Tuần qua, khi trao bằng Di tích Quốc gia cho chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới một đề nghị: Việc tiếp tục nghiên cứu giá trị của ngôi chùa này cần được đặt trong mối quan hệ với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử để từ đó lập hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thế giới.
Thực tế, từ tháng 3 này, lộ trình lập hồ sơ cho Yên Tử cũng đã bước sang giai đoạn thứ 2: Quảng bá, giới thiệu di sản ra thế giới, cũng như đón các chuyên gia quốc tế về thẩm tra thực địa.
Một góc chùa Vĩnh Nghiêm
Chuyện lập hồ sơ trình UNESCO không phải là điều gì quá xa lạ với các di sản Việt Nam. Nhưng, ở trường hợp này, Yên Tử lại nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên môn, cũng như ngành quản lý. Bởi, nếu không kể tới những di sản phi vật thể, đây là lần đầu tiên, chúng ta xây dựng hồ sơ theo hình thức “liên tỉnh”, với sự góp sức của 3 địa phương: Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Nếu được UNESCO vinh danh vào cuối 2017 tới, quần thể Yên Tử sẽ không chỉ gắn với vệt di sản kiến trúc và sinh thái gồm những chùa, am, núi… tại Quảng Ninh - như cách nghĩ vẫn đang được mặc định đặt ra cho du khách.
Di sản Thế giới ấy sẽ được mở rộng trong một không gian vô cùng lớn về phía Tây, xuống tận lưu vực sông Lục Nam, với hàng loạt khu thảm thực vật, rừng nguyên sinh, hay những kiến trúc chùa Phật giáo Lý, Trần khác nữa.
Và, như tiêu chí được hướng tới khi lập hồ sơ, quần thể không gian tôn giáo văn hóa này cũng sẽ “ôm trọn” hành trình phát triển của dòng thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử, với những địa danh ghi đậm dấu ấn của 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang).
Đó là thế mạnh đặc biệt để trình lên UNESCO - so với ý tưởng chỉ lập hồ sơ “đơn lẻ” cho khu vực Yên Tử thuộc Uông Bí và Đông Triều của Quảng Ninh đã từng được đề ra nhiều năm trước.
Như phân tích của các chuyên gia, việc nhìn di sản ở góc độ tổng thể, vượt qua sự chia cắt của địa giới hành chính, là điều phổ biến trên thế giới và có rất nhiều ưu điểm so với cách tiếp cận theo kiểu địa phương cục bộ.
Không phải bây giờ, ý tưởng “liên danh” lập hồ sơ đệ trình UNESCO mới được nhắc tới. Cách đây nhiều năm, khi tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm hồ sơ xin danh hiệu cấp Thế giới cho hang Con Moong, phía Hội đồng tư vấn cũng cho rằng di sản này cần được “gộp” với Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) để có hồ sơ tổng thể.
Hay chuyện thất bại của cụm đảo Cát Bà (Hải Phòng) khi ứng thí trước UNESCO vào năm 2014. Một số ý kiến đã đề nghị “gắn” Cát Bà với quần thể vịnh Hạ Long bên cạnh để UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thế giới lần thứ 2 cho quần thể này theo một tiêu chí bổ sung. Thế nhưng, ý tưởng ấy không thành hiện thực bởi rất nhiều lý do khác nhau.
Cho dù, ai cũng thấy rõ: về cấu tạo địa chất, Cát Bà là một phần của vịnh Hạ Long, và cũng đã từng thuộc về tỉnh Quảng Ninh (cũ) cho tới khi được cắt sang Hải Phòng vào năm 1956.
Bởi thế, với câu chuyện của Yên Tử, trước khi nói tới hy vọng về một danh hiệu cấp Thế giới, chúng ta cũng đã có thêm một điểm sáng về cách tư duy vượt khỏi tâm lý cục bộ của những người trong cuộc.
Sơn Tùng
(Thể thao & Văn hóa)
- TPHCM: Ùn tắc giao thông từ góc nhìn đô thị
- Công viên Thống Nhất: Chuyện chưa dứt về 'lá phổi' của Thủ đô
- Sẽ không còn đất xây bệnh viện, trường học
- Giải pháp cải tạo chung cư cũ: Gỡ vướng từ mâu thuẫn quyền lợi
- Làm sao chấm dứt trang trí phố Hà Nội theo kiểu 'phong trào'?
- TP.HCM nên ‘Đứng im’ và ‘Tự nuôi dưỡng hoàn thiện mình’
- Dấu ấn cầu Ghềnh hơn 100 tuổi
- Dấu tích thành cổ hơn 140 tuổi giữa trung tâm Sài Gòn
- Lưu giữ vẻ đẹp truyền thống của nhà sàn dân tộc Thái Tây Bắc
- TPHCM trước cơ hội chưa từng có để đổi mới về văn hoá, thể chế