Tại Hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 7/3 tại Hà Nội, nhiều ý kiến từ các Ban Quản trị đã mang lại những góc nhìn cần nghiên cứu để tìm ra giải pháp hạn chế tranh chấp đang là vấn đề nóng hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo.
Thời gian qua công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư còn nhiều vấn đề nổi cộm, hiện tượng tranh chấp khiếu kiện liên quan tới việc quản lý sử dụng nhà chung cư giữa người dân với chủ đầu tư, chủ đầu tư với Ban quản trị, người dân với ban quản trị… Từ đó, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và đời sống người dân tại các khu chung cư. Để có thêm cơ sở cho việc đánh giá, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở theo thẩm quyền. Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo về công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư. Tại Hội nghị đã được nghe những ý kiến tham luận của Ban quản trị đại diện một số nhà chung cư, xoay quanh các vấn đề về bàn giao, sử dụng kinh phí bảo trì, phân định diện tích chung riêng, nghiệm thu chưa đưa vào sử dụng,…
Đối với Ban quan trị chung cư (BQT CC) Phúc Yên 2, được công nhận tại Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, đã bàn giao công tác quản lý vận hành từ ngày 01/4/2018, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng BQT CC Phúc Yên 2 cho biết về một số tồn tại của chủ đầu tư: “Chủ đầu tư chưa sửa chữa các lỗi trong xây dựng tại CC Phúc Yên 2, mà đã tiếp tục thực hiện các dự án mới. Từ đó, ảnh hưởng tới an toàn của toàn thể cư dân tại chung cư và người dân lân cận. Chủ đầu tư đang chiếm dụng chưa trả quỹ bảo trì về cho cư dân; Yêu cầu cư dân/BQT thanh toán tiền lắp đặt hệ thống máy phát điện và thanh toán nguyên giá hệ thống máy trông giữ xe sau 5 năm thực hiện; tranh chấp diện tích tầng hầm để xe với cư dân trong khi Sở Xây dựng đã hướng dẫn các quy định pháp luật để thực hiện; Chưa bàn đầy đủ hồ sơ pháp lý của công trình; Chưa bàn giao đầy đủ thông tin cư dân (vì đa phần cư dân cho thuê mà chủ đầu tư có sàn bán bất động sản) đang sở hữu căn hộ để giúp BQT thuận lợi trong nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, chủ đầu tư không bố trí văn phòng làm việc của Ban quản lý và BQT, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà vệ sinh chung.
Ông Trần Việt Long - Phó BQT Tòa nhà chung cư 229 Phố Vọng, phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: “Chủ đầu tư đã vi phạm một số điều như: Không tổ chức đấu thầu quản lý vận hành nhà chung cư đặc biệt là khu thương mại và tầng trệt 2 nhà A1, A2 cho doanh nghiệp thứ ba thuê lại. Điều này là trái với quy định của thành phố, khi không công khai lợi nhuận thu được từ việc tổ chức cho thuê diện tích tầng trệt và tầng hầm. Việc tổ chức kinh doanh tại tầng trệt 2 Tòa nhà rất lộn xộn dễ gây cháy nổ, diện tích sân dùng cho trung dân cư vui chơi giải trí biến thành bãi để xe cho khách hàng đến chơi game. Điều này cho thấy, việc quản lý Nhà nước đối với nhà chung cư của các Sở, UBND các cấp của TP Hà Nội bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm”.
Đối với chung cư tại Trung Văn, bà Đặng Kim Ngân - Trưởng BQT tòa nhà phát biểu về những tồn tại của chủ đầu tư: “Việc chủ đầu tư bàn giao hồ sơ cho BQT không rõ ràng, đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy và thang máy. Đề nghị phải có chế tài xử lý chủ đầu tư cho vấn đề này. Chủ đầu tư chi số tiền 2 tỷ đồng mà không có chứng từ, nên không thể giải thích với cư dân. Khi nhận lại bàn giao hệ thống phòng cháy chữa cháy phải sửa lại mấy trăm triệu, khiến cư dân ý kiến phản đối nhiều. Hay như khi bàn giao lại diện tích chung riêng, thì phần tầng hầm không biết của chủ đầu tư có những gì, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý của BQT, cũng như quyền lợi của cư dân. Hiện tòa nhà xuống cấp, nhưng chủ đầu tư không sửa chữa. Ngoài ra, Chủ đầu tư còn độc quyền khống chế không cho các nhà mạng tốt đưa vào lắp đặt để cư dân được sử dụng. Từ những bất cập nêu trên, thiết nghĩ, Bộ xây dựng cần có quy định rõ về bàn giao cơ sở hạ tầng và các vấn đề trên”.
Trên cơ sở các ý kiến tham luận này, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp đầy đủ báo cáo và sửa đổi văn bản pháp luật trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với tình hình phát triển của thực tiễn.
Khánh Huyền
(Báo Xây dựng)
- Giữ nét duyên xưa cho Đà Lạt
- Quy hoạch đô thị và hội chứng “hiện đại hóa” di sản
- Ứng xử thế nào với Sa Pa?
- Ký ức của đô thị
- Cấm xe máy hay cấm người dân ra đường
- Cuộc đại di cư của những cư dân thuỷ diện
- Trật tự nên trở thành một thuộc tính của văn hóa
- Nơm nớp lo sợ sống trong chung cư sắp sập
- Đầu tư hạ tầng ở ĐBSCL nhìn từ việc kẹt xe dịp Tết
- Khơi nguồn sống xanh