Ashui.com

Sunday
Dec 15th
Home Tương tác Điểm đến Những thành phố cổ bên bờ sông Rhine

Những thành phố cổ bên bờ sông Rhine

Viết email In

Du ngoạn theo những con sông lớn, nổi tiếng luôn mang đến những trải nghiệm giàu có và thú vị về lịch sử, văn hóa. Đến nước Đức trong mùa Hè, thay vì chọn những điểm đến quen thuộc như Berlin hay Hamburg, Munich hay Dresden…, thì chúng tôi chọn đi dọc con sông Rhine, nói đúng hơn là một đoạn đẹp nhất của con sông này, nơi lưu vực của nó năm 2002 đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới về địa chất, lịch sử và văn hóa. 

Chỉ mất chừng 5 phút cho các thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế, chúng tôi đã chính thức đặt chân tới Frankfurt, trung tâm tài chính không chỉ của nước Đức mà còn của cả châu Âu.  


Bản đồ các thành phố cổ bên bờ sông Rhine, nước Đức 

Từ Việt Nam, Frankfurt là cửa ngõ tới Đức duy nhất hiện nay với các chuyến bay thẳng hàng ngày của Vietnam Airlines. 

Tuy nhiên, chúng tôi chả có việc gì ở thành phố bận rộn bên bờ con sông Main này. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi nằm cách đó 150km, với hơn 1 giờ chạy xe, là Bonn, “cố đô” của “phía Tây” thời nước Đức còn chia cắt, cũng là thành phố bắt đầu của “những thành phố cổ bên bờ sông Rhine”.

Từ một thành phố cổ…

Khác với hình dung của không ít người về một thành phố từng là Thủ đô của nước Đức tư bản từ năm 1949 đến năm 1990, Bonn nhỏ bé, đặc biệt nhỏ bé nếu so với Berlin, thậm chí chả có cái sân bay nào, sân bay gần nhất ở thành phố Cologne (tiếng Đức là Koln) cách đó khoảng 30km, chủ yếu để vận tải hàng hóa thay vì chuyên chở hành khách. Khách quốc tế tới Bonn chủ yếu qua sân bay Frankfurt. 

Nhưng Bonn lại là một trong những thành phố cổ nhất của nước Đức. Theo sử sách ghi lại, thành phố được khai sinh từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 9 trước Công nguyên khi người La Mã bắt đầu xây dựng đường giao thông, cầu và các pháo đài tại đây, khi ấy có tên là Bonna.

Song, những công trình kiến trúc cổ gần như không để lại chút dấu vết nào ở Bonn ngày nay. Lịch sử hỗn loạn của thành phố ngay từ khi hình thành khiến Bonn bị tấn công và thiêu rụi nhiều lần, trong đó gần nhất là lần bị phá hủy vào năm 1689.

Tuy vậy, những gì có thể nhắc nhớ lại lịch sử xa xưa đều được người dân ở đây gìn giữ. Một góc đài cổ được phục dựng trong trung tâm thành phố để không quên lịch sử từng bị bao vây và xâm chiếm của Bonn cách đây gần 1.000 năm. 

Hai tượng đá đầu người khổng lồ trên Quảng trường nhà thờ Thánh Martin tưởng nhớ hai vị thánh bảo trợ cho Bonn là Saints Cassius và Florentius mà theo truyền thuyết đã chết trong cuộc thánh chiến vào thế kỷ thứ 3 ngay chính tại nơi này… Nhà thờ Thánh Martin (Minster Of St.Martin’s), biểu tượng của Bonn, cũng là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất của nước Đức, được xây dựng từ thế kỷ 11 và cũng là công trình kiến trúc cổ đồ sộ nhất ở đây. 


Một góc Bảo tàng nhà Beethoven 

Một biểu tượng khác của Bonn, nhỏ bé nhưng nổi tiếng không kém có lẽ là Bảo tàng nhà của Beethoven, được đặt tại ngôi nhà mà tháng 12/1770 người con nổi danh nhất của Bonn đã ra đời.

