Thần Đất cũng được gọi là Địa Mẫu (Mẹ Đất) tượng trưng cho phái nữ bởi có khả năng sản sinh ra của cải vật chất. Đến chế độ phụ quyền, hình tượng Mẹ Đất bị Ông Địa dần soán ngôi, nhưng bộ dạng của Ông Địa vẫn bảo lưu cái bụng bự tượng trưng cho khả năng sinh sản.

Rồi Ông Địa cùng với Thần Tài như một cặp bè trùng cùng quản lý một vùng đất hay một ngôi nhà. Thần Tài là sản phẩm của xã hội thương nghiệp khi nhiều người cần tới một vị thần cai quản hoạt động tài chính. Còn nói theo quan niệm ngũ hành tương sinh thì “thổ sinh kim”, nên Thần Tài phái sinh từ Thần Đất.

Suốt một năm làm việc vất vả, đất giúp cây cối sinh trưởng, mùa màng bội thu, nên đất cũng mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi. Từ mùa cũ sang mùa mới, từ năm cũ sang năm mới chính là khoảng thời gian đất nghỉ. Đối với các dân tộc du canh du cư, việc chuyển từ vùng đất này sang vùng đất khác canh tác hay cư trú cũng nhằm đảm bảo cho đất nghỉ ngơi và màu mỡ trở lại.

Cuối năm, trong khoảng thời gian đất nghỉ ngơi để “tái tạo sức lao động”, người xưa tránh mọi hoạt động làm đất thức giấc, từ đốn cây, chặt củi, phá rừng cho đến động thổ... Những tục kiêng cữ được thực thi nghiêm ngặt từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày đầu năm mới. Đến nỗi vào đêm trừ tịch, coi như khoảng thời gian tuyệt mật, nhất cử nhất động đều gắn liền với sự kiêng khem. Nhà nào có người không hợp tuổi với năm mới thì người đó không được phép ra ngoài quá giờ giao thừa, vì sợ khi trở về nhà vào đầu năm mới sẽ làm kinh động đến Thần Đất và mở màn cho một năm xui xẻo!

Kiêng cữ, lo sợ là vậy nhưng số vụ lúa cứ tăng lên. Cùng với đó là chất lượng nông sản giảm và đất đai thì không được nghỉ, thậm chí còn phải lãnh nhận quá nhiều phân hóa học và suy kiệt. Tình trạng khai thác triệt để tài nguyên đất trong bao nhiêu năm qua đã dạy cho chúng ta bài học về lòng biết ơn đối với đất: nếu để cho đất bị biến đổi chất, thậm chí sa mạc hóa thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuộc sống nói chung.

Gần đây có xu hướng chạy theo nông nghiệp công nghệ cao thay vì nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nền nông nghiệp Việt Nam cần tạo ra sản phẩm chất lượng cao chứ không chỉ nhằm thể hiện phương thức sản xuất cao.

Lấy ví dụ hạt gạo Việt Nam đã cho năng suất rất cao suốt nhiều năm qua. Nhưng nếu số lượng mà đi đôi với chất lượng thì đây chính là niềm tự hào của đất nước. Tuy nhiên, chất lượng gạo Việt trượt dài xuống tận tốp dưới của những loại gạo kém chất lượng.

Trong quá khứ, Việt Nam đã từng có những giống gạo, loại gạo vang bóng một thời như Tám thơm miền Bắc, Nàng thơm miền Nam, gạo dé miền Trung. Nhưng theo thời gian, những loại gạo này chỉ còn lại cái tên để nhắc nhớ về dĩ vãng. Như vậy, công nghệ cao hay thấp chưa quá quan trọng trong lúc này mà quan trọng là chúng ta sản xuất ra loại gạo có chất lượng như thế nào. Không nên nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và phương thức sản xuất.

Nước ta vốn là một nước nông nghiệp, đi kèm với phương thức sản xuất là văn hóa nông nghiệp. Tục thờ cúng Thần Đất rất phổ biến trong cộng đồng. Thế nhưng một mặt, con người thường xuyên dâng cúng nhiều lễ vật, bày tỏ sự kính trọng Thần Đất, mặt khác lại đối xử thô bạo, bất hiếu với đất. Trong thực tế chưa thấy có dấu hiệu suy giảm hay hành động thiết thực nhằm bảo vệ, gìn giữ đất. Tình trạng đất nông nghiệp bạc màu, đất ven biển nhiễm mặn, đất đồi núi xói lở, đất đô thị lún sâu... là những dấu hiệu cho thấy sự nguy kịch đã gần kề.

Tết đánh dấu chu kỳ mới của một năm. Theo tâm lý, người Việt thích nói những điều tốt đẹp vào dịp năm mới. Có lẽ một trong những “điều tốt đẹp” cần được đặc biệt quan tâm kể từ đầu năm nay là chúng ta cần từ bỏ những hành động vô tri đối với đất, cần xây dựng lộ trình cho đất nghỉ ngơi thông qua các quy tắc ứng xử của con người đối với đất.

Lê Hải Đăng

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo