1. Gió đông đã rải những chiếc lá cuối xuống gốc cây gạo, để lại khung cành khô in trên nền trời. Chỉ ít hôm nữa hoa đỏ sẽ bật ra từ cành nâu sẫm này, thắp lên những đốm lửa. Hình như tôi tới hơi sớm, so với mùa hoa, nhưng hình như tôi cũng đã tới hơi trễ, so với ký ức.
Năm trước, kể cho người bạn Sài Gòn về quê mình, tôi hùng hồn rằng, cánh đồng Bắc bộ nào chẳng có những bóng gạo ngạo nghễ. Vậy mà sau một ngày ròng rã đi tìm hàng cây gạo trong bức ảnh “mộc miên trong sương”, chúng tôi gần như vô vọng. Những hàng cây gạo dọc quốc lộ 1 từ Hà Nội về Hà Nam tôi vẫn gặp thời sinh viên nay bay biến đâu rồi? Con đường cao tốc xẻ dọc những làng quê yên ả, đốn đi những gốc cây uy nghi, hay chính người dân tự mình chặt cây, lấp ao, bán đất mà xóa đi vẻ đẹp quê kiểng ngàn đời?
Ôi, cây gạo, nhớ lại biết bao mùa đông giá của tuổi thơ, tôi thường nhìn vào gốc gạo mà chờ đợi. (Ảnh: Trương Thúy Hằng)
Dọc đường “săn” hoa gạo, tôi chứng kiến cuộc thay đổi của miền quê khi đô thị hóa đến chóng mặt. Những xóm làng “quê thật là quê” đâu không thấy, mỏi mắt lắm mới tìm ra một mái ngói, gốc rơm. Cuối cùng, may thay, tôi đã gặp cây gạo ấy, nó đứng bơ vơ bên bờ đê, ngay lối vào chùa Bà Đanh. “Thần cây đa, ma cây gạo”, người xưa nói thế và thường dựng am thờ ngay gốc cây. Gốc cây này không có gì bên dưới, nó đứng một mình, cô độc. Tôi gặp “nó” khi bỏ quốc lộ 21, len lỏi vào những con đường quê vùng núi đá Thi Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam).
Ôi, cây gạo, nhớ lại biết bao mùa đông giá của tuổi thơ, tôi thường nhìn vào gốc gạo mà chờ đợi. Tôi chờ gì? Không chỉ là chờ mưa phùn xuống, chờ nắng ấm lên, chờ xuân về; mà những cành khô ấy còn là nơi tôi lưu gửi niềm tin vào cuộc đời, chúng dường như nói với tôi, rằng trên đời vẫn còn ai đó không rời bỏ tôi, cứ đứng đó gác, tạc vào trời đông giá một lời thề: tôi chưa chết đâu, đợi đấy, qua xuân là biết!
Cây gạo cô đơn ngay bờ sông Đáy, chỉ một đoạn nữa men sông là tới những bậc đá xanh dẫn lên chùa Bà Đanh. Xa hơn nữa, từ bến Phù Vân nhà tôi, nếu cứ theo thuyền mà ngược dòng 7 cây số, cũng sẽ tới nơi này. Chẳng hiểu sao, mỗi khi nghe câu thơ Gió sớm thu về rờn rợn nước sông của Hữu Loan, tôi hay nghĩ tới bến sông này. “Vắng như chùa Bà Đanh”, mà vắng thì rờn rợn, ấy cũng là một cặp.
2. Chùa Bà Đanh thuộc thôn Đanh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, kê mình cạnh ngọn núi Ngọc, gối lên con đê sông Đáy. “Vắng như chùa Bà Đanh”, vì thời xưa người bên này sông muốn đi chùa, phải vượt sông bằng đò ngang; vì đường đi lối lại nơi này xưa kia nổi tiếng hiểm nguy, heo hút. Cách bến đò ngang vài trăm mét là ngọn núi Cấm um tùm cây cối.
Ngày đó, người thời trước nói, vùng núi này vừa có cọp, vừa có cướp, nên dân trong vùng gọi núi Cấm để cảnh báo những kẻ liều mạng vượt núi, vượt ngàn. Núi Cấm sau này bớt hoang vu, vì người ta khám phá ra Ngũ Động Thi Sơn và địa phương Hà Nam bắt đầu khai thác du lịch. Chùa Bà Đanh cũng “ăn theo” trong chuỗi điểm đến tham quan, và người cả nước dần dà biết mặt mũi ngôi chùa này.
“Vắng như chùa Bà Đanh”, câu thành ngữ ấy ngày nay không còn đúng lắm. Cây cầu treo Cấm Sơn xinh xinh được dựng lên, phá tan thế ngăn sông của chùa. Bây giờ, khi lối đi tiện lợi thì những gì nguyên bản, cổ kính của một ngôi chùa tuổi thơ tôi cũng không còn. Vườn nhà chùa um tùm, nhưng nhìn thì biết mới trồng gần đây, chứ không phải vườn nhãn thời chúng tôi leo trèo, ngủ trên đó.
