Ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay, vấn nạn xe máy làm đau đầu không chỉ người dân mà cả chính quyền. Nhiều người thấy được các mặt trái của xe máy như thiếu an toàn, gây kẹt xe, không hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng nếu người dân và chính quyền cứ tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mỗi bên một phách, thì cả hai phía sẽ đều là bên thua cuộc.
(Ảnh minh họa: Thành Hoa)
Người dân có thích đi xe máy?
Số liệu thống kê cho thấy giai đoạn 1995-2016, số lượng xe máy tăng 1.300%, từ bốn triệu chiếc lên hơn 52 triệu chiếc. Ước tính với khoảng 55 triệu chiếc xe máy hiện nay thì trung bình mỗi người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sở hữu một chiếc xe máy. Tỷ lệ 1:1 này là rất cao, kể cả so với các nước có nhiều xe máy như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Thái Lan.
Số lượng xe máy tăng nhanh, nhất là ở các thành phố lớn, cùng với việc hạ tầng giao thông đô thị không theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội đã khiến cho vấn nạn xe máy ngày càng trầm trọng hơn nhất là ở TPHCM và Hà Nội.
Với những người ủng hộ xe máy, lý do được đa số tán đồng là sự thuận tiện và linh hoạt. Nhưng nếu xét kỹ thì cái tiện của xe máy lại không lợi bằng phương tiện công cộng. So sánh giữa việc sử dụng xe buýt hay xe máy để đi làm hàng ngày, không ít người ở Hà Nội hay TPHCM đã chọn xe buýt vì an toàn hơn, tiết kiệm hơn, và có thể tận dụng khoảng thời gian trên xe buýt để đọc sách, đọc tin tức, xử lý tin nhắn, e-mail... Hiện nay, từ ngoại ô TPHCM hay sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố đều có các tuyến xe buýt. Những lúc cao điểm kẹt xe, hay thời tiết xấu thì mới thấy được sự tiện lợi của xe buýt.
Sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây liên quan đến xe máy, số người sử dụng xe buýt có lẽ sẽ tăng lên. Đây là cơ hội tốt để các tuyến xe buýt ghi điểm với người sử dụng. Tuy nhiên, nếu cầu thay đổi mà không có sự thay đổi kịp từ phía cung thì người tiêu dùng sẽ quay lại sự lựa chọn cũ là xe máy khi chưa có phương án thay thế khác.
Cần thiện chí của cả hai bên
Để giải quyết vấn nạn xe máy ở hai đô thị lớn nhất nước, nếu chỉ có thiện chí từ một bên, dù người dân hay chính quyền, thì đó vẫn là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy vậy, vai trò của chính quyền trong việc dịch chuyển hành vi tiêu dùng quan trọng hơn nhiều so với người dân. Với người dân, trong khi chỉ cần tập thay đổi thói quen sử dụng phương tiện đi lại thì chính quyền phải cân nhắc đồng bộ nhiều chính sách và nguồn lực khác nhau. Trong đó, có một số giải pháp quan trọng như sau:
Thứ nhất, giảm số lượng xe máy cũ, hạn chế xe máy đăng kí mới thông qua quy định niên hạn của xe hay tiêu chuẩn khí thải, quy hoạch tập trung bãi giữ xe máy. Khó khăn trong việc tìm chỗ đậu hay gửi xe cá nhân sẽ khiến người dân phải lựa chọn phương tiện giao thông công cộng.
Thứ hai, việc phát triển các đô thị vệ tinh phải dự báo và đáp ứng được nhu cầu cơ sở hạ tầng, từ trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, văn hóa giải trí... và phải kết nối thuận tiện với trung tâm thành phố bằng các tuyến đường sắt. Chẳng hạn, các vùng phụ cận quanh Paris (Pháp) được chia thành năm vành đai, có nơi cách Paris cả 100 ki lô mét nhưng thời gian di chuyển bằng đường sắt vào Paris chỉ khoảng một tiếng đồng hồ.
Thứ ba, không phát triển thêm chung cư cao tầng trong nội thành. Các cơ quan và doanh nghiệp, bộ phận không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng hay người dân (back office) cần được di dời ra ngoại ô hay vùng phụ cận. Thực hiện được điều này, áp lực cư trú trong trong thành phố sẽ giảm đáng kể qua việc phân bổ lại mật độ dân số.
Cuối cùng, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, văn minh, và tiện lợi. Các tuyến giao thông công cộng cần có các điểm kết nối và đổi tuyến trên các trục giao thông chính, các địa điểm quan trọng. Trên các trục đường, cần trả lại không gian vỉa hè cho người đi bộ, thậm chí, cần có đường dành riêng cho người đi xe đạp.
Như vậy, cùng với nỗ lực trước hết của chính quyền trong việc giảm thiểu xe máy và phát triển hệ thống giao thông công cộng, mỗi công dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc hạn chế phương tiện lưu thông cá nhân. Cùng góp tay cải thiện môi trường sống cũng chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và cộng đồng.
Võ Đình Trí
(TBKTSG)
- Giao thông Hà Nội hỗn loạn những ngày giáp Tết
- PPP với biệt thự cổ: tại sao không?
- Đà Nẵng: Hành động hướng đến đô thị xanh
- Giấc mơ về những ngôi nhà xanh
- Tết về trên những ngôi làng cổ
- Rác thải ùn ứ khắp trung tâm Hà Nội
- Hội An vào nhóm di sản trên bờ vực nguy hiểm
- TPHCM: 150 năm nữa mới đạt chuẩn diện tích đường sá
- Phải tính ngay đến biến đổi khí hậu
- Giao thông công cộng – học cách 'lấy lòng' người dân đô thị