Giờ ngôi nhà ấy được chia thành 3 phần, phần chính là bảo tàng, một khu vườn nho nhỏ phía sau có đặt bức tượng bán thân của người nhạc sĩ thiên tài, và một khu vực bán các món đồ lưu niệm có đủ mọi thứ gắn với cái tên Ludwig Van Beethoven.

Giá vé vào cửa hiện nay là 6 euro/người lớn. Khách vào bảo tàng khá đông và hầu như ai bước ra cũng mang theo một vật lưu niệm của nhạc sĩ, bất chấp một thực tế không nhiều người biết là sinh thời, Beethoven lại rất… căm ghét thành phố quê hương, nơi ông đã có một tuổi thơ bất hạnh.

Như những thành phố nhỏ khác ở châu Âu, Bonn êm đềm đến lặng lẽ. Đặc biệt nếu bạn đến đây vào cuối tuần, khi chỉ còn một số tiệm ăn và bảo tàng mở cửa cho khách du lịch. 

Có gì đó giống giống với Thủ đô Washington D.C của nước Mỹ khi Bonn mặc dầu đã trở thành “cố đô” đã 25 năm nay, nhưng vẫn còn là một trung tâm chính trị và hành chính với khoảng một nửa số cơ quan của chính phủ vẫn được giữ lại ở Bonn, ngoài ra còn trụ sở của các tổ chức quốc tế khác và trụ sở của 17 cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc. 

Và cũng giống nhiều người Mỹ làm việc ở D.C nhưng lại sống ở bang láng giềng như Maryland, Virginia, nhiều quan chức, công chức chính phủ, nhân viên công ty làm việc ở Bonn nhưng cuối ngày lại về nhà ở các thành phố, thị trấn lân cận, như Konigswinter, Bad Honnef.

Và thế là có hẳn một đường tàu điện riêng phục vụ cho cung đường từ Bonn tới Bad Honnef, dài khoảng 20km, chạy dọc theo sông Rhine về phía Nam, với giá vé chỉ 1,9euro (khoảng 45.000 đồng, cực rẻ nếu so với giá tàu nói chung ở Đức). 


Một góc pháo đài cổ được phục dựng trong thành phố 

Từ ga trung tâm ở Bonn, chúng tôi mua vé lên tàu bắt đầu cung đường khám phá các thành phố cổ nằm hai bên bờ con sông đoạn thơ mộng nhất - được mệnh danh là The Romantic Rhine. Chỉ không đầy 70km chiều dài tính theo đường chim bay, mà có lẽ phải dành tới nhiều lần của 7 ngày mới hy vọng có thể khám phá… gần hết.

Bad Godesberg, Konigswinter, Bad Honnef, Unkel, Remagen, Linz am Rhein, Andernach, Neuwied, Koblen, Lahnstein, Rhens, Braubach, Boppard, St.Goarshausen, St.Goar, Oberwesel, Kaub, Bacharach, Lorch, Assmannhausen, Bingen, Rudesheim - chỉ kể tên thôi đã đủ mệt (!). 

 

Trải nghiệm những không gian như trong cổ tích châu Âu 

Có 3 cách thuận tiện để khám phá những thành phố cổ bên bờ sông Rhine. Lãng mạn nhất và tiêu tốn nhiều thời gian nhất là bằng xe đạp. 

Bạn có thể dễ dàng thuê xe đạp ở nhà ga trung tâm Bonn. Dọc hai bờ sông Rhine có đường dành riêng cho người đi xe đạp, khung cảnh vô cùng thơ mộng. Có nhiều đoạn, bạn như đi trong rừng, có thể dễ dàng bắt gặp những chú thỏ rừng chạy tung tăng trên cỏ hoặc những đàn vịt giời, thiên nga dẫn cả đàn con bé nhỏ đi kiếm ăn bên bờ sông… Trung bình cứ 5 km trên con đường ấy sẽ có một thành phố/thị trấn/làng cổ và chúng nằm đan xen ở cả hai bên sông. 