Chùa Bà Đanh được trùng tu, chỉnh sửa khá nhiều lần. Cánh cửa gỗ vẫn gài theo lối xưa, vẫn kêu ken két, nhưng không còn thấy dấu thời gian lưu trên đó. (Ảnh: Trương Thúy Hằng)
Chùa Bà Đanh được trùng tu, chỉnh sửa khá nhiều lần, năm 1994 được công nhận di tích quốc gia và năm 2010 được sửa chữa lớn. Cánh cửa gỗ vẫn gài theo lối xưa, vẫn kêu ken két, nhưng không còn thấy dấu thời gian lưu trên đó.
Có nhiều giai thoại về sự linh thiêng của chùa Bà Đanh. Nhưng nhìn chung, đều xoay quanh sự tích một nữ thần trừng phạt người vô lễ. Người ta tới đây khấn vái, thờ phụng vì tin rằng bà giúp người trong vùng sung túc no ấm. Nhìn kiến trúc chùa giống mọi ngôi chùa cổ miền Bắc.
Ngoài các ban thờ Phật, còn thờ Tứ Pháp (tức Thần mây, Thần mưa, Thần sét, Thần gió), những vị thần thân thiết với nhà nông. Lướt qua những cây cột chạm khắc công phu, tôi như bước qua một vùng tiếc nuối. Mọi ngôi chùa khi trùng tu đều trở nên lộng lẫy, mất đi nét cổ xưa, giản dị quý báu. May thay, những dãy nhà bên trong và khu thờ cúng vẫn giữ nét trầm mặc của chùa thuở nào.
Từ sân chùa Bà Đanh có thể phóng mắt xuống bến sông, nhìn ra xa vòng cung núi đá kéo dài sang dãy núi chùa Hương của Hà Tây, những khung cảnh kỳ thú được người ta gọi là vịnh Hạ Long trên cạn. “Con nhìn kìa, những mỏm núi sắp lớp, nhưng đều nghiêng về một hướng, đó là 99 con voi quỳ phục, hướng đầu về vùng đất Phật”, câu chuyện cha tôi kể dọc đường đi chùa Hương năm tôi 12 tuổi như còn văng vẳng dọc rặng nhãn già.
Ơn trời, 99 con voi nghiêng đầu về chùa Hương chưa bị san phẳng hết trong cơn khát khai thác đá. Vùng núi quê tôi hồi đó hùng vĩ và thơ mộng với bao nhiêu khe nước, động đá, cùng những cái tên Dốc Cổng Trời, Núi Voi, Hang Luồn, Ao Rong... giờ gần như đã biến mất. Cách chùa Bà Đanh không xa, tiếng mìn phá đá rung chuyển suốt ngày đêm, bụi phủ mờ mịt nhà cửa các hộ dân quanh vùng, cả vùng núi đá tai mèo xưa giờ bằng phẳng sau cơn bình địa dài hai chục năm. Cùng với những ngọn núi biến mất, điểm tham quan nổi tiếng thời tôi còn nhỏ là Đài Hoa Sen giờ cũng cổng đóng then cài. Kỹ thuật số, cáp quang... những thuật ngữ quen thuộc thời 4.0 đã khai tử chiếc chảo bắt sóng vệ tinh khổng lồ.
Anh Đinh Thành, một trong vài nhân viên cuối cùng trông coi Đài Hoa Sen buồn bã kể, chiếc chảo nổi tiếng ngày xưa nay được ngành bưu điện cẩu về Hà Nội, đặt ở một góc sân để làm kỷ niệm. Không còn công ăn việc làm, anh cũng chuyển công tác, dù từng mơ ước có tiền mua lại một khu đất để làm điểm homestay nho nhỏ, vì hy vọng ngọn núi Đài Hoa Sen sẽ tồn tại. Anh nghĩ, anh có thể đón khách nghỉ lại khi tham quan khu du lịch sinh thái Tam Chúc - một điểm du lịch có vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng, thuộc hàng lớn nhất ở miền Bắc.
3. Khu du lịch sinh thái Tam Chúc cách chùa Bà Đanh chừng một cây số, là quần thể núi non, sông nước kỳ vĩ. Ngó lên phía Tây là 99 ngọn núi voi, trông giống một đàn voi phủ phục, đồng loạt chầu đức Phật ở chùa Hương. Ngó xuống là bao la núi rừng, một đầm nước trong vắt mênh mông chia đôi, một nửa là hồ sen hồng rực rỡ, nửa kia là những hòn non bộ thiên nhiên khổng lồ.
