Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Từ đồ án đến thực tế

Từ đồ án đến thực tế

Viết email In

Vì sao các đồ án thiết kế đô thị hai bên một số tuyến đường mới mở ở TPHCM chưa thể triển khai, dù quy chế quản lý kiến trúc đã được ban hành? 

Nhu cầu khác với đồ án

Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hai bên các tuyến đường mới mở đã trở thành “một thứ bệnh” trong quá trình phát triển của đô thị. Vì vậy, để chữa căn bệnh này, chính quyền TPHCM đã quyết định, khi mở đường thì lập luôn đồ án thiết kế đô thị dọc hai bên. 

Điển hình là khi mở đường Võ Văn Kiệt, đường Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội thì các cơ quan chuyên môn của TPHCM đã đồng thời xây dựng các đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc dọc theo các tuyến đường này rất chi tiết.  


Phối cảnh một đoạn xa lộ Hà Nội theo đồ án thiết kế đô thị cảnh quan dọc tuyến đường này.
(Nguồn: Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM) 

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, cho biết hiện nay cơ quan chức năng căn cứ trên các đồ án thiết kế đô thị này để cấp phép xây dựng cho người dân. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng của người dân rất khác so với đồ án thiết kế nên hiệu quả của các đồ án này chưa thể phát huy. 

Cụ thể là các lô đất hai bên các tuyến đường nói trên của người dân nhỏ, manh mún… trong khi đồ án thiết kế cần những lô đất lớn, công trình xây dựng lớn; nên dù đồ án thiết kế đô thị dọc các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội… được giới chuyên môn đánh giá là đẹp, khoa học nhưng sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản lớn.

Thực tế, các đồ án thiết kế đô thị đã chia các khu đất hai bên đường thành nhiều khu vực với chỉ tiêu xây dựng, kiến trúc, cảnh quan rất chi tiết, cụ thể. Nhưng vì chưa thu hút được các nhà đầu tư thực hiện nên chính quyền TPHCM vẫn phải cấp phép xây dựng cho người dân (xây dựng nhà ở riêng lẻ) theo Quyết định 21 của TPHCM.

Theo quyết định này, những thửa đất nhỏ sẽ được phép xây dựng một trệt một lầu; thửa đất trên 36 mét vuông được xây dựng một trệt, một lửng, hai lầu.

Tất nhiên, về lâu dài khi có nhà đầu tư, chính quyền thành phố sẽ ưu tiên để thực hiện theo thiết kế đô thị đã được lập và khi đó, người dân sẽ được bồi thường, ông Thụ cho biết. 

Cần chính sách đột phá

Việc thiết kế đô thị hai bên các tuyến đường mới mở và ban hành quy chế quản lý kiến trúc của TPHCM như vậy là chưa đạt được mục tiêu quan trọng nhất, lớn nhất là giúp chỉnh trang đô thị - hình thành những khu đô thị hiện đại, những công trình tạo điểm nhấn - dọc các tuyến đường mới.

Vì trên thực tế, không gian kiến trúc hai bên các tuyến đường mới, hiện đại như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… rất lộn xộn, dù thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đã được ban hành đã được vài năm. Tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, dị dạng dọc các tuyến đường này vẫn còn đó; chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có những điểm nhấn về kiến trúc đáng tự hào.

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, đề các đồ án thiết kế đô thị nói trên đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực thì ngay từ bây giờ thành phố phải có những chính sách đột phá về thu hút đầu tư trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị. Ví dụ như, tập trung giải quyết nhanh những nhà xưởng, cơ sở sản xuất nằm trong danh sách phải di dời vẫn còn đang nằm dọc đường Phạm Văn Đồng và Xa lộ Hà Nội để tạo quỹ đất trống, kêu gọi nhà đầu tư.

Thậm chí, ông Thụ còn cho rằng cần phải lập ra Ban quản lý kiến trúc cảnh quan dọc các tuyến đường mới; và ban này phải chủ động làm đầu bài cho các dự án đầu tư, thực hiện quy hoạch ở một số khu vực để doanh nghiệp có cơ sở tham gia đầu tư…

Nếu chính quyền thành phố không chủ động thực hiện và có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư vào công cuộc chỉnh trang đô thị dọc các tuyến đường mới mở thì các đồ án thiết kế đô thị tốn kém và đẹp đẽ kia vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi,” ông Thụ nói.

Tất nhiên, để thực hiện được các đồ án thiết kế đô thị cảnh quan hai bên các tuyến đường mới mở, ngoài việc thành phố có chính sách ưu đãi đặt biệt cho nhà đầu tư (hỗ trợ về giải tỏa đền bù, thuế, vốn vay…) thì thành phố cũng phải có những giải pháp đột phá về vấn đề đền bù giải tỏa, tái định cư cho người dân.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế đô thị, với các dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến đường mới mở đẹp như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội… thì chính quyền thành phố không nên quá tính toán thiệt hơn. Vì nếu chỉnh trang được dù tốn kém - các khu phố tại đây tạo được dấu ấn kiến trúc cho đô thị - thì không chỉ bộ mặt thành phố được cải thiện mà còn thúc đẩy du lịch và nhiều ngành kinh tế khác phát triển.

Nguồn thu từ những lợi ích này hoàn toàn có thể bù đắp được cho những thiệt hại nếu có khi thành phố ban hành những chính sách ưu đãi trong việc chỉnh trang đô thị,” chuyên gia này nói. 

Quang Chung 
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo