UBND TP.HCM vừa chỉ đạo cho viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM lập danh sách các công trình kiến trúc cần bảo tồn. Theo đó, danh mục này sẽ gồm các công trình kiến trúc có giá trị văn hoá – lịch sử dự kiến nghiên cứu bảo tồn trong khu trung tâm thành phố hiện hữu rộng 930ha đã được phê duyệt. Thành phố cũng yêu cầu viện Nghiên cứu phát triển đề xuất tiêu chí phân loại, lập danh mục các biệt thự cần bảo tồn; các khu vực cần bảo vệ không gian kiến trúc biệt thự. PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết thêm, ngoài việc giao cho viện lập danh sách các công trình cần bảo tồn thì UBND thành phố cũng sẽ ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn, và quy định về tách thửa các biệt thự cũ để tránh có thêm nhiều công trình bị mai một.
Bưu điện TPHCM - một công trình kiến trúc cổ cần bảo tồn.
Theo sở Quy hoạch – kiến trúc thành phố, từ năm 1993, thành phố đã thực hiện chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Sau năm năm nghiên cứu, chương trình đã đề xuất 108 nơi cần bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Tuy nhiên, tại một hội thảo mới đây, KTS Lê Quang Ninh cho biết do thành phố không đưa ra được quy chế và phương án bảo tồn, nên 30% trong số 108 công trình kiến trúc có giá trị lịch sử đã bị biến mất. KTS Nguyễn Ngọc Dũng lý giải thêm, nguyên nhân “biến mất” là do cơn lốc đô thị hoá, bất động sản hoá, cao tầng hoá… được hợp thức hoá bằng việc chỉ xác định những kiến trúc được cấp bằng di sản quốc gia còn những phần không gian ngầm, nổi, những hạ tầng cơ sở, những yếu tố phi vật chất khác là thứ được xem là xa xỉ không cần thiết bảo tồn. Cũng từ đấy, cơ quan quản lý để cho các cao ốc đồ sộ, những khu phức hợp cao ngất chiếm đóng trong các không gian nhỏ, con đường nhỏ, các khu phố nhỏ mang nhiều ký ức Sài Gòn xưa.
Trao đổi riêng với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi cũng nhận định, ngoài các công trình đặc biệt quan trọng, phần lớn các công trình được khảo sát đều đã trải qua quá trình sửa chữa, cải tạo và lệch với nguyên bản. Đã và đang diễn ra hiện tượng phá vỡ cấu trúc không gian gốc của nhiều công trình, đặc biệt quan ngại là các biệt thự. Rất nhiều hiện tượng xâm hại di sản đô thị tồn tại: các công trình di sản bị tháo dỡ nhường chỗ cho dự án xây dựng mới, nhiều công trình nhà xưởng hàng trăm năm dọc kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé hoàn toàn bị xoá trong quá trình thi công đại lộ Đông Tây. Tính chất bối cảnh của di sản đô thị bị rạn vỡ. Sự tương phản gay gắt giữa kiến trúc cũ và mới.
T.Q.
- Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai
- Nhật xuất khẩu công nghệ môi trường sang Việt Nam
- Cần Thơ mở thêm 3 khu công nghiệp rộng 1.400ha
- Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ 2013
- Thông điệp giao thông xanh
- Hội An được bầu chọn là điểm đến hấp dẫn nhất
- Bộ Xây dựng đính chính thông tin 80% doanh nghiệp báo lãi năm 2012
- TPHCM: Thông xe hai cầu vượt Hàng Xanh và Ngã tư Thủ Đức
- Hà Nội tồn 1.000 hồ sơ bán nhà sở hữu Nhà nước
- TPHCM: Kết nối nhà ga metro với các tầng ngầm cao ốc lân cận