Nghe nói chính ông đại gia dựng lên chùa Bái Đính tiếp tục xây khu du lịch này, với tham vọng tạo tam giác du lịch tâm linh sinh thái Bái Đính - Tam Chúc - Chùa Hương. Tôi không quan tâm ông đại gia là ai, nhưng khi gửi xe cho người bảo vệ để vào sân đình Tam Chúc, tôi được bác giữ xe kể lại một câu chuyện bảng lảng tình phu thê: “Cô ạ, cái chùa giữa đầm này chưa đẹp lắm đâu. Bên kia, dựa lưng vào núi, có ngôi chùa đặt pho tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á ấy. Mà cô biết, ở mái chùa trong cùng, cao nhất ấy, thờ ai không? Là ông đại gia đưa người vợ mới mất về đó thờ cúng. Bữa rước bà ấy về, xe cộ tắc nghẽn đường quê. Đáng lẽ giờ khu du lịch phải xong rồi. Nhưng từ khi bà vợ mất, ông ấy chẳng thiết làm gì nữa, thành ra mới cầm chừng thế này”.
Công trình dở dang từ mái chùa tới sân đình, nhưng hoa đã vàng trên cỏ xanh, lau sậy vấn vít ngoài bãi, vừa nhân tạo vừa hoang dã, tạo nên vẻ đẹp được dân du lịch gọi là “nơi sống ảo đẹp nhất vịnh Bắc bộ”. Qua cây cầu vốn có trong hình của nhiều tay “sống ảo”, tôi gặp một nhóm phụ nữ đang học chèo thuyền để chở khách du lịch. Mô hình giống kiểu bến thuyền chùa Hương hay Bích Động. Kể ra, ông đại gia mở đường, phá núi xây chùa cũng có công tạo ra công ăn việc làm cho người địa phương.
Xưa, Lỗ Tấn từng nói: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”. Xưa, chùa do tín ngưỡng dân gian mà lớn dần, từ chùa nhỏ trùng tu, sửa chữa dần thành chùa to. Nay, kể ra mà nói, chùa to cỡ Bái Đính hay Tam Chúc lại có trước, có từ không gì cả, rồi người ta tới khói nhang, nguyện cầu, nhiều người gửi ước nguyện, từ từ rồi chùa được tiếng linh thiêng. Bởi chẳng phải chính niềm tin tôn giáo tạo nên tâm lý vững vàng, giúp con người ta vượt khó, và đấy chính là cội rễ khởi phát điều may đấy thôi.
Giống như đường thời nay được trải nhựa, làm thành đại lộ, cao tốc trước; rồi đường tiến tới đâu, người xe nhà cửa và đô thị lan theo tới đó. Hào hứng đón nhận sự mới mẻ, hiện đại, miễn đừng phá vỡ cảnh quan tổng thể. Miễn đừng theo kiểu làm kinh tế mà triệt hạ môi trường của mấy mỏ đá, mấy nhà máy xi măng kia là mừng.
Bạn Sài Gòn của tôi vừa selfie vừa mơ màng nói, một ngày sớm, rất sớm thôi, các nhà làm phim, các tay máy Hollywood sẽ sớm tìm ra vùng núi này, khu chùa và dòng sông Đáy này để làm nên những thước phim kiểu như KingKong ở Ninh Bình hồi nọ, rồi cảnh đẹp sẽ khiến thế giới phải tò mò kéo đến. Câu chuyện yêu vợ, thờ vợ bằng ngôi chùa lớn của ông đại gia, nếu mỗi người gửi xe đều nghe, biết đâu sẽ tạo nên màu sắc huyền bí như chuyện nhà vua xây lăng đá cẩm thạch Taj Mahal bên xứ Ấn?
Nhưng mà, tôi thiểu não, ai lại bứng từ đâu về trồng những hàng cây sạch sẽ và hiện đại thế này. Gieo trồng vài hàng hoa gạo đi, để tháng Ba, hoa rụng cho bà già miền núi biết đường mà cất chăn. Để tôi mỗi năm một mùa về Bắc đi chùa, còn thấy những hàng mộc miên trong sương giá, để khi xa mà nhớ những gió lạnh rờn rợn nước sông, mà đủ sức hùn nhau làm điều gì đó giúp ngừng tiếng mìn phá đá, giúp vùng quê nghèo bớt bụi...
Để đẹp, để chỉ đẹp mà thôi.
Hồng Phương
(TBKTSG)
- Cuộc đại di cư của những cư dân thuỷ diện
- Trật tự nên trở thành một thuộc tính của văn hóa
- Nơm nớp lo sợ sống trong chung cư sắp sập
- Đầu tư hạ tầng ở ĐBSCL nhìn từ việc kẹt xe dịp Tết
- Khơi nguồn sống xanh
- Phát triển công trình xanh: Bằng cách nào?
- Giờ giới nghiêm của đất
- Giao thông Hà Nội hỗn loạn những ngày giáp Tết
- PPP với biệt thự cổ: tại sao không?
- Đà Nẵng: Hành động hướng đến đô thị xanh