Việc qua lại giữa hai bên sông cũng rất dễ dàng bởi cũng trên con đường dọc sông ấy, mỗi thành phố/thị trấn đều có bến phà (cầu thì phải qua vài thị trấn mới có). Chỉ cần lưu ý chuyến phà cuối cùng sẽ xuất bến lúc 9 giờ tối. Cách lãng mạn không kém tuy nhiên đắt đỏ nhất là đi tàu thủy. Như đã nói, hầu hết các thành phố/thị trấn/làng cổ kể trên đều có bến tàu, bến phà. Tuy nhiên bạn cần xem kỹ thông tin về giờ tàu.

Cách thứ 3, nhanh chóng hơn, cơ động hơn cả là đi tàu đường sắt. Đường sắt chạy song song với con sông ở cả hai bờ và bạn cũng có thể mang cả xe đạp lên tàu để sử dụng đi lại trong các phố cổ. Và dĩ nhiên là, nếu có điều kiện thì nên thử cả ba phương tiện ấy. 

Lâu đài và phố cổ

Rời khỏi ga tàu hoặc tách khỏi xa lộ, băng qua một cái cổng (bằng gỗ hoặc đá, kiểu như cổng làng ở Việt Nam), là bước chân vào những không gian như trong cổ tích. Nếu nhìn trên bản đồ vùng, các thành phố, thị trấn này được đánh dấu bằng lâu đài, pháo đài và bạn có thể thấy các công trình kiến trúc cổ gắn liền với lịch sử bảo vệ đất đai lãnh thổ ấy hiện diện ở hầu như tất cả những nơi này.

Đi tàu thủy trên sông có thể thấy rõ nhất hình ảnh những tòa pháo đài, lâu đài bằng đá, cái còn gần như nguyên vẹn, cái đã bị phá hủy, nhưng vẫn sừng sững uy nghi thách thức thời gian như tạc vào các dải núi xanh ngắt soi bóng xuống dòng sông chảy xiết. Nhưng trước khi tới được đó, bạn đã bị níu chân ở các con phố dốc, lát đá quanh co và đầy màu sắc...

Hầu hết các thành phố, thị trấn trong vùng đều có một bề dày lịch sử đáng kính nể. Như Andernach là một trong những thị trấn cổ xưa nhất của nước Đức, được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12 trước Công nguyên.

“Trẻ” như Linz (vì trùng tên với 2 địa danh khác ở Áo và Hà Lan nên Linz này có tên đầy đủ là Linz Am Rhine) cũng có tên trên bản đồ từ thế kỷ thứ 9. Tuy cũng trải qua nhiều dâu bể, bị phá hủy rồi xây dựng lại, song những thị trấn nhỏ có cơ may bảo tồn được những kiến trúc cổ hơn nhiều thành phố lớn khác. Có thể coi những thị trấn của vùng Rhine Gorge này như một bảo tàng kiến trúc nhà cổ của nước Đức.

Kiến trúc Gothic đặc trưng với phần xương nhà bằng gỗ lộ thiên trở thành một phong cách ấn tượng của cả vùng. Xưa phần xương nhà này chủ yếu để tăng độ bền vững của căn nhà do thời đó chưa có những loại vật liệu bền vững của thời hiện đại. Nhưng giờ đây chúng lại là phần trang trí của các ngôi nhà, kết hợp màu sắc với các chạm khắc, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo.

Và nhà thờ là một phần kiến trúc, văn hóa và lịch sử đặc trưng của các thành phố, thị trấn châu Âu nói chung, trong đó có vùng sông Rhine. Không chỉ 1, mà mỗi thị trấn có thể có tới 2-3 nhà thờ lưu giữ hình bóng của các thời kỳ lịch sử qua các phong cách kiến trúc khác nhau. 

Quán ăn và chợ phiên 

Một trong những trải nghiệm thích thú ở các thị trấn này là quán ăn và quán cà phê được đặt trong không gian của các ngôi nhà cổ, thậm chí là lâu đài có tuổi đời nhiều thế kỷ. Tuy là Đức, nhưng các quán chủ yếu phục vụ món ăn Pháp, Italy, có lẽ vì ẩm thực của hai nước ấy tinh tế, đặc sắc và cũng phổ biến hơn cả cho khách du lịch. Điều ngạc nhiên là giá cả ở đây mềm hơn khá nhiều so với ở nhiều quốc gia khác ở châu Âu, nhất là so với 3 quốc gia láng giềng là Pháp, Thụy Sĩ và Áo.

Với khoảng 20 euro/người, ở Paris bạn chỉ có thể có một bữa trưa “tàm tạm” trong một nhà hàng hạng xoàng, thì ở Linz, chúng tôi được thưởng ngoạn bữa trưa khá thịnh soạn trong một lâu đài sang trọng được xây dựng từ thế kỷ 16, “free” bánh mì và các món bánh, salat khai vị. Các quán cà phê, quán bia thì đa dạng và vô cùng hấp dẫn đến mức bạn cứ vừa kết thúc ở quán này lại muốn sa chân vào quán khác… Tương tự các quán cà phê, những cửa hàng cửa hiệu bán đồ thời trang, đồ lưu niệm ở đây nhỏ xinh và độc đáo lạ thường, ngược lại với các cửa hiệu to, hoành tráng ở những thành phố lớn. Ít thấy những thương hiệu phổ thông, ngược lại, nếu ai thích săn tìm hàng độc, thương hiệu lạ thì nhất định sẽ được hài lòng.

Mùa Hè ở đây còn có một sinh hoạt khá hấp dẫn là chợ phiên cuối tuần, một kiểu chợ giời, mỗi tuần lại dời đến một thị trấn. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi có dịp đi tới 3 cái chợ như vậy, 2 cái ở Bad Honnef (trong đó có 1 phiên chợ đồ cổ), và cái kia ở Andernach. Có cả ngàn thứ bà rằn ở những phiên chợ này, không ít được bán với giá chỉ 1 euro và cũng có khối thứ đồ quý hiếm giá từ vài trăm tới cả ngàn euro.

Đi chơi những phiên chợ này, kiểu gì cũng sắm sanh được một số món đồ chơi nho nhỏ, hàng độc, với giá rẻ giật mình, mà quan trọng là có nhiều tiền hơn cũng chả biết mua chúng ở đâu!

Cũng nhờ những chợ phiên mùa Hè cuối tuần này mà các thị trấn nhỏ trở nên sôi động hơn, đông người hơn. Nhưng ngay có thế vẫn không làm mất đi sự êm đềm cố hữu… Chỉ cần bạn bước chân ra khỏi khu chợ là lại có thể nghe rõ tiếng đế giày gõ trên nền đá lát nhẵn bóng màu thời gian, tiếng chim rúc rích khe khẽ đâu đó trong vòm cây dẫn dụ bạn về lại miền cổ tích… 

Thời gian tốt nhất để bắt đầu chuyến khám phá “Những thành phố cổ bên bờ sông Rhine” là từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, khi những rặng núi và đồi hai bên bờ sông phủ lá xanh và hoa mùa xuân. Tháng 7 - 8 là mùa cao điểm du lịch, các khách sạn và nhà hàng trong thời điểm này đều đông khác.

Tháng 9 có một số khách sạn và nhà hàng trong khu vực đã đóng cửa để chuẩn bị cho mùa Đông và hầu hết các chuyến tàu thủy đều ngưng hoạt động và sẽ trở lại vào tháng 4 năm sau. 

Mua vé tàu ở Đức

Nếu bạn tự đi khám phá thì phải làm quen với việc mua vé tàu bằng máy mà không có nhân viên hướng dẫn (phòng hướng dẫn chỉ có ở nhà ga trung tâm thành phố Koblen).

Cẩn thận đọc hướng dẫn trên máy (bằng tiếng Anh và Đức) để mua vé và lên đúng đường ray, thậm chí cả thông tin về vị trí đón tàu vì mỗi tuyến sẽ đậu các vị trí khác nhau trên cùng một đường ray, nếu bạn đứng sai vị trí có thể không lên kịp tàu. 

Bài và ảnh: Thủy Phạm
(Thể thao & Văn hóa Cuối tuần) 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...