Phương án của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị chỉ định nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi dự án kiêm tư vấn thiết kế nhà ga sân bay Long Thành đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối của các kiến trúc sư (KTS), những người cho rằng cần phải tổ chức thi tuyển để có thể lựa chọn được mô hình tốt nhất cho công trình quan trọng này.
Để có thể khởi công dự án sân bay Long Thành vào năm 2016, ACV vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ định nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi dự án kiêm tư vấn thiết kế, tức thực hiện luôn phương án kiến trúc nhà ga sân bay mà không cần thi tuyển.
Mô hình sân bay Long Thành đã có nhưng giới kiến trúc sư đang đòi hỏi một cuộc thi ý tưởng thiết kế kiến trúc của sân bay này.
Ngay sau khi đề nghị của ACV được báo chí đăng tải, Hội Kiến trúc sư Việt Nam liền có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị phải tổ chức thi thiết kế kiến trúc nhà ga cảng hàng không này. Vì, nhà ga sân bay quốc tế Long Thành là cửa ngõ cực kỳ quan trọng của quốc gia nên kiến trúc phải chuyển tải được bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo ấn tượng cho du khách, theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Trao đổi với TBKTSG Online, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng một công trình lớn như nhà ga quốc tế Long Thành (dự kiến đón 100 triệu khách/năm) mà chỉ định thầu thì không ổn. Theo ông Sơn, trước đây nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga quốc tế T2 sân bay Nội Bài do Quỹ tài trợ của Chính phủ Nhật Bản (JICA) làm tư vấn thiết kế mà không thi tuyển phương án, nên kiến trúc thiếu tính dân tộc, chỉ là sản phẩm công nghiệp sao chép.
KTS Lê Đình Quang, người từng có nhiều năm hành nghề kiến trúc tại Mỹ, cho rằng vì các sân bay mang tính "cửa ngõ ra năm châu" nên rất cần thi tuyển ý tưởng thiết kế kiến trúc nhà ga. "Khi mời các kiến trúc sư, các nhà tư vấn thiết kế hàng đầu về sân bay trên khắp thế giới tham gia cuộc thi, chúng ta sẽ thu nhận được nhiều sự đóng góp của họ để lựa chọn được một phương án tốt nhất cho nhà ga sân bay – hiện đại, thuận tiện, hài hòa, không lỗi thời trong tương lai... và đáp ứng tính dân tộc," ông nói.
“Kinh nghiệm từ các sân bay thành công trên thế giới cho thấy, lợi ích từ phương án thiết kế tốt nhất đem lại sẽ là khổng lồ so với số tiền bỏ ra để tổ chức cuộc thi. Hơn nữa số tiền tổ chức cuộc thi so với tổng vốn đầu tư của dự án là không lớn,” ông Quang phân tích. Rồi ông dẫn ra một số ví dụ nhà ga sân bay quốc tế thành công nhờ sự đóng góp của nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế hàng đầu thế giới - qua thi tuyển phương án thiết kế - như nhà ga sân bay quốc tế Inchon (Hàn Quốc), nhà ga sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), nhà ga sân bay quốc tế Los Angeles…
Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc trung tâm thông tin quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, cho rằng vấn đề thiết kế nhà ga sân bay có liên quan rất nhiều đến quy hoạch mạng lưới giao thông và hạ tầng đô thị... Vì vậy, một cuộc thi quốc tế về ý tưởng thiết kế nhà ga sân bay Long Thành sẽ tốt hơn là việc chỉ định thầu. “Có nhiều con người, nhiều tổ chức đưa ra nhiều giải pháp lúc nào cũng tốt hơn một giải pháp,” ông Thụ nói.
Trong khi đó, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, với kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực quy hoạch, chỉ bình luận: “Chỉ định thầu được một cái là nhanh nhưng nó rất dễ phát sinh tiêu cực”.
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án sân bay quốc tế Long Thành; chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 của Dự án trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định của pháp luật. Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Diện tích đất của dự án là 5.000ha, gồm diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay: 2.750ha, diện tích đất dành cho quốc phòng: 1.050ha, diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác: 1.200ha. Đây sẽ là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Quang Chung
(TBKTSG)
- Chất liệu độc nhất vô nhị gây 'bế tắc' trong trùng tu tháp Chăm
- Nguồn gốc của nhà container giá rẻ ở Sài Gòn
- Việt Nam thiếu hụt cơ sở hạ tầng giao thông trầm trọng
- Lãng phí trong đầu tư công
- “Sài Gòn học”: khi nào?
- Viện Pasteur TP.HCM - di tích trăm tuổi
- Những công trình “thân thiện” với cây xanh
- Bảo tàng Hà Nội giống Bảo tàng nghệ thuật đương đại Trung Quốc?
- Chủ đầu tư công trình 'lạnh nhạt' với vật liệu chống nóng
- Lý do để vỉa hè Hà Nội chúng ta muôn năm không sạch