Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Điểm đến Những điều kỳ thú ở di tích Hoàng thành Yên Bái

Những điều kỳ thú ở di tích Hoàng thành Yên Bái

Viết email In

Hoàng thành Yên Bái là một quần thể dày đặc các dấu tích kiến trúc Phật giáo thời Lý-Trần, cách thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái hơn một trăm cây số, còn rõ nét thành quách, ao vua, hào lũy, bãi tập… cùng nền tảng chùa tháp, đền đài, vật liệu kiến trúc, với cảnh quan núi sông bao bọc, hiểm yếu về địa thế quân sự.  

Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện thấy tại quần thể di tích này không ít hiện vật có hình dạng và niên đại giống với những hiện vật được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội như: gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc..., tượng đất nung linh vật các loại: đầu rồng, phượng..., cùng đồ thờ, đồ gốm sứ... 


Chùa tháp Hắc Y - đền Đại Cại nằm trong Quần thể di tích Hoàng thành Yên Bái. 

Các nhà khoa học lịch sử nhận định, đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, như một Trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ và được ví như là “Hoàng thành” của Yên Bái. 

Nhắc tới quần thể di tích Hoàng Thành Yên Bái là nhắc tới di tích Hắc Y - Đại Cại, một di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 1995, di tích này được phát hiện. Năm 2001, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Đền Đại Cại dựng cạnh bờ sông Chảy, mặt chính của đền nhìn ra ngã ba sông và đồi Hắc Y. Đền nằm trong một khuôn viên rộng, có nhiều cây xanh và đường ven sông, tạo vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính. 

Tại khu vực Đại Cại, Bến Lăn còn tìm được nhiều công cụ đá cuội có đặc trưng văn hóa Sơn Vi. 


Cổng chùa tháp Hắc Y - đền Đại Cại. 


Sư chùa Thích Đàm Hạnh Thường bên móng di tích Hoàng thành Yên Bái mới được phát hiện cách đây chưa lâu.


Hoa văn trên đá mới phát hiện.


Bức tường móng di tích Hoàng thành Yên Bái mới được khai quật. 

Đền Đại Cại xưa có tên cổ là đền Ta Cại, ngày nay nằm trên địa phận xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tính đến nay, đền đã trải qua ba lần di chuyển. Trước thời Tự Đức, đền Đại Cại tọa lạc trên gò Đại Mạo, cạnh miếu Hắc Y, bên bờ phải của cửa ngòi Đại Cại, sau đó chuyển sang gò Đền đối diện với gò Đại Mạo. Đến thời Khải Định, đền được rời đến vị trí hiện nay. 

Chùa tháp đất nung Hắc Y hay còn gọi là miếu Hắc Y, tọa lạc trên đỉnh đồi Hắc Y thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên. Chùa mang kiến trúc độc đáo của thời Trần. Trên đồi Hắc Y có tháp Hắc Y, thành đất, bãi quần ngựa,...là những dấu ấn một thời oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giữ nước. 

Tương truyền, vào thời vua Hùng Vương thứ 18 có một vị thần rắn hiện hình người mặc y phục đen giúp nhà vua đánh giặc. Về sau, người dân lập miếu thờ dưới gốc cây sui cổ thụ trong khu vực đền Đại Cại.

Đứng dưới đền, ngước mắt nhìn núi Vua Áo Đen sừng sững với hình tượng của vị thần linh in trong vách đá trên lưng chừng núi. Phía sau đó là một thung lũng sâu với nhiều vách đá cao thấp, có bàn cờ tiên, ao trời, nhiều động nhỏ và vườn cây ăn quả… cùng với những loại gỗ quý hiếm như đinh, sến …, một số động vật như linh dương, khỉ… 


Sư thầy Thích Đàm Hạnh Thường và các nhà khảo cổ học bên các cổ vật tìm được tại Quần thể di tích Hoàng thành Yên Bái.


Đầu rồng bằng đất nung.

Sư thầy Thích Đàm Hạnh Thường năm nay đã ngoài 80 tuổi niềm nở tiếp chúng tôi. Cụ đi vào buồng và lấy ra cho chúng tôi xem các bức ảnh tư liệu chụp cụ và một số nhà khảo cổ học bên cạnh di vật được khai quật tại quần thể di tích.

Sư thầy Thích Đàm Hạnh Thường cũng không quên nhắc nhở chúng tôi nếu đã qua Hắc Y-Đại Cại thì phải qua thăm chùa São, một trong những chùa hang đẹp và rất linh thiêng của tỉnh Yên Bái.

Bước vào hang, cứ tưởng như lạc vào trận địa bóng đêm, nhưng chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên với khung cảnh lung linh, huyền ảo của những khối nhũ đá trên vòm trần rủ xuống tạo ra muôn vạn hình thù lạ mắt.

Ngày xưa, hang chùa São còn là nơi ẩn náu, chạy giặc. Điều đặc biệt là ở trong hang là nếu bạn thắp một cây nến nhỏ thì cả đêm nến vẫn chưa cháy hết do trong hang rất kín gió.

Nơi hậu cung trong hang tập hợp rất nhiều nhũ đá giống chốn bồng lai tiên cảnh.


Nhũ đá hình voi khóc ở hang chùa São, nằm trong Quần thể di tích Hoàng thành Yên Bái.


Nhũ đá hình thù độc đáo ở hang chùa São, nằm trong Quần thể di tích Hoàng thành Yên Bái.


Hang chùa São còn phát hiện được rất nhiều nhũ đá hình đàn hổ khá đặc biệt.

Chùa São được đánh giá không chỉ là một bảo tàng địa chất sống động có giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các cư dân Việt cổ mà còn có giá trị khảo cổ học nổi tiếng phía Bắc. Bởi vậy, năm 2009, chùa hang São đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh.

Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam sau khi tìm hiểu các hiện vật được khai quật, đi điền dã tại khu di tích và vùng phụ cận, đã cho rằng, những cái tên như chùa tháp Hắc Y, chùa tháp Bến Lăn, chùa Hang Úc, chùa Xão ở Lục Yên cùng với hàng loạt các chùa nằm trong lòng hồ Thác Bà là cơ sở để khẳng định đây là một trung tâm Phật giáo ở vùng phía bắc của nước Đại Việt xưa.

Giáo sư còn cho rằng, ở Lục Yên hiện còn không ít cây cổ thụ, nhiều thế kỷ trước vùng này rất hoang sơ và rậm rạp. Vì vậy, không gian văn hóa chỉ có thể phát triển mạnh theo lưu vực sông Chảy tạo nên nét đặc thù của vùng văn hóa sông Chảy./.

(Đẹp/Vietnam+) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo