Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn TPHCM: Ùn tắc giao thông từ góc nhìn đô thị

TPHCM: Ùn tắc giao thông từ góc nhìn đô thị

Viết email In

Ùn tắc giao thông lâu nay là vấn đề nhức nhối, là mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều đô thị trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với TP.HCM - là một đô thị lớn, hiện vẫn chưa giải quyết được vấn đề này mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và có cả sự hỗ trợ của các chuyên gia.  

Thực trạng 

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, tính đến ngày 15/4/2016, TP quản lý gần 7,6 triệu phương tiện (bao gồm gần 580.000 xe ô tô và xấp xỉ 7 triệu xe mô tô), tăng 7,21% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 25,5% so với năm 2012. Bên cạnh đó, hàng ngày còn hàng triệu các xe mang biển số của các tỉnh thành khác vào thành phố làm việc, học tập. Phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là mô tô và xe gắn máy, chiếm tỉ lệ trên 90%; còn lại là các phương tiện khác như ô tô, xe buýt... 


Tuyến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình thường xuyên ùn tắc dù đã có hai cầu vượt bằng thép. 

Còn báo cáo của Sở GTVT TPHCM, tính đến hết năm 2015, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.044 km, diện tích mặt đường khoảng 53 triệu m² (không kể những tuyến đường quá nhỏ và hệ thống đường hẻm); so với năm 2012 tăng khoảng 150 km và tăng 5,5 triệu m2 mặt đường. Mật độ đường giao thông chỉ mới đạt 1,9 km/km² (theo Quy chuẩn xây dựng VN về quy hoạch xây dựng là 10 - 13,3 km/km²); diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 8,2% (theo Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ là 24 - 26%). 

Do vậy, hiện lưu lượng giao thông trên nhiều tuyến đường luôn ở mức cao. Trong giờ cao điểm, tất cả các loại phương tiện vận tải (từ hiện đại cho đến thô sơ, từ nhỏ cho đến lớn) cùng chen chúc trên đường như “nêm cối”, đặc biệt là trên các trục đường và nút giao thông chính. Chỉ cần xảy ra va quẹt thì tình hình giao thông có nguy cơ sẽ bị hỗn loạn và ùn tắc giao thông có thể xảy ra ngay. 

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TPHCM khẳng định: Với tốc độ tăng dân số và tăng phương tiện giao thông quá nhanh, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống cầu đường, gây ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông tĩnh đã trở nên rất yếu kém, mật độ xây dựng dày đặc khiến cho tình trạng thiếu chỗ đậu xe trở nên khan hiếm. Thống kê của Sở GTVT TPHCM cho thấy, đến nay, tổng diện tích bến bãi giao thông tĩnh trên địa bàn TP là 87,09 ha. Đạt 7,6% so với Quyết định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, bến bãi kỹ thuật xe buýt: 10,96 ha; bến xe buýt: 6,75 ha; bến xe liên tỉnh: 14,90 ha; bãi đỗ xe ô tô: 5,43 ha; bến xe ô tô hàng: 49,05 ha; bãi đậu xe taxi hiện nay chưa có theo quy hoạch là 15 bãi với diện tích khoảng 31 ha. 

Một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng ùn tắc giao thông đó là việc lấn chiếm vỉa hè. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình cho biết: Tuyến phố này có vỉa hè nhưng hẹp, mấp mô và bị biến thành nơi bán hàng, nơi giữ xe vào chợ vì thế người đi bộ đành đi xuống lòng đường, khiến cho con đường này thường xuyên bị ách tắc.

Với đặc thù của một đô thị lớn có mạng lưới giao thông phức tạp, lưu lượng giao thông cao nhưng rất nhiều tuyến phố có các đường ngang không hợp lý, chỗ quá dầy, chỗ thì quá thưa không phù hợp với lưu lượng giao thông tại những vị trí này nên đã gây nên ùn tắc giao thông thường xuyên.

“Ùn tắc giao thông tại TP còn do ngập lụt vì quy hoạch, đầu tư xây dựng không đồng bộ nên hệ thống tiêu thoát nước cũng trở nên rất yếu kém nên khi mưa xuống, triều cường là nhiều tuyến phố lâm vào tình trạng ngập lụt gây tắc nghẽn giao thông. Vì vậy, TP cần kịp thời nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước góp phần giảm ùn tắc giao thông. Nhìn chung, lưu lượng giao thông ngày càng tăng, khuynh hướng ô tô hóa ngày càng cao, hạ tầng giao thông đã trở nên quá tải. Để giải quyết tình trạng này thì các cơ quan chuyên ngành cần phải thực hiện đồng bộ và có giải pháp phù hợp”, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã từng nhận định. 


Tình trạng dùng vỉa hè làm nơi bán hàng, đậu xe dẫn tới ùn tắc tuyến đường Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa. 

Cần giải pháp đồng bộ 

Ông Đường cho biết: Hiện nay, Sở GTVT TPHCM đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Thành ủy, UBND TP về Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 với 07 nhóm giải pháp chính như: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch, chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị; khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

“Trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chuyên ngành tiếp tục rà soát toàn bộ các quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố (đường sắt, đường bộ, đường thủy) với các quy hoạch khác để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp”, ông Đường chia sẻ.

Ngoài ra, TP còn gấp rút triển khai các quy hoạch như: Quy hoạch chi tiết các nút giao thông chính, các đường trên cao; các bãi đỗ, bến xe; quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng; rà soát quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TPHCM… và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện sau khi các quy hoạch được phê duyệt.

Bên cạnh đó, theo ông Đường, việc phát triển các cao ốc, khu đô thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học... cần phải thực hiện đồng bộ với hiện trạng và tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh theo quy hoạch được duyệt và phải được Sở Giao thông Vận tải thẩm định hồ sơ đánh giá tác động giao thông ở các bước trước khi phê duyệt.

Đầu tư xây dựng các cảng, kho bãi hàng hóa kết nối đường thủy đến hệ thống cảng biển thành phố; xây dựng mối liên kết giao thông và hỗ trợ hữu hiệu giữa vận tải đường bộ và vận tải đường thủy thông qua hệ thống cảng mới Hiệp Phước, Phú Hữu, Phú Định… với các khu công nghiệp Cát Lái, Hiệp Phước và các khu đô thị mới như Nam Sài Gòn, Tây Bắc, Thủ Thiêm… Xây dựng khu đô thị cảng, phát triển nhanh, đồng bộ cụm cảng biển ở Hiệp Phước.

Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ di dời các cảng trên sông Sài Gòn, di dời cảng Trường Thọ, các dự án kết nối giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao. 

Mai Thanh 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo