Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Trật tự nên trở thành một thuộc tính của văn hóa

Trật tự nên trở thành một thuộc tính của văn hóa

Viết email In

Sáng 19/2/2019 tại giao lộ Nguyễn Văn Thương (D1 cũ) và Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã xảy ra ùn ứ nghiêm trọng, kéo dài nhiều giờ, mà lý do chính là do tín hiệu giao thông trục trặc, người đi đường không giữ được trật tự, mạnh ai nấy đi.

Đây không phải vụ việc hy hữu, phần nhiều các vụ kẹt xe/tắc đường tại Việt Nam là do mất trật tự, thiếu kiên nhẫn, thiếu nhường nhịn, chứ không hoàn toàn do quá thiếu đường đi hoặc do tai nạn. Tại các nơi có đường sắt ngang qua là một ví dụ, khi chắn đường hạ xuống, lập tức làn xe trái, phải, lấn chiếm lòng đường của nhau, sau đó là kẹt xe. Nếu chịu khó giữ trật tự và nối hàng nhau, thì khi tàu qua, chỉ mất vài phút là thông thoáng.

Mà không chỉ có giao thông, ngày nay việc mất trật tự cũng là nguồn cơn chính làm cho các lễ hội vốn tốt đẹp cả trăm năm, ngàn năm bị biến tướng.


Ùn ứ tại giao lộ Nguyễn Văn Thương (D1 cũ) và Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, hướng từ quận Bình Thạnh ra quận 2. (Ảnh: Lê Phan/báo Tuổi trẻ)

Ở hàng loạt các lễ hội đã diễn ra những cảnh chen lấn, xô đẩy, ùn ứ đến ngộp thở, mà nguyên nhân không chỉ là quá đông người, mà còn do ai cũng muốn chen lên phía trước để được gần nhất với thánh thần, để “tranh cướp” được “lộc” của lễ hội. Hoặc như mới đây tại Hội Phết lâu đời ở Hiền Quan (Phú Thọ) cũng phải dừng việc cướp phết bất ngờ do không đảm bảo được trật tự.

Theo thống kê thì đến năm 2018 Việt Nam vẫn còn có gần 8.000 lễ hội, trung bình mỗi ngày có hơn 20 cái, trong đó hơn 88,3% là các lễ hội dân gian. Các địa bàn có nhiều lễ hội nhất là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ… Nhìn ở kinh phí và việc dồn nhân lực tổ chức thì đây có lẽ là một gánh nặng quá lớn, nhưng nếu nhìn ở tín lý và tín ngưỡng, thì điều này cho thấy sức mạnh nội tại của nền văn hóa Việt Nam nói chung.

Nếu khảo sát các lễ hội dân gian thì sẽ thấy rất nhiều lễ hội là sản phẩm nội sinh từ quá trình đi tìm nền độc lập, xây dựng đất nước, tạo lập văn minh và khẳng định bản sắc riêng. Việt Nam chưa phải là nước phát triển và giàu có, nhưng chắc gì khi tách bỏ hết các lễ hội sẽ phát triển và giàu có hơn.

Chỉ cần so sánh các tỉnh có nhiều lễ hội và ít lễ hội sẽ thấy điều này, đa số các tỉnh ít lễ hội chưa chắc giàu có hơn. Vấn đề còn lại là làm sao để các lễ hội thanh thoát và thiêng liêng nhất có thể. Rất tiếc là do mất trật tự mà các cụm từ đáng buồn như “hỗn loạn lễ hội”, “lễ hội biến tướng”, “lễ hội biến dạng”, “lễ hội biến chất”… xuất hiện ngày một nhiều.

***
Trở lại chuyện kẹt xe, tắc đường, nhiều người than phiền là do Việt Nam đang quá thiếu đường để đi. Nhưng đường chỉ là một điều kiện cần chứ chưa phải là đủ, nếu ý thức giao thông kém (như kiểu chạy xe ngược chiều cao tốc) thì vẫn gây hỗn loạn, mất trật tự như thường.

Năm 2005, khi đề cập đến tin tức giao thông ở Việt Nam, tờ Der Spiegel (Đức) nói rằng về diện tích, dân số và tổng số km đường thì Việt Nam với Đức tương đương nhau, nhưng số người chết do tai nạn giao thông thì quá khác nhau. Lúc đó số người chết tại Đức chỉ bằng gần 1/10 Việt Nam, trong khi Đức có vô số đường autobahn (siêu tốc), gần như không giới hạn tốc độ. Nhiều xe đã chạy đến 322 km/h trên những chặng đường không giới hạn tốc độ. Nhiều nước hỏi làm sao để autobahn rất ít tại nạn, Đức trả lời, tiên quyết vẫn là ý thức trật tự của người lái xe.

Trật tự là tự do và sức mạnh, nên phải làm sao để trật tự đó trở thành một thuộc tính của văn hóa. Đây là quan điểm xuyên suốt của Lý Quang Diệu (1923-2015) khi tái thiết, xây dựng đất nước Singapore từ lạc hậu thành văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới. Trong một bài nói chuyện, người ta hỏi tỷ phú Trần Bá Dương rằng bí kíp nào để Thaco thành công như ngày hôm nay, ông Dương nói đại ý rằng khi công ty xây dựng được trật tự là văn hóa, kỷ luật là sức mạnh.

Vô Ưu

(TT&VH)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo