Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 40km, tại huyện Thanh Oai có tới 3 ngôi làng cổ vẫn đang lưu giữ và phát triển những ngành nghề truyền thống. Ngày cận Tết, những ngôi làng cổ này bỏ lại sự trầm mặc để khoác lên mình chiếc áo mới bởi sự tấp nập của những hoạt động mua bán.
Chợ làng Chuông họp tại đình làng chuyên bán các loại nón và nguyên liệu làm nón.
Chợ quê làng Chuông nhộn nhịp ngày giáp Tết
Đông đúc hơn những phiên chợ ngày thường, ngày giáp Tết, chợ làng Chuông tấp nập người mua bán từ khắp nơi đổ về.
Sớm tinh mơ tầm 4 - 5 giờ sáng, các bà, các mẹ đã ra họp mặt tại đình làng Chuông, bày bán nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, với giá thành khác nhau. Từ nón trắng, nón lụa đến nón quai thao, nón thúng…
Nón trắng thường có giá từ 80 - 100 nghìn đồng.
Nón lụa có giá từ 150 - 170 nghìn đồng một chiếc.
Nón làng Chuông đẹp bởi từng đường kim, mũi chỉ đều do người dân thêu tay tỉ mỉ. Những lớp lá lụi trắng ngần được xếp đều đặn trên một khuôn nón nhỏ và tròn. Khuôn nón làm bằng tre ngâm kỹ dẻo dai, gồm 16 vành giúp nón đảm bảo độ bền và chắc chắn.
Tùy từng loại nón sẽ có khuôn nhỏ hoặc khuôn to.
Lá lụi được vò trong cát để chuyển từ màu xanh thành màu trắng ngà.
Một bó lá lụi có giá từ 80 - 100 nghìn đồng tùy chất lượng.
Mo nứa là lớp lót bên trong của nón lá.
Phiên chợ làng Chuông được họp vào các ngày 04, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch. Phiên chợ quê truyền thống nổi tiếng cả trong và ngoài nước chỉ họp rồi tan nhanh trong vòng ba tiếng, nhưng vẫn luôn níu giữ nhiều du khách đến thăm.
Khung tre, chỉ thêu và sợi cước đều được bán ở chợ.
Đến nay, làng Chuông vẫn lưu giữ vẻ đẹp của một làng quê cổ, nằm nép mình bên cạnh con sông Đáy, tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Hình ảnh bình dị quen thuộc tại phiên chợ quê.
Làng miến Cự Đà tăng cường sản xuất phục vụ Tết
Cự Đà là quê hương của các doanh nhân lớn tại Việt Nam từ thời Pháp thuộc.
“Ngôi làng doanh nhân” Cự Đà (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), không chỉ nổi tiếng bởi sở hữu các công trình kiến trúc Pháp cổ mà còn là một trong những làng nghề làm miến lớn nhất miền Bắc.
Hiện nay, tại Cự Đà có khoảng 30 - 40 hộ dân làm miến.
Miến là nguyên liệu để làm các món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết, cũng như trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, làm miến đã trở thành nghề sản xuất chính của các hộ dân nơi đây. Miến Cự Đà vẫn luôn ưu tiên chất lượng: Không tẩy trắng, giữ màu miến dong xám trong nguyên thủy, sợi miến dài và nhỏ đều, khi nấu lên sẽ giữ được độ mềm và dai. Tùy nhu cầu của người mua mà miến sẽ được nhuộn vàng đẹp mắt.
Miến vàng có giá từ 30 - 32 nghìn đồng một cân.
Miến Cự Đà có nhiều loại với các mức giá khác nhau, dao động trong khoảng từ 30 - 40 nghìn đồng một cân. Nhu cầu tiêu thụ ngày Tết tăng cao nhưng miến vẫn giữ giá ổn định, người dân tăng cường sản xuất và phân phối khắp nơi.
Anh Phạm Đức Hoàng chở miến đi phân phối cho cửa hàng bán lẻ.
Anh Hoàng - Chủ cơ sở sản xuất miến chia sẻ: “Càng gần Tết, nhu cầu người mua tăng cao, mỗi ngày cơ sở chúng tôi xuất đi vài tạ miến, chủ yếu vào trung tâm TP Hà Nội và các tỉnh lân cận”.
Em nhỏ tranh thủ giờ tan học giúp đỡ gia đình.
Người làng Ước Lễ đi khắp các tỉnh để sản xuất giò chả
Giò chả Ước Lễ từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon đậm vị, là thương hiệu được nhiều gia đình sử dụng và tin cậy. Không chỉ là món ăn quen thuộc hàng ngày, đây còn là món quà biếu mỗi dịp Tết đến xuân về.
Giò chả Ước Lễ đặc trưng có vị quế, mềm nhưng giòn.
Hiện nay, ở làng chỉ còn ba hộ sản xuất giò chả, còn lại hầu hết người dân đi làm ăn xa và tự xây dựng thương hiệu giò chả Ước Lễ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định hay các vùng lân cận.
Quán giò chả Ước Lễ ngay trung tâm TP Hà Nội.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những cửa hàng giò chả Uớc Lễ đông đúc người mua sắm ở Thủ đô. Chủ cửa tiệm giò chả Ước Lễ - Bà Ích chia sẻ: “Cận Tết khách đặt giò chả làm quà biếu nhiều, muốn mua số lượng lớn thì phải đặt trước mới kịp làm. Giá cả biến động theo thị trường, hiện tại giò lụa có giá 220 nghìn đồng, giò bò 250 nghìn đồng một cân”.
Làng Ước Lễ mang vẻ đẹp bình dị, trầm mặc và cổ kính. Nằm cách Hà Nội 30km thuộc huyện Thanh Oai, Ước Lễ là ngôi làng cổ duy nhất còn sở hữu cổng làng đặc trưng kiến trúc thời Mạc.
Cổng Ước Lễ xây kiểu mái vòm cuốn có gác trên, bề dày hơn 2m.
Cổng có một kênh nước trước mặt, muốn vào cổng phải đi qua cầu đá. Phía trên cổng làng ghi dòng chữ “Mỹ tục khả phong”, tức phong tục đẹp được bạn tặng. Tương truyền rằng, đây là danh hiệu vua Tự Đức ban cho 6 làng của Hà Tây (cũ), trong đó có Ước Lễ.
Đình làng và một số công trình đang được tôn tạo theo tiến độ kịp đón Tết.
Tết đến xuân về, đất nước đang từng ngày đổi mới. Thật đáng trân trọng khi có những ngôi làng cổ còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa - kiến trúc truyền thống, nhắc nhở mỗi chúng ta biết gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp này.
Phạm Thị Chiên - Trần Thị Ngọc Thúy
(Báo Xây dựng)
- Giờ giới nghiêm của đất
- Giao thông Hà Nội hỗn loạn những ngày giáp Tết
- PPP với biệt thự cổ: tại sao không?
- Đà Nẵng: Hành động hướng đến đô thị xanh
- Giấc mơ về những ngôi nhà xanh
- Hạn chế xe máy: một tay vỗ sao kêu!
- Rác thải ùn ứ khắp trung tâm Hà Nội
- Hội An vào nhóm di sản trên bờ vực nguy hiểm
- TPHCM: 150 năm nữa mới đạt chuẩn diện tích đường sá
- Phải tính ngay đến biến đổi khí